TRÌ HOÃN TĂNG LƯƠNG TỐI THIỂU VÙNG: Công nhân vất vả, thiệt thòi
Việc trì hoãn tăng lương tối thiểu vùng sẽ khiến cuộc sống của người lao động càng thêm chật vật bởi mức thu nhập hiện tại rất thấp, không bảo đảm các nhu cầu tối thiểu
Sau giờ tăng ca, chị Trần Thị Tuyết Nhung, công nhân (CN) Công ty TNHH N.C.L (quận 8, TP HCM), tranh thủ ghé chợ tạm trên đường An Dương Vương để đi chợ. Đắn đo mãi, chị quyết định mua mớ rau cải với ít thịt bằm và mấy bìa đậu hũ với giá khoảng 40.000 đồng. Đó là bữa tối của cả gia đình 4 người gồm vợ chồng chị và 2 con nhỏ.
Chi tiêu dè sẻn vẫn không có dư
Chị Nhung cho biết trước đây, với khoảng 40.000 - 50.000 đồng, chị có thể lo được một bữa cơm tươm tất cho cả nhà. Thế nhưng từ Tết nguyên đán đến nay, giá thực phẩm liên tục tăng khiến chị phải dè sẻn chi tiêu bởi ngoài ăn uống, vợ chồng chị còn phải lo tiền trọ và học phí cho con lớn và tiền gửi trẻ cho cô con gái út mới 3 tuổi.
Vợ chồng chị đều là CN, mỗi tháng tổng thu nhập khoảng 13-14 triệu đồng, đã bao gồm tiền tăng ca. Với số tiền ấy, để lo trang trải cuộc sống gia đình đã khó khăn, chị còn phải dành lại một khoản cố định (2 triệu đồng) để trả nợ bởi thời điểm dịch bùng phát vào giữa năm 2021, cả chị và chồng đều thất nghiệp gần nửa năm trời, phải vay mượn khắp nơi. Điều khiến chị Nhung áy náy nhất là cha mẹ hai bên đều đã già nhưng từ lúc dịch đến nay, vợ chồng chị không gửi được đồng nào cho cha mẹ, trong khi ông bà phải chắt chiu để dành tiền mua từng cái trứng gà, bó rau gửi lên cho con cháu. Điều chị mong mỏi nhất hiện nay là được tăng lương để các con được ăn uống đầy đủ và có điều kiện lo cho cha mẹ già.
Sau hôn nhân tan vỡ, chị Lê Thị Bích Đào (quê An Giang) rời quê lên TP HCM làm việc. Chị Đào hiện làm CN cho một doanh nghiệp (DN) trên địa bàn quận 12, TP HCM, với mức thu nhập chưa tới 5,5 triệu đồng/tháng. Với khoản thu nhập ít ỏi ấy, mỗi tháng chị phải chi 4 triệu đồng cho các khoản nhà trọ, xăng xe, ăn uống và gửi về quê phụ giúp mẹ già. Theo chị, với mức thu nhập như thế, những CN độc thân như chị còn chật vật, chứ những gia đình CN có con nhỏ thì chắc chắn không đủ.
Anh Nguyễn Công Danh, CN Công ty TNHH Đạt Việt (KCX Tân Thuận, quận 7) cũng cho biết giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống của người lao động (NLĐ). Anh Danh cho biết tổng thu nhập của vợ chồng khoảng hơn 14 triệu đồng/tháng. Vừa phải thuê nhà trọ vừa lo cho 2 con nhỏ đi học nên không tháng nào có dư, muốn tích lũy chỉ có cách tăng ca. Vì vậy, tuần trước, hay tin lương tối thiểu (LTT) vùng sẽ tăng 6% từ ngày 1-7, vợ chồng anh khấp khởi mừng. Nay lại nghe các hiệp hội nghề nghiệp đề xuất dời thời điểm tăng lương đến ngày 1-1-2023, anh và nhiều đồng nghiệp chỉ biết lắc đầu ngao ngán.
Hãy nghĩ đến người lao động
Một trong những nguyên do 8 hiệp hội đưa ra khi kiến nghị lùi thời hạn tăng LTT vùng đến ngày 1-1-2023, là việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2021 chỉ tăng 1,84% so với năm 2020 và không làm ảnh hưởng quá nhiều đến đời sống của NLĐ. Tuy nhiên, thực tế ngược lại, dịch bệnh khiến nhiều NLĐ đối mặt với tình trạng giảm việc làm, thậm chí ngừng việc thời gian dài trong khi giá cả thực phẩm leo thang đẩy nhiều gia đình CN vào cảnh thiếu thốn, nợ nần.
Cán bộ Công đoàn tại một DN tại KCX Tân Thuận (quận 7, TP HCM) cho biết 2 năm qua, do tác động của dịch bệnh, nhiều CN ở công ty lâm vào cảnh khó khăn phải vay nóng bên ngoài để trang trải cuộc sống. Điều đó cho thấy NLĐ đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, do vậy họ rất cần được sẻ chia và việc điều chỉnh LTT vùng là cần thiết.
Theo ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Công đoàn các KCN-KCX Hà Nội, 2 năm qua, NLĐ đã kề vai sát cánh, sẵn sàng ủng hộ chủ trương không tăng LTT vùng của Chính phủ để san sẻ với người sử dụng lao động. Hiện nay, khi sản xuất kinh doanh của DN đang phục hồi, nhiều DN có nhu cầu mở rộng sản xuất thu hút nguồn nhân lực lớn. Tuy nhiên, đời sống NLĐ vẫn còn nhiều khó khăn do giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng cao. "Từ những yếu tố đó, tôi cho rằng đây là thời điểm thích hợp nhất để tăng LTT vùng, không thể chậm trễ hơn. Việc các hiệp hội đề xuất lùi thời điểm tăng LTT vùng rất khó chấp nhận" - ông nhấn mạnh.
Tại TP HCM, qua khảo sát của chúng tôi, một số chủ DN không chỉ sẵn sàng ủng hộ phương án tăng LTT vùng do Hội đồng Tiền lương quốc gia (HĐTLQG) đề xuất mà còn chủ động sẻ chia bằng nhiều cách khác nhau. Theo ông Nguyễn Văn Thịnh, Trợ lý Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Xây dựng Công trình Hùng Vương (quận 10), DN đồng tình với phương án điều chỉnh LTT vùng từ ngày 1-7-2022 và đang chuẩn bị các phương án để thực hiện. Ông Thịnh nhìn nhận dịch bệnh khiến nhiều DN gặp khó khăn, trong đó, Công ty TNHH Xây dựng Công trình Hùng Vương cũng không ngoại lệ. Nhưng xét trên bình diện chung thì không chỉ DN mà NLĐ cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng giảm việc, giảm giờ làm, thậm chí không có việc làm. Kể cả các DN có tổ chức làm việc "3 tại chỗ" cũng không bảo đảm 100% NLĐ tham gia làm việc, vẫn có một lực lượng lao động phải nghỉ việc không lương hoặc chỉ được hỗ trợ một phần lương. Đó là chưa kể đến những gia đình NLĐ bị nhiễm bệnh cả nhà, tốn kém chi phí điều trị và bồi dưỡng sức khỏe... Vì vậy, tăng LTT vùng từ ngày 1-7 là cách sẻ chia với NLĐ. Đó cũng là cách DN thể hiện sự quý trọng đối với công sức của NLĐ, cũng là cách giữ NLĐ gắn bó với DN lâu dài.
Luật sư NGUYỄN VĂN PHÚC, Đoàn Luật sư TP HCM:
Người lao động thiệt hại kép
Theo quy định của pháp luật, HĐTLQG có 17 thành viên, bao gồm đại diện của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (5 thành viên), đại diện của Tổng LĐLĐ Việt Nam (5 thành viên), đại diện của một số tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương (5 thành viên) và 2 thành viên là chuyên gia độc lập. Như vậy, khi chốt phương án điều chỉnh LTT vùng, các thành viên HĐTLQG đã thực hiện đầy đủ các bước nghiên cứu, phân tích, đánh giá để từ đó có cơ sở đề xuất mức tăng, thời điểm tăng. Một khi đã thống nhất tăng thêm 6% vào ngày 1-7-2022 có nghĩa đây là mức hợp lý, hài hòa quyền lợi cho các bên và kết quả thương lượng cần được thực hiện đúng để bảo đảm sự tôn trọng với các thành viên khác. Do vậy, việc đề nghị dời thời điểm tăng LTT vùng của một số hiệp hội ngành nghề là chưa hợp tình, hợp lý. Tiền lương của NLĐ theo quy định hiện hành bao gồm lương và các khoản phụ cấp, song thực tế khoản đóng các loại bảo hiểm chỉ căn cứ trên lương cơ bản (thường bằng hoặc cao hơn so với LTT vùng) không bao gồm phụ cấp nên rất thấp, dẫn đến các quyền lợi hưởng liên quan cũng thấp, đặc biệt là lương hưu. Do vậy, gần 2 năm qua,việc không được tăng lương khiến NLĐ phải chịu thiệt hại kép, nên sớm điều chỉnh LTT để giảm bớt thiệt thòi cho họ.