Trên cung đường biên giới: Đường 4 và những huyền thoại
Hôm ấy, đường số 4, đoạn Lạng Sơn – Cao Bằng trời mưa. Nhìn mưa dăng dăng và hình thù núi non, lũng vực mờ đi qua màn nước, tôi bỗng cảm khái làm mấy vần. Bài thơ (tạm gọi vậy) có tên là 'Lên Bắc': 'Nẻo lên núi Bắc nay mù quá/ Đông Khê đồn cũ hãy còn xa/ Đường 4 quanh co trong mưa ướt/ Bỗng nhớ một người vừa mới xa'.
Một người vừa mới xa ấy là ông Đặng Văn Việt (1920 - 25 tháng 9 năm 2021), người được quân viễn chinh Pháp đặt cho biệt danh là “Hùm Xám đường số 4” hay “Tiểu Napoleon”, còn người dân vùng này thì gọi ông là “Đệ tứ lộ Đại vương”.
Ông nguyên trung đoàn trưởng đầu tiên của trung đoàn 174 - một trong 3 trung đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội ta, người đã chỉ huy đội đánh thắng nhiều trận trên đường số 4 từ năm 1947 đến chiến dịch Biên giới 1950. Hôm đó, con người huyền thoại mà tôi nghe nhiều nhưng chưa từng gặp đó vừa từ trần vài ngày sau khi đã sống trọn một thế kỷ với cuộc đời nhiều thăng trầm của một anh kiệt.
Mấy năm nay, tôi có duyên đi lại nhiều lần trên con đường số 4 mà khoảng 50 năm đầu tiên trong đời tôi không có dịp đi mặc dù đã biết đến nó từ bé khi đọc sách và học trong trường phổ thông về Chiến thắng Biên giới 1950, khi mà quân ta đánh bại, tiêu diệt hai binh đoàn Le Page và Charton của Pháp. Con đường số 4 có đến vài trăm cây số chạy dọc biên giới Việt – Trung nối 2 tỉnh Cao Bằng - Lạng Sơn.
Lần đầu qua đường số 4 có dễ cách đây đã trên 10 năm. Một chuyến công tác xã hội, thăm tặng quà cho các chiến sĩ Biên phòng và học sinh hai tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng vào dịp Tết. Để tiết kiệm thời gian, tôi đã quyết định đi ban đêm từ Lạng Sơn qua Cao Bằng. Con đường số 4 khi đó làm tôi có cảm tưởng như chiếc Land Cruiser cũ của báo Tiền Phong đang đi trên đường Trường Sơn thời chiến tranh. Những ổ voi khổng lồ làm chiếc xe khá nặng tung lên, rơi xuống liên tục.
Nay thì đã hoàn toàn khác. Đường số 4 được đầu tư làm lại với chất lượng mặt đường khá tốt. Con đường quanh co đi qua núi non hùng vĩ, sông suối uốn lượn như lụa, có chỗ vách núi dựng đứng sát vào đường. Nhiều chỗ lại qua những bản làng, thị trấn, thị tứ khá đẹp. Cột cây số báo khi thì khoảng cách tới Thất Khê, khi thì tới đèo Bông Lau rồi Đông Khê, những địa danh tôi nhớ tới rất nhiều sự kiện, nhiều cái tên, nhiều hình ảnh mà đa số người Việt đều biết, đều nhớ nhưng không phải ai cũng không rành nguồn gốc.
Trước hết là bức ảnh lịch sử quý giá và rất đẹp Bác Hồ lên non xem trận địa. Trong ảnh, Bác Hồ mặc quần áo bộ đội, quần xắn trên đầu gối, đầu đội mũ cát, ngồi nghiêng nghiêng hình như trên một mỏm đá hơi nheo mắt chăm chú nhìn xuống cứ điểm giặc, chung quanh là các chiến sĩ người đang nhìn ống nhòm, người nói vào ống nói máy liên lạc. Đó là hình ảnh Bác trực tiếp đi Chiến dịch Biên giới năm 1950 và cứ điểm Bác đang chăm chú quan sát là đồn Đông Khê khét tiếng kiên cố.
Hôm đó là sáng sớm ngày 16/9/1950, Bác quan sát, theo dõi chặt chẽ diễn biến trận Đông Khê tại đài quan sát chiến dịch ở đỉnh Ngườm Cuông, núi Báo Đông, bản Nà Lạn, xã Đức Long, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng, cách đường số 4 không xa. Nhà nhiếp ảnh Vũ Năng An đã chụp được bức ảnh lịch sử đó tuyệt đẹp. Chính trong chiến dịch này, Bác Hồ đã viết bài thơ “Lên núi”: “Chống gậy lên non xem trận địa/ Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây/ Quân ta khí mạnh nuốt ngưu đẩu/ Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy”.
Thứ hai là hành động huyền thoại của các anh hùng Quân đội La Văn Cầu, Trần Cừ. Trong trận đánh đồn Đông Khê, Đại đội trưởng Trần Cừ đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai (trước chiến công của anh Phan Đình Giót gần 4 năm). Cũng trong trận ấy, tổ trưởng tổ bộc phá La Văn Cầu khi bị trúng đạn giập nát một phần cánh tay phải đã nhờ đồng đội dùng lưỡi lê chặt đứt cánh tay bị thương và dùng tay trái ôm bộc phá đánh đứt hàng rào dây thép gai mở đường, tạo thời cơ cho các lực lượng khác tiếp đánh chiếm đồn địch.
Và tất nhiên phải nhớ đến nhiều chục trận đánh dưới sự chỉ huy của Chỉ huy trưởng Mặt trận đường số 4 Đặng Văn Việt từ năm 1947 đến tháng 8 năm 1949, trong đó có trận phục kích đèo Bông Lau – Lũng Phầy vang dội trong vòng chưa đầy 30 phút đã phá hủy 27 xe cơ giới, diệt 104, bắt sống 101 lính Pháp (đây không phải là trận đánh duy nhất trên đèo này vì trong khoảng thời gian 1947 – 1949, đơn vị dưới sự chỉ huy của ông Việt đã phá hủy khoảng 100 xe quân sự của quân Pháp ở đây). Sau này, đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp Bigeard (người từng là một sĩ quan thiện chiến bị quân đội ta bắt làm tù binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ) sang thăm Việt Nam đã nhờ người dẫn đến nhà thăm ông Đặng Văn Việt. Đại tướng Pháp này nói: “Năm 1949 tôi là trung úy, đồn phó đồn Na Sầm từng chạm trán với ông trên đường số 4 mà giờ mới có dịp gặp nhau”. Rồi hai người cùng lên lại chiến trường xưa. Ông Việt kể trong một bài báo: “Khi tôi chỉ lên dãy núi, giới thiệu trận địa phục kích cửa tử Bông Lau - Lũng Phầy, Bigeard đứng nhìn một lúc rồi thốt lên: “Ông đánh thế thì tôi thua là đúng”.
Trong chiến dịch Biên giới năm 1950, trung đoàn chủ lực 174 do ông Đặng Văn Việt chỉ huy, ông Chu Huy Mân (người sau này trở thành Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, rồi Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước) làm chính ủy phối hợp với trung đoàn 209 đã đánh chiếm đại đồn Đông Khê, bao vây cô lập bức địch rút chạy khỏi Cao Bằng, uy hiếp cụm cứ điểm Thất Khê, buộc địch rút chạy khỏi đây, sau đó khỏi cả Lạng Sơn, giải phóng hoàn toàn một tuyến dài biên giới, khai thông biên giới Việt – Trung.
Đáng tiếc là sau năm 1952, do thành phần gia đình, ông Đặng Văn Việt bị rút khỏi tác chiến trực tiếp. Rồi đến cải cách ruộng đất thì ông phải ra khỏi Quân đội. Không biết có phải không nhưng tôi cứ nghĩ Quân đội ta đã lỡ mất cơ hội có thêm một danh tướng.
Nhà báo lão làng Xuân Ba, người tôi mời đi cùng trong chuyến đi qua đường số 4 mới đây nhất vào trung tuần tháng 9 vừa qua lại cứ càu nhàu trên xe là tôi lại quyết định đi đêm, không nhìn được gì. Con người đã từng in dấu chân không thiếu một huyện nào trên đất nước ta ấy cay vì “nói thế mà tao chưa từng tận mắt nhìn cảnh vật đường số 4 bao giờ vì trước đây duy nhất có một lần đi qua thì lại say quá không biết gì”.
Xuân Ba tiên sinh tiếc là phải lắm vì từ Đồng Đăng của Lạng Sơn, để lên non nước Cao Bằng, con đường số 4 phải xuyên qua những địa danh nổi tiếng của Lạng Sơn như thị trấn Na Sầm - huyện lỵ huyện Cao Lãng, thị trấn Thất Khê - huyện lỵ huyện Tràng Định, đèo Bông Lau huyện Tràng Định gần sát huyện Thạnh An của Cao Bằng (tôi chưa được qua nhưng nghe nói ở gần đèo có Nghĩa trang của các liệt sĩ hi sinh trong các trận chiến hơn 70 năm trước ở đèo này, và đây là nghĩa trang liệt sĩ đầu tiên của Quân đội ta). Từ Bông Lau không xa lắm sẽ đến Đông Khê - huyện lỵ huyện Thạch An. Các thị trấn huyện lỵ kể trên là các địa danh lịch sử nổi tiếng và nay đều sầm uất. Đó là chưa kể cảnh nơi nơi núi đèo, sông suối hùng vĩ, cao sâu, với nhiều cánh rừng hồi, quế, keo, cây sương sáo (để nấu thạch đen)… và những vạt ngô, nương lúa mà lác đác lắm mới có đôi vạt đỏ đuôi khi vào cữ đầu tháng 8 âm.
Đường số 4 nói trong bài là Quốc lộ 4A nối từ TP Lạng Sơn đến huyện lỵ huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng.
Nước ta có hệ thống Quốc lộ 4 gồm 6 quốc lộ đánh số từ 4A đến 4H, chạy theo tuyến biên giới Việt - Trung nối các tỉnh biên giới phía Bắc với nhau.
Ngoài Quốc lộ 4A nói trên còn có:
- Quốc lộ 4B dài 92,3 km nối từ huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh tới TP Lạng Sơn.
- Quốc lộ 4C dài 185 km từ thành phố Hà Giang đi qua 4 huyện thuộc Cao nguyên đá Đồng Văn của tỉnh Hà Giang là Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc và kết thúc tại huyện Bảo Lâm.
- Quốc lộ 4D dài khoảng 160 km, xuất phát từ huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu tới Sa Pa, TP Lào Cai, tới cửa khẩu Mường Khương.
- Quốc lộ 4E dài 44 km, chạy hoàn toàn trong tỉnh Lào Cai , từ huyện Bảo Thắng tới thành phố Lào Cai.
- Quốc lộ 4G dài 92 Km từ thành phố Sơn La tới huyện Sông Mã của tỉnh Sơn La.
- Quốc lộ 4H dài 350 km kết nối huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên với huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu và đi tiếp qua huyện Nậm Nhùn, tới huyện Sìn Hồ của tỉnh này.
Theo Lê Xuân Sơn (TPO)
Link bài gốc: https://tienphong.vn/tren-cung-duong-bien-gioi-duong-4-va-nhung-huyen-thoai-post1578253.tpo