Trị 'căn bệnh gốc' để Đảng mạnh từ bên trong

Trong suốt tiến trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta đã có nhiều văn kiện, nghị quyết để cảnh báo, chấn chỉnh tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa' trong nội bộ.

Dòng sự kiện: Cuộc thi về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tỉnh Gia Lai năm 2024

16/07 Trị “căn bệnh gốc” để Đảng mạnh từ bên trong 16/07 Đập tan âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước - Kỳ 2: Những bản án đích đáng cho đối tượng phản động 14/07 Phạm Thị Thú: Cán bộ “nói được, làm được”

Xem thêm

Đảng ta xem đây là “căn bệnh gốc” làm cho Đảng suy yếu từ bên trong. Muốn Đảng mạnh từ bên trong thì phải trị được căn bệnh này. Vậy “căn bệnh gốc” là gì, nó đến từ đâu và biểu hiện như thế nào?

Khi căn bệnh bên trong trở thành mối nguy hại với Đảng

Khi nói đến căn bệnh, thường là nói đến sự tấn công của những yếu tố bất lợi làm cho các thực thể bị suy giảm sức đề kháng, nghiêm trọng hơn có thể ảnh hưởng đến sự tồn tại. Đối với Đảng ta, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên cũng được xem là căn bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vai trò cầm quyền, lãnh đạo của Đảng, là một trong những nguy cơ đối với Đảng và chế độ. Nếu không kịp thời nhận diện và có “thuốc đặc trị” căn bệnh này sẽ làm cho Đảng và cách mạng nước ta suy yếu.

Tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII), Đảng ta đã nhấn mạnh: “Bước vào giai đoạn phát triển mới, đất nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bốn nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra vẫn đang hiện hữu, có mặt còn gay gắt hơn; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” còn diễn biến phức tạp”.

Những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là rất đa dạng, muôn màu, muôn vẻ. Tuy nhiên, biểu hiện tập trung nhất, cao nhất và nguy hiểm nhất của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là tham nhũng, tiêu cực, lệch lạc tư tưởng, băng hoại đạo đức và hủ bại về lối sống, sự tiền phong gương mẫu giảm sút; có biểu hiện cửa quyền, xa dân, “nói một đằng, làm một nẻo” hay “tư duy nhiệm kỳ”, “cục bộ địa phương, kết bè kết cánh”, “lợi ích nhóm”, lợi dụng chức vụ quyền hạn để chuộc lợi cho bản thân và gia đình, người thân…

Thời gian qua, một bộ phận cán bộ, đảng viên đã bị kỷ luật do vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, các quy định của Đảng, Nhà nước, thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát; tham nhũng, lợi ích nhóm; vụ lợi, ưu ái, vun vén cho gia đình, không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực.

Quang cảnh Hội nghị lần thứ 16 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI (mở rộng). Ảnh: Đức Thụy

Quang cảnh Hội nghị lần thứ 16 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI (mở rộng). Ảnh: Đức Thụy

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng-chống tham nhũng, tiêu cực, trong 10 năm (2012-2021), qua phát hiện xử lý các vụ án về tham nhũng, tiêu cực, Đảng đã kỷ luật 2.740 tổ chức Đảng, hơn 167.700 đảng viên, trong đó có hơn 190 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý; đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ/33.868 bị can; truy tố 16.699 vụ/33.037 bị can; xét xử sơ thẩm 15.857 vụ/30.355 bị cáo; xử lý hình sự 37 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã có 105 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật, trong đó có 22 ủy viên, nguyên ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Qua các vụ trọng án lớn được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm cho thấy, không ít cán bộ, đảng viên vì thiếu tu dưỡng, rèn luyện đã tự buông mình, tha hóa về chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống một cách nghiêm trọng.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhận thức chưa đúng, chưa đủ, thậm chí lệch lạc, mơ hồ, hoài nghi về địa vị của mình; việc tự học, tự trau dồi, tích cực rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống chưa thực sự trở thành nhu cầu cấp thiết, thường xuyên, dẫn đến buông mình, dễ rơi vào cạm bẫy, cám dỗ, quên đi nghĩa vụ, bổn phận của mình trước Đảng, trước Nhân dân; công tác cán bộ còn bộc lộ nhiều hạn chế và bất cập, đặc biệt là cơ chế đánh giá, tuyển chọn, sắp xếp, trọng dụng cán bộ ở nhiều khâu có lúc còn chưa hoàn thiện. Việc thực hiện đúng các quy định trong Điều lệ Đảng của người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị chưa cao.

Cơ chế sàng lọc lấy đúng tiêu chuẩn cán bộ, đúng quy trình và đảm bảo các khâu, song thực tế có khi năng lực chuyên môn đáp ứng nhưng đạo đức, lối sống, sự mẫu mực, nêu gương lại chưa cao. Việc đưa ra các tiêu chí và phương pháp đánh giá để sàng lọc, định hướng phát triển cán bộ hiện nay chưa thật cụ thể, chưa rõ ở các vị trí nên còn chung chung, khó phát hiện và sử dụng người đủ tài, đủ đức. Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm nhiều lúc, nhiều nơi còn chưa mang tính răn đe, nghiêm minh.

Kiên quyết phòng và chống “căn bệnh gốc”

Để phòng-chống “căn bệnh gốc”, làm cho Đảng ta thực sự mạnh từ bên trong, đầu tiên phải đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy các cấp, nhất là người đứng đầu đơn vị, địa phương. Phải có kế hoạch, giải pháp nhằm xây dựng, rèn luyện đạo đức cách mạng, phát huy trách nhiệm của cấp ủy các cấp, người đứng đầu đơn vị, địa phương cần thực sự quan tâm, xem đây là giải pháp căn cơ để phòng-chống suy thoái về đạo đức, lối sống.

Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25-10-2021 về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9-5-2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Cùng với đó, cán bộ, đảng viên phải xác định đúng trách nhiệm, bổn phận; chủ động tự rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống; không ngừng nêu gương trước quần chúng nhân dân. Cán bộ, đảng viên cần phải đề cao ý thức trách nhiệm và bổn phận của mình, tự liên hệ, tự soi mình để rèn luyện, phấn đấu và khắc phục, sửa chữa các hạn chế, khuyết điểm, luôn đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, dân tộc lên trên hết, trước hết; không quan liêu, xa rời Nhân dân, phải biết lắng nghe những ý kiến góp ý, phê bình của Nhân dân.

Người đứng đầu các cơ quan, địa phương, đơn vị phải tự nêu gương về đạo đức, lối sống, phải để quần chúng nhân dân thấy được sự gương mẫu của mình trong việc thống nhất giữa lời nói và việc làm; việc làm phải thực chất, thiết thực, làm nhiều nói ít, tránh khoa trương, khoe mẽ, thành tích, chiếu lệ.

Thực tế công tác xây dựng Đảng ở nước ta trong những năm qua cho thấy, khi cán bộ lãnh đạo cấp trên, nhất là người đứng đầu ở các cấp thực sự gương mẫu, tự giác, dũng cảm nhận khuyết điểm của mình và quyết tâm sửa chữa, khắc phục thì sẽ là tấm gương để cán bộ cấp dưới và đảng viên học tập, noi theo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: Đối với các dân tộc phương Đông thì “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Do đó, khi địa vị càng cao, uy tín càng lớn thì càng phải ra sức tự hoàn thiện để trở thành gương cho tập thể.

Việc tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, lối sống cần được thể hiện bằng những hành động cụ thể, thiết thực, là việc làm thường xuyên, liên tục, suốt đời. Muốn nêu gương, mỗi cán bộ, đảng viên phải làm gương trong công việc từ nhỏ đến lớn. Việc rèn luyện đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên phải được tiến hành ở mọi lúc, mọi nơi đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đạo đức cách mạng không phải ở trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.

Mặt khác, để phòng ngừa sự suy thoái về đạo đức, lối sống, các cấp ủy cần thực hiện tốt các giải pháp về công tác cán bộ; đề cao nguyên tắc tự phê bình và phê bình; kiên quyết xử lý nghiêm minh những hành vi sai trái, vi phạm pháp luật, đạo đức công vụ của cán bộ, đảng viên.

Cần tổ chức triển khai thực hiện tốt cơ chế, chính sách nhằm thu hút, trọng dụng nhân tài, bắt đầu từ việc tuyển dụng, thi tuyển vào các chức danh lãnh đạo, quản lý đến việc sử dụng, đánh giá và đãi ngộ. Thiết lập kỷ luật công vụ, nâng cao trách nhiệm lời hứa và cam kết thực hiện các nhiệm vụ hành chính trở thành những ràng buộc về mặt đạo đức nghề nghiệp.

Chú trọng tới giá trị nghề nghiệp, khuyến khích mỗi cán bộ, đảng viên khi tham gia công vụ phải trở thành chuyên gia chứ không chạy theo chức tước; coi trọng thực tài; xóa bỏ tình trạng chạy theo bằng cấp một cách hình thức; không cứng nhắc về tuổi để tránh lãng phí nguồn nhân lực trong quản lý.

Đề cao nguyên tắc tự phê bình và phê bình, trách nhiệm nêu gương, cam kết rèn luyện, tu dưỡng đạo đức và lối sống, kết hợp với thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới “chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo phục vụ phát triển và có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”.

Bên cạnh đó, phát huy vai trò tham gia của quần chúng nhân dân trong giám sát cán bộ, đảng viên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống. Cần khuyến khích người dân thực hiện quyền giám sát cán bộ, đảng viên thực hiện tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống như: thùng thư góp ý đặt tại trụ sở; trang thông tin điện tử, Email, đường dây nóng hoặc phản ánh lên các cơ quan báo chí, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội…

Đây là những biện pháp bước đầu nhưng hết sức quan trọng, tạo sự phấn khởi, tin tưởng của đông đảo người dân về sự lãnh đạo của Đảng, về sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, của pháp luật; có tác dụng to lớn trong việc thúc đẩy hơn nữa sự tham gia có hiệu quả của Nhân dân vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị hiện nay.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/tri-can-benh-goc-de-dang-manh-tu-ben-trong-post285298.html