Tri huyện Trần Kỳ Phong, tận tụy phục vụ Nhân dân
Trong số các quan lại người Phú Yên dưới triều Nguyễn, tri huyện Trần Kỳ Phong được đánh giá là người có phẩm chất trong sáng, có đức hạnh, tận tụy phục vụ Nhân dân. Ông được triều đình ngợi ca là tấm gương cho đội ngũ quan lại học tập, noi theo.
Trần Kỳ Phong sinh năm 1855 tại làng Cần Lương, xã An Dân, huyện Tuy An. Tổ tiên ông gốc làng Kỳ Sơn, phủ Tuy Phước, tỉnh Bình Định, đến đời thân phụ của ông là Trần Kỳ An, đưa gia quyến vào Phú Yên lập nghiệp. Ông là 1 trong 3 cử nhân đỗ đầu trường thi Bình Định năm 1876.
Tuổi thơ gian khó và tích cực tham gia chống Pháp
Theo gia phả họ Trần ghi chép, lúc đầu, khi mới chuyển vào Phú Yên, gia đình cụ Trần Kỳ An cư ngụ tại làng Hảo Danh (xã Xuân Thọ, TX Sông Cầu), sau đó chuyển đến làng Cần Lương. Cuộc sống gia đình rất khó khăn, phải làm nhiều nghề để mưu sinh như bán hàng đồng, hàng chảo.
Ngay từ nhỏ, Trần Kỳ Phong đã có chí lập thân. Ông đi chăn trâu cho một gia đình bá hộ để có cơm ăn. Trong lúc chăn trâu, ông thường lén nghe thầy đồ giảng bài cho con em nhà khá giả trong làng. Một hôm thầy đồ bắt gặp, cho gọi ông vào hỏi những gì đã nghe lỏm. Ông trả lời một cách trôi chảy những kiến thức mình đã tiếp thu. Thầy đồ thấy lạ liền nói lại với ông bá hộ. Ông bá hộ cho gọi Trần Kỳ Phong vào hỏi, thấy ông thông minh và hiếu học nên thương tình không cho chăn trâu nữa mà nhận làm con nuôi, cho ăn học tử tế.
Sau khi được nhà bá hộ nhận nuôi, Trần Kỳ Phong có điều kiện học tập và ông nổi tiếng học giỏi, khắp vùng Cần Lương, Long Uyên không ai sánh bằng. Năm Bính Tý (1876), nhân triều đình mở khoa thi hương tại Bình Định, ông tham gia ứng thí và đỗ cử nhân thứ 3 trên tổng số 12 người. Năm đó, không có thi hội nên sau khi đậu cử nhân ông được đưa rước về làng rất long trọng.
Lúc bấy giờ, thực dân Pháp đẩy mạnh việc xâm chiếm nước ta, triều đình nhà Nguyễn lúc đầu còn tổ chức chống giặc, nhưng về sau trượt dài trên con đường thỏa hiệp đầu hàng, lần lượt ký các hàng ước Nhâm Tuất 1862, Giáp Tuất 1874 cắt các tỉnh Nam Kỳ nhượng cho giặc. Nhiều sĩ phu bất mãn với chủ trương “chủ hòa” của triều đình, trong đó có Trần Kỳ Phong.
Ông nhận thấy con đường quan lộ phục vụ cho triều đình nhu nhược trở nên mờ mịt, không phải là mục đích cao cả của những sĩ phu chân chính lúc này. Vì vậy, ông ở nhà chăm lo gia đình và giao du với những người có chí hướng tiến bộ trong tỉnh Phú Yên và các tỉnh lân cận. Ông đến Tụ Hiền trang của Nguyễn Bá Sự ở huyện Đồng Xuân để gặp gỡ các nhân sĩ yêu nước trong tỉnh và khu vực Nam Trung Kỳ như Bùi Giảng, Lê Thành Phương, Trịnh Phong, Bùi Điền… bàn bạc việc chống giặc.
Năm 1885, khởi nghĩa Lê Thành Phương bùng nổ ở Phú Yên lật đổ chính quyền thân Pháp. Nghĩa quân làm chủ các phủ huyện trên địa bàn toàn tỉnh, phân chia các khu vực đóng quân đề phòng quân Pháp từ Nam Kỳ đánh ra. Lúc này Trần Kỳ Phong có mặt trong thứ quân phía bắc tỉnh do Bùi Giảng làm phó soái, đóng bản doanh tại đồn Định Trung (xã An Định, huyện Tuy An).
Tháng 2/1887, quân viễn chinh Pháp từ Nam Kỳ kéo ra đàn áp cuộc khởi nghĩa Lê Thành Phương ở Phú Yên. Mặc dù tổ chức chiến đấu dũng cảm, gây cho giặc nhiều thiệt hại nhưng cuối cùng cuộc khởi nghĩa bị dập tắt, Lê Thành Phương bị xử chém. Hơn 40 thủ lĩnh nghĩa quân phải ra đầu thú nhằm hạn chế sự khủng bố của giặc đối với Nhân dân. Trần Kỳ Phong được thực dân Pháp tạm tha, ông về nhà chăm sóc cha mẹ già và giúp đỡ vợ con trông coi vườn tược, đồng áng. Ông mở lớp dạy học cho con em trong vùng.
Năm 1899, thực dân Pháp lập huyện mới Sơn Hòa trên cơ sở tách các xã miền núi của phủ Tuy Hòa. Cũng trong năm này, Trần Kỳ Phong được Nam triều bổ nhiệm làm tri huyện Sơn Hòa. Ông nhận lời tham gia chính quyền thực dân nhằm lợi dụng chức vụ để hạn chế sự bóc lột của chế độ thuộc địa đối với Nhân dân, bênh vực quần chúng lao khổ, đặc biệt là đồng bào dân tộc ít người.
Trong thời gian này, vùng rừng núi huyện Sơn Hòa và Đồng Xuân trở thành địa bàn hoạt động của nghĩa quân chống Pháp do Võ Trứ lãnh đạo, chuẩn bị lực lượng để khởi nghĩa. Nhiều lần Trần Kỳ Phong và Võ Trứ gặp nhau luận bàn về tình hình đất nước và ông đã tạo điều kiện thuận lợi cho nghĩa quân Võ Trứ xây dựng nhiều mật khu ở Sơn Hòa như Di Lang Phá, Giếng Nghị, Cà Lúi… Bọn thực dân ở Phú Yên đánh hơi biết sự liên quan của Trần Kỳ Phong với Võ Trứ nhưng không đủ chứng cớ nên chỉ yêu cầu Nam triều giáng ông xuống 2 cấp và buộc rời khỏi Sơn Hòa đến huyện Đồng Xuân làm huấn đạo.
Một vị quan mẫn cán, quan tâm đến đời sống người dân
Ngày 14/5/1900, Võ Trứ tổ chức tấn công vào tỉnh lỵ Sông Cầu và thất bại, nghĩa quân bị địch khủng bố, tan rã. Trần Kỳ Phong lúc này đảm nhận trông coi việc học hành, thi cử trên địa bàn huyện Đồng Xuân nhưng ông luôn quan tâm đến cuộc khởi nghĩa, tìm mọi cách hạn chế sự đàn áp của thực dân Pháp đối với nghĩa quân. Trong những lần tuần thú về các địa phương trong huyện để tìm hiểu việc học hành trong Nhân dân, ông đã ngầm báo cho một số làng biết trước về những cuộc hành quân khủng bố của giặc để lẩn tránh hoặc có cách đối phó.
Cũng trong thời gian này, Trần Kỳ Phong đã có nhiều đóng góp vào sự ổn định đời sống Nhân dân trên địa hạt quản lý như khuyến khích các làng xã mở thêm nhiều điểm trường để dân chúng mở mang việc học, khuyên Nhân dân tại các làng vùng gần núi tích cực tham gia sản xuất, thực hiện ăn uống hợp vệ sinh để hạn chế bệnh tật. Ông còn phổ biến Nhân dân sử dụng những bài thuốc trong dân gian để trị bệnh trong điều kiện thuốc thang thiếu thốn lúc bấy giờ. Nhờ tinh thần mẫn cán, hết lòng vì công việc nên triều Nguyễn đánh giá ông là người “tài năng đáng trọng, biết dụng công sức, đảm đương nhiệm vụ, không ngừng bổ khuyết” nên đã ban sắc phong phục chức tri huyện cho ông.
Sau khi được phục chức, Trần Kỳ Phong làm tri huyện Sơn Hòa và vài năm sau ông được điều ra Bình Định làm tri huyện Bình Khê cho đến lúc nghỉ hưu năm 1914. Là người từng trải quan trường và các biến cố lớn của đất nước, lại có học vấn uyên thâm, có năng lực và phẩm chất thanh cao, nên trong thời gian phục vụ Nhân dân và triều đình, Trần Kỳ Phong không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn để lại tiếng thơm lưu danh với hậu thế. Tài năng và phẩm hạnh của Trần Kỳ Phong được duy trì và phát huy cho đến lúc rời khỏi quan trường, được vua Duy Tân ban sắc khen là “tấm gương cho các quan” noi theo.
Sau khi nghỉ hưu, Trần Kỳ Phong trở lại việc dạy học như trước khi tham gia vào chốn quan trường, ông được triều đình ban chức Triều liệt Đại phu Quang lộc Tự thiếu khanh, ghi nhận sự đóng góp của ông đối với đất nước. Năm 1916, cha mẹ ông cũng được vua Khải Định ban cấp sắc phong vì đã sinh ra một người con “thanh khiết, ôn thuận, đáng được nêu gương và ghi danh vào sách điển”. Trần Kỳ Phong mất năm 1927 tại Sông Cầu, thọ 72 tuổi, mộ táng tại núi Hòn Dù, TX Sông Cầu.
TS ĐÀO NHẬT KIM
Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/94/300571/tri-huyen-tran-ky-phong-tan-tuy-phuc-vu-nhan-dan.html