Trị tận gốc dạy thêm, học thêm tiêu cực: Thiếu hành lang pháp lý

Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm của Bộ GD&ĐT đã siết mạnh đối tượng được dạy thêm, tuy nhiên, hành lang pháp lí, sự quyết liệt xử lí vẫn chỉ dừng lại ở mức thông tư.

Chuyện con gà – quả trứng

Theo Thông tư 29, hiệu trưởng các nhà trường chịu trách nhiệm về việc dạy thêm của giáo viên trong trường. Sự ràng buộc mà cả phía giáo viên và lãnh đạo nhà trường đều cảm thấy khiên cưỡng. Một giáo viên chia sẻ, để không phải chịu trách nhiệm, cách tốt nhất của hiệu trưởng là không cho giáo viên dạy thêm ngoài trường. Điều này tạo rào cản cho giáo viên muốn dạy thêm chính đáng.

Cô N.T.T, giáo viên dạy Ngữ văn ở một trường THCS tại TP Nam Định chia sẻ, để được hiệu trưởng đồng ý cho dạy thêm tại trung tâm văn hóa ngoài trường, cô tốn không ít thời gian lên gặp hiệu trưởng.

Ban đầu, cô T.T phải trình được giấy phép đăng kí kinh doanh của trung tâm, sau đó, trình danh sách học sinh trong lớp dạy thêm. Điều vô lí ở chỗ, phải có hợp đồng thì trung tâm mới tuyển sinh, nhưng để làm được hợp đồng, phải được hiệu trưởng đồng ý. Muốn hiệu trưởng đồng ý, phải có danh sách học sinh. Câu chuyện con gà - quả trứng khiến cô T.T thấy mệt mỏi.

Đứng ở góc độ hiệu trưởng, ông Hồ Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương (Hoàng Mai, Nghệ An) cho hay, Điều 13 của Thông tư 29 có 2 nội dung nói về trách nhiệm của hiệu trưởng là quản lí và phối hợp theo dõi, kiểm tra khi giáo viên tham gia dạy thêm ngoài trường. Nhưng hiệu trưởng lại không được quyền cấp phép hay chủ động kiểm tra mà chỉ tham gia phối hợp.

Có vị hiệu trưởng cho hay, theo quy định tại Thông tư 29, hiệu trưởng như mất quyền kiểm soát. Bởi hiệu trưởng chỉ phổ biến, cập nhật thông tư và tổ chức giáo dục chính trị tư tưởng cho giáo viên.

Trước đây giáo viên muốn tham gia dạy thêm ngoài trường phải được sự cho phép của hiệu trưởng, nhưng giờ đây chỉ cần báo cáo. Việc này gây khó trong việc kiểm soát giáo viên hơn. Theo vị này, quy định hiện nay của Bộ GD&ĐT cho thấy, quyền lực kiểm soát giáo viên dạy thêm của hiệu trưởng giảm nhưng trách nhiệm lại cao.

Thiếu căn cứ pháp lí

Sau khi Thông tư 29 đi vào thực tế, những bất cập trong quá trình triển khai đã được phản ánh. Ông Phạm Quốc Hiệu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng cho biết, việc quản lí hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường gặp nhiều khó khăn, đặc biệt với các lớp học thêm tự phát, các cơ sở dạy thêm, học thêm chưa đúng quy định.

Những kì thi chuyển cấp cam go khiến phụ huynh, học sinh tìm đến học thêm, dạy thêm. Ảnh: NHƯ Ý

Những kì thi chuyển cấp cam go khiến phụ huynh, học sinh tìm đến học thêm, dạy thêm. Ảnh: NHƯ Ý

Số lượng cán bộ quản lí, chỉ đạo của sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT và nhân lực quản lí dạy thêm, học thêm tại các địa phương còn ít, kiêm nhiệm nhiều việc nên theo dõi, kiểm tra gặp không ít khó khăn.

Việc cấp phép cho các hộ kinh doanh cá thể mở cơ sở dạy thêm, học thêm tại phòng Kế hoạch tài chính các quận, huyện rất đơn giản và không có hành lang pháp lí cho các cơ sở này, nên quá trình quản lí của sở GD&ĐT gặp nhiều khó khăn. Sở GD&ĐT Hải Phòng đề nghị Bộ GD&ĐT sớm ban hành hướng dẫn cụ thể pháp lí cho các cơ sở dạy thêm, học thêm.

Theo lãnh đạo nhiều trường THCS, THPT, việc quy định hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm cao nhất về việc dạy thêm của giáo viên không khác gì chuyện thả gà ra đuổi. Vì họ không có trong tay quyền quyết định nhưng trách nhiệm lại rất nặng nề.

Những bất cập quản lí trung tâm đăng kí kinh doanh được địa phương nêu lên xuất phát từ chính quy định trong Thông tư 29. Đó là các trung tâm được đăng kí kinh doanh không điều kiện.

Vì vậy, gần như ngoài đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy, các trung tâm không cần phải chứng minh điều kiện đảm bảo cơ sở vật chất phòng học, ánh sáng, thiết bị giảng dạy. Điều này khiến phụ huynh bức xúc.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Quảng Ninh khẳng định, không thể đi theo để quản lí được tất cả việc liên quan đến dạy thêm của giáo viên và học thêm của học sinh ở ngoài nhà trường. Giáo viên được quyền đi dạy thêm, tuy nhiên, các giáo viên phải báo cáo chi tiết cho hiệu trưởng như lịch dạy ở đâu, chỗ nào, dạy môn gì.

Các cơ sở dạy thêm bên ngoài trường được thực hiện hoạt động theo tư cách đăng kí kinh doanh, giá cả theo thỏa thuận giữa phụ huynh và giáo viên hay cơ sở dạy thêm.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Quảng Ninh nhìn nhận, nếu nhận thức của phụ huynh thay đổi, học sinh coi việc học trong nhà trường là chính, học thêm là phụ vấn đề dạy thêm mới giảm.

Chừng nào nhà trường tạo được niềm tin cho phụ huynh về việc học trong trường đảm bảo được chất lượng cho ba đối tượng gồm học sinh chưa đạt, giỏi và cuối cấp, lúc đó chắc chắn việc học thêm, dạy thêm sẽ giảm.

Cần quy định trong luật

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, nếu chỉ quy định “cấm ép buộc” thì học thêm vẫn cứ xảy ra. Do vậy, đại biểu đề nghị dự thảo Luật Nhà giáo nên quy định “cấm dạy thêm có thu tiền đối với những học sinh đang được trực tiếp giảng dạy”. Đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đồng Nai) đề xuất Bộ GD&ĐT cần phối hợp với các cơ quan để đưa ra quy định cụ thể cũng như cơ chế quản lí đối với vấn đề này.

Tại phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tháng 2 vừa qua), Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải khi góp ý vào dự thảo luật, đã đề cập một nội dung rất thời sự và được xã hội quan tâm ở thời điểm hiện tại, đó là câu chuyện dạy thêm, học thêm.

Dự thảo Luật Nhà giáo quy định nhiều nội dung liên quan những việc nhà giáo không được làm, trong đó có việc “ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức”.

Theo bà, Bộ GD&ĐT đang có quy định dạy thêm, học thêm lấy gốc từ luật này. Cho rằng không được ép buộc học thêm nhưng nếu tự nguyện thì vẫn được, bà Hải đề nghị quy định rõ “tự nguyện nhưng cũng không được thu tiền”, sẽ giải quyết triệt để tình trạng dạy thêm trá hình. Vì theo bà Hải, ranh giới giữa ép buộc hay tự nguyện rất khó quản lí.

Việc làm rõ các khái niệm, quy định trong luật, theo các đại biểu Quốc hội, sẽ tạo hành lang pháp lí mạnh hơn thông tư. Từ luật sẽ có nghị định hướng dẫn, từ đó sẽ có cơ chế xử lí.

NGHIÊM HUÊ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tri-tan-goc-day-them-hoc-them-tieu-cuc-thieu-hanh-lang-phap-ly-post1739607.tpo