Trên đất Phương Giai - Thổ Phụ
Nằm trong không gian của đất Tây Đô xưa (kinh đô của vương triều Hồ) làng Phương Giai - Thổ Phụ (xã Tây Đô) là vùng đất cổ với nhiều dấu tích văn hóa, lịch sử.

Đình làng Thổ Phụ giữ được nét đẹp kiến trúc thời Nguyễn.
Làng quê bên thành cổ
Được hình thành nhờ quá trình bồi đắp của phù sa sông Mã, làng Phương Giai - Thổ Phụ có địa hình tương đối bằng phẳng với lịch sử lập dựng từ khá sớm. Theo sử sách, thời thuộc Hán nơi đây thuộc huyện Dư Phát, sau đó là huyện Nhật Nam, đến thời Trần - Hồ thuộc huyện Vĩnh Ninh, thời Lê Trung hưng thuộc huyện Vĩnh Phúc, về sau là huyện Vĩnh Lộc, nay thuộc xã Tây Đô, tỉnh Thanh Hóa.
Làng Thổ Phụ khi xưa có tên Thổ Sơn trang, đến đầu thế kỷ XX đổi tên là Thổ Phụ. Vào đầu thời Trần, những người họ Bùi đầu tiên đã đến đây sinh sống. Về sau có thêm họ Phạm ở miền ngoài đã đến đây góp sức xây dựng Thành Nhà Hồ. Khi nhà Hồ không còn, những người họ Phạm đã ở lại Thổ Sơn trang cùng xây dựng xóm làng. Khi nhà Lê suy yếu, ông Phạm Đốc ở đất Thổ Sơn là người đã có công phù Lê, diệt Mạc... Qua thời gian, trên đất làng Thổ Phụ, ngoài họ Bùi, Phạm còn có thêm nhiều dòng họ khác cùng nhau quần cư xây dựng xóm làng.
Với làng Phương Giai, buổi ban đầu có tên Vạn Ninh phường. Tương truyền, trước khi Hồ Quý Ly cho xây dựng thành An Tôn (tức Thành Nhà Hồ) thì Vạn Ninh phường đã có con người sinh sống. Và cũng như làng Thổ Phụ, khi Hồ Quý Ly xây dựng thành An Tôn cần huy động một lượng lớn nhân công thì người muôn phương đã cùng tìm về. Thành xây xong, họ đã chọn ở lại Vạn Ninh phường lập nghiệp.
Giặc Minh xâm lược, vương triều Hồ bị diệt vong khiến những làng quê dưới chân thành An Tôn như Vạn Ninh phường không tránh khỏi phiêu tán. Tuy nhiên, khởi nghĩa Lam Sơn thành công, Bình Định vương Lê Lợi lên ngôi vua với nhiều chính sách kiến thiết đất nước, Vạn Ninh phường đã từng bước được khôi phục, phát triển, được đổi tên thành Phương Nhai. Đến thời Nguyễn, làng mang tên Phương Vệ. Khoảng cuối thế kỷ XIX, làng mang tên Phương Giai cho đến ngày nay. Ở Phương Giai có nhiều dòng họ cùng nhau sinh sống, trong đó họ Lê đông đúc hơn cả.

Văn bia khắc ghi thân thế, sự nghiệp dũng tướng Phạm Đốc - một người con ưu tú của làng Thổ Phụ.
Với thổ nhưỡng đặc biệt, theo người dân địa phương, táo làng Phương Giai ngon và có mùi vị khác hẳn với táo ở các địa phương khác. Dân gian lưu truyền: “Ta về nhớ táo Phương Giai/ Nhớ ổi Đa Bút, nhớ khoai chợ Bồng”.
Và những dấu tích văn hóa
Trong quá trình xây dựng quê hương, thôn làng, cùng với nỗ lực mưu sinh, những thế hệ người dân Phương Giai - Thổ Phụ cũng không quên chăm lo, vun đắp các giá trị văn hóa, xây dựng các công trình tín ngưỡng, tâm linh.
Ở Phương Giai trước đây có hệ thống các công trình kiến trúc văn hóa. Là đình làng, chùa Tiêu Nương, đền Tam Tổng (tức đền Phương Giai). Tương truyền, gọi là đền Tam Tổng bởi khi xưa đền do người dân ba tổng trong vùng cùng nhau đóng góp kinh phí, hợp sức làm nên. Đền Tam Tổng là công trình kiến trúc có ý nghĩa lớn về văn hóa, tín ngưỡng tâm linh với người dân trong vùng.
Đền Tam Tổng thờ Thượng đẳng tối linh thần - Thượng tướng Trần Khát Chân. Ông người làng Hà Lãng, sinh ra trong gia đình có nhiều cống hiến cho nhà Trần. Trần Khát Chân nổi tiếng là vị tướng uy dũng. Cuối thời nhà Trần, lợi dụng tình hình nước ta suy yếu, Chế Bồng Nga nước Chiêm Thành dẫn đại quân thủy bộ vào nước ta quấy phá. Bấy giờ, Trần Khát Chân được triều đình giao trọng trách đánh dẹp quân xâm lược. Trong trận chiến này, dưới sự chỉ huy của Trần Khát Chân, Chế Bồng Nga bị giết, quân Chiêm bỏ chạy tan tác.
Trước sự suy vi không thể cứu vãn của vương triều Trần, quan đại thần Hồ Quý Ly đã lên nắm quyền, lập nên nhà Hồ. Tuy nhiên, hành động này không nhận được sự ủng hộ của những tướng lĩnh trung thành với nhà Trần, họ đã cùng nhau bàn kế mưu sát Hồ Quý Ly. Sự việc không thành, Trần Khát Chân cùng nhiều tướng sĩ bị xử tử.
Thương cảm trước tài năng và tấm lòng của Trần Khát Chân, sau khi ông mất, người dân nhiều nơi trong tỉnh đã lập đền phụng thờ. Đền Tam Tổng trên đất làng Phương Giai là một trong số hơn 70 địa điểm thờ phụng Thượng tướng Trần Khát Chân.

Đền Tam Tổng trên đất làng Phương Giai.
Theo những người có tuổi ở làng Phương Giai, bên cạnh việc thờ Thượng tướng Trần Khát Chân, tại đền Tam Tổng còn phối thờ hai ông Phạm Khả Vĩnh và Phạm Ngưu Tất - đều là hai vị tướng thời Trần bị xử tử khi việc mưu sát Hồ Quý Ly bất thành.
Đền Tam Tổng khi xưa được xây dựng theo kiểu chữ “Công” với quy mô bề thế gồm nhà tiền đường rộng lớn, hai bên là nhà giải vũ và hậu cung 3 gian. Ngoài cổng đền có bia “hạ mã” nhắc nhở mỗi người dân khi đến đây đều phải xuống ngựa, hạ võng mới được vào đền. Đáng tiếc, trải qua thời gian, chiến tranh, đền Tam Tổng bị hư hỏng không ít, ngày nay chỉ còn lại nhà hậu cung.
Cũng như Phương Giai, làng Thổ Phụ khi xưa có sự hiện hữu của nhiều công trình kiến trúc văn hóa, như: Đình ở giữa làng; đầu làng và cuối làng có nghè thờ; có chùa, có văn chỉ; lăng mộ tướng quân Phạm Đốc - vị tướng có công “phù Lê, diệt Mạc”.
Người già trong làng kể rằng, khi xưa đình, nghè của làng còn khá đơn sơ. Tuy nhiên, đầu thế kỷ XX, do dòng sông Mã qua làng Thổ Phụ bị lở, người dân buộc phải tháo dỡ đình và nghè, lấy vật liệu dựng nên ngôi đình làng với diện mạo còn giữ được cho đến ngày nay. Dù trải qua không ít lần trùng tu song đình làng Thổ Phụ vẫn giữ được nét đẹp kiến trúc thời Nguyễn, là một trong những điểm nhấn văn hóa trong “bức tranh” làng quê bên dòng sông mã.
Đáng nói, ở Thổ Phụ có tới 3 vị Thành hoàng làng được người dân tôn kính, phụng thờ. Trong đó, ngoài 2 vị thiên thần là Thiên Vương và Ngọ Vương thì Tĩnh Quốc công Thái úy Phạm Đốc - vị tướng tài ba, nhân đức chính là vị Thành hoàng làng thứ 3. Ông là người có công với dân, với nước. “Sau khi ông mất thi hài đưa về quê được nhà vua cấp tiền, cấp ruộng đất để làm tang lễ, xây lăng mộ, dựng bia công trạng. Do đó từ cuối thế kỷ XVI, làng Thổ Sơn (Thổ Phụ) thờ thêm Tĩnh Quốc công Thái úy Phạm Đốc làm Thành hoàng làng”. Ngày nay văn bia khắc ghi thân thế, sự nghiệp của Thành hoàng làng Phạm Đốc còn được lưu giữ trên đất làng Thổ Phụ.
Đi qua thời gian, cùng với sự phát triển của đất nước, làng Phương Giai - Thổ Phụ đã có nhiều đổi thay. Dẫu vậy, trong không gian của làng quê bên bờ sông Mã vẫn còn đó những dấu tích văn hóa được lưu giữ, bảo tồn - như một sự nhắc nhớ hậu thế về một vùng quê tươi đẹp trên đất Tây Đô xưa và nay.
Bài viết có tham khảo, sử dụng nội dung trong sách Lịch sử xã Vĩnh Tiến và một số tài liệu lưu giữ tại địa phương.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/tren-dat-nbsp-phuong-giai-nbsp-tho-phu-38007.htm