Tri ân thiết thực, nghĩa tình
Ngày cuối tuần, căn nhà nhỏ của gia đình Bà mẹ Việt Nam anh hùng Đỗ Thị Sang, 88 tuổi, ở xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh rộn ràng tiếng nói cười của cán bộ, chiến sĩ, nhân viên Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi và đoàn viên, thanh niên địa phương đến nhà tổ chức bữa cơm ân tình.
Các bạn trẻ ôm chầm lấy mẹ, quây quần ríu rít hỏi han. Sau đó, mỗi người một việc, thăm khám sức khỏe, động viên mẹ, lau dọn bàn thờ, thắp hương tưởng nhớ liệt sĩ, nấu ăn...
Đại tá Lê Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi cho hay: Việc tổ chức bữa cơm tại nhà Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách là một trong những hoạt động đền ơn đáp nghĩa được đơn vị thực hiện thành nền nếp nhiều năm qua. Đây không chỉ là hoạt động tri ân mà còn là dịp để mỗi cán bộ, nhân viên, đoàn viên, thanh niên cảm nhận sâu sắc hơn, trân trọng hơn những đóng góp, hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng đối với Tổ quốc, thiết thực giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Cán bộ Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi tặng quà đối tượng chính sách trên địa bàn.
Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi tổ chức nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa ý nghĩa, thiết thực. Giai đoạn 2020-2025, đơn vị đã xây dựng hơn 100 ngôi nhà tình nghĩa, tình thương tặng đối tượng chính sách, hộ dân khó khăn tại huyện Củ Chi và một số vùng căn cứ kháng chiến tại phía Nam. Đơn vị hỗ trợ các xã trên địa bàn xây dựng, sửa chữa đồng bộ hệ thống đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí hơn 400 triệu đồng và trao hàng nghìn suất quà tặng các đối tượng chính sách, hộ nghèo.
Ban quản lý khu di tích còn phối hợp huy động hơn 105 tỷ đồng giúp địa phương xây dựng nông thôn mới; triển khai nhiều phong trào, mô hình tình nguyện hiệu quả, như: “Nuôi heo đất”, “Tủ áo thanh niên”, “Thước củi thanh niên”, “Vườn rau thanh niên”... Trong 5 năm qua, các tổ chức quần chúng đã xây dựng được hơn 100 công trình thanh niên ý nghĩa, hàng nghìn bộ quần áo tặng người dân nghèo trên địa bàn. Đơn vị chủ động làm tốt công tác bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị khu di tích vào phát triển du lịch, giáo dục truyền thống. Lượng du khách đến tham quan khu di tích tăng mạnh, tạo nguồn lực chung tay cùng địa phương chăm lo, tri ân gia đình chính sách, người dân hoàn cảnh khó khăn, tô thắm truyền thống đoàn kết, nghĩa tình của quân dân vùng “đất thép”.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/chinh-sach/tri-an-thiet-thuc-nghia-tinh-826523