Trị 'bệnh' máy móc, vô cảm

Con trai tôi 14 tuổi. Vừa qua, gia đình có việc phải di chuyển bằng máy bay. Dù đã mang đầy đủ giấy tờ gồm vé máy bay, căn cước công dân của hai vợ chồng và giấy khai sinh của cháu nhưng nhân viên an ninh sân bay nhất quyết không cho vào phòng chờ với lý do con trai tôi phải có căn cước công dân hoặc giấy xác nhận nhân thân do công an phường cung cấp, giấy khai sinh không còn hợp lệ.

Mặc cho chúng tôi ra sức giải thích vì vợ chồng bận, chưa có thời gian làm giấy căn cước công dân cho cháu. Vả lại, cháu mới qua mốc 14 tuổi được ít ngày, trong khi thời gian làm căn cước công dân đến khi nhận thường phải mất hơn một tháng, đến thời điểm đi máy bay cũng chưa thể có căn cước công dân. Cháu là con chúng tôi, người thật việc thật, có giấy khai sinh chứng minh rõ ràng, mong các anh thông cảm, linh động giải quyết.

Nhưng, nhân viên an ninh sân bay vẫn lạnh lùng lắc đầu, đồng thời yêu cầu chúng tôi đứng dẹp sang một bên để những hành khách phía sau lên làm thủ tục. Con trai tôi òa khóc. Còn tôi, cảm giác cay đắng, ấm ức đến nghẹt thở.

Tranh minh họa: Internet

Tranh minh họa: Internet

Không chỉ riêng tôi, hẳn nhiều người cũng đã có những trải nghiệm tương tự khi đối diện với lối làm việc nguyên tắc cứng nhắc, rập khuôn máy móc, bàng quan, vô cảm của một số cán bộ, nhân viên khi thực thi công vụ. Thậm chí có những câu chuyện dở khóc dở cười như vợ chồng ông bà lão trên 80 tuổi không thể bán được nhà vì thiếu giấy đăng ký kết hôn, do giấy đã bị thất lạc từ hồi chiến tranh, dù giấy khai sinh con cái, hộ khẩu hiện ghi rõ là vợ chồng, hồ sơ lý lịch cơ quan xác nhận tình trạng hôn thú đầy đủ.

Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh công cuộc cải cách hành chính. Tuy nhiên, căn bệnh giấy tờ xem ra vẫn là chứng nan y khó chữa. Rất nhiều thủ tục, giấy tờ dù không cần thiết, đã trở nên lạc hậu, không còn phù hợp, có thể thay thế hoặc bổ sung sau nhưng nhiều cán bộ, nhân viên thực thi công vụ nhất quyết không giải quyết công việc cho dân, khiến người dân rơi vào tình thế bế tắc hoặc phải chạy đôn chạy đáo để đáp ứng, gây tốn kém nhiều thời gian, tiền bạc, công sức.

Căn bệnh giấy tờ phản ánh lối làm việc máy móc, thiếu sáng tạo, sợ trách nhiệm, không dám nghĩ, dám làm của một bộ phận cán bộ nhân viên thực thi công vụ. Ở khía cạnh khác, căn bệnh này còn là biểu hiện của thói quan liêu, cửa quyền, thờ ơ, vô cảm, cố tình gây khó khăn cho người dân, dẫn tới nhiều hiện tượng tiêu cực như nạn làm giấy tờ giả, "cò" thủ tục hành chính, tham ô, hối lộ... trong lĩnh vực hành chính.

Trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, Chính phủ đề ra mục tiêu xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, là một trong những đột phá phát triển đất nước. Thiết nghĩ, bên cạnh thực hiện tốt các nội dung, giải pháp về cải cách thể chế, thủ tục hành chính, bộ máy hành chính nhà nước, chế độ công vụ, tài chính công, xây dựng và phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số... thì một trong những vấn đề quan trọng, cấp bách hiện nay đó là điều trị dứt điểm căn "bệnh" máy móc, thờ ơ, vô cảm... của một bộ phận không nhỏ cán bộ, nhân viên đang thực thi công vụ tại các tổ chức, cơ quan chính quyền nhà nước.

VŨ ĐÌNH ĐÔNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/tri-benh-may-moc-vo-cam-747117