Trị 'bệnh' vi phạm trật tự xây dựng

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản chỉ đạo thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND các địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng (TTXD) trên địa bàn.

Điểm nhấn trong văn bản là yêu cầu việc quản lý phải được thực hiện ngay từ lúc tiếp nhận thông báo khởi công cũng như trong suốt quá trình xây dựng cho đến khi công trình hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng; không để xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý dẫn đến trường hợp vi phạm không được kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời; kiên quyết xử lý nghiêm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý TTXD nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý, kiểm tra, giám sát hoặc có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm...

 Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Vi phạm TTXD đã và đang diễn ra rất phức tạp, là vấn đề nhức nhối ở nhiều địa phương trên cả nước, nhất là với các đô thị lớn. Nó như một căn bệnh mãn tính, nhờn thuốc, mặc dù nói nhiều, bàn nhiều nhưng không những không có sự chuyển biến mà thậm chí ngày càng nan giải hơn. Có tình trạng mỗi khi xảy ra những sự vụ vi phạm TTXD, báo chí phản ánh, dư luận ồn ào thì cơ quan chức năng mới “vào cuộc” kiểm tra, xử lý. Thế nhưng, dường như sau đó mọi việc lại “đâu vào đấy”, làm mất niềm tin của nhân dân.

Phải thẳng thắn thừa nhận tình trạng vi phạm TTXD diễn ra phức tạp như hiện nay chủ yếu có nguyên nhân từ những yếu kém trong công tác quản lý nhà nước; một bộ phận cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ đã thiếu trách nhiệm hoặc vì đồng tiền, vì lợi ích cá nhân mà bất chấp pháp luật, bao che, dung túng, tiếp tay cho vi phạm. Bởi vậy, nội dung văn bản của Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã “bắt trúng bệnh”, “kê đúng thuốc” khi yêu cầu tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước; phải quản lý từ sớm, từ xa và cho đến cùng công trình xây dựng, gắn với phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan; xử lý nghiêm mọi hành vi tiêu cực...

“Đơn thuốc” đã được đưa ra, song điều cần bàn ở đây là làm gì để biến chủ trương, giải pháp thành hiện thực. Một điều hiển nhiên là mặc dù giải pháp có đúng, có hay đến đâu nhưng nếu chỉ nằm trên giấy hoặc triển khai không đến nơi đến chốn thì kết quả thu được cũng chỉ là con số 0. Thực tế đã có nhiều bài học về chủ trương, giải pháp đúng, trúng nhưng hiệu lực, hiệu quả quản lý hạn chế, xảy ra hiện tượng “nhờn thuốc” vì thực thi không nghiêm, làm việc kiểu “đầu voi đuôi chuột”. Vấn đề khó khăn, phức tạp như quản lý TTXD càng dễ rơi vào tình trạng này nếu không có sự đột phá trong quá trình triển khai. Nhiều ý kiến cho rằng, để hiện thực hóa “đơn thuốc” trị “bệnh” vi phạm TTXD, mấu chốt là cần sự gương mẫu, quyết liệt và gắn trách nhiệm của người đứng đầu sở, ngành, chủ tịch UBND các địa phương trong quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện. Khi để xảy ra vi phạm, phải xử lý trách nhiệm nghiêm minh, kịp thời. Nếu người đứng đầu trong sạch, quyết liệt, tận tâm thì cả bộ máy sẽ chuyển động, vi phạm sẽ không có đất để tồn tại.

PHƯƠNG HIỀN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/tri-benh-vi-pham-trat-tu-xay-dung-752537