Luật Nhà giáo cần được làm rõ hơn theo hướng tôn vinh nhà giáo

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, ngày 6/5, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà giáo. Bên lề Quốc hội, một số đại biểu khẳng định, Luật Nhà giáo cho thấy mục tiêu của Đảng, Nhà nước ta là quan tâm đặc biệt đối với đội ngũ thầy cô giáo.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình. Ảnh: LV

Đại biểu Đặng Bích Ngọc, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình. Ảnh: LV

Đại biểu Đặng Bích Ngọc, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình:

Luật sẽ giải quyết được nhiều chế độ chính sách, đãi ngộ

Luật Nhà giáo được Quốc hội thảo luận tại hội trường đã tiếp thu được rất nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại những kỳ họp trước. Đặc biệt, khi dự thảo luật được lấy ý kiến rộng rãi đối với các tỉnh, thành phố, đoàn đại biểu các tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến và nhận được sự đồng thuận rất cao của đội ngũ thầy cô giáo - những người trực tiếp sẽ thực hiện luật này sau này.

Luật Nhà giáo lần này đã giải quyết được rất nhiều vấn đề liên quan từ chế độ chính sách, chế độ đãi ngộ, đặc biệt là cả những vấn đề mà từ trước đến nay vẫn còn tạo khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.

Ví dụ, về độ tuổi đối với cô giáo mầm non, dự án luật này cũng đã có những chế độ để giúp đội ngũ cô giáo mầm non có thể được về hưu sớm hơn. Những người có trình độ chuyên môn, những giáo sư có kinh nghiệm thì có thể sẽ được tăng tuổi để tiếp tục dạy học và truyền đạt kinh nghiệm giảng dạy. Đây là những điểm đã tạo được sự đồng thuận rất cao. Trong đó, chế độ chính sách liên quan đến giáo viên, kể cả giáo viên ở vùng sâu vùng xa, cũng đã có những hỗ trợ, tạo điều kiện.

Luật Nhà giáo lần này đã cho thấy mục tiêu của Đảng và Nhà nước ta là quan tâm đặc biệt đối với đội ngũ thầy, cô giáo. Trong điều kiện hiện nay, khi chúng ta thực hiện công nghệ 4.0 và tiếp tục nâng cao công tác dạy và học, làm sao để các thầy cô thực sự trở thành người hướng dẫn, tạo cảm hứng cho học sinh, thì tôi thấy dự án luật này đã có rất nhiều quy định liên quan từ cơ chế chính sách đến quyền và nghĩa vụ. Đồng hành với những chế độ chính sách ưu đãi như vậy, cũng đòi hỏi các thầy cô giáo cần tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn.

Như trong nội dung tôi đã phát biểu, liên quan đến việc đánh giá chất lượng đội ngũ giáo viên hằng năm, cũng cần có những quy định để các thầy, cô giáo phát huy được khả năng, luôn luôn đổi mới, sáng tạo và truyền cảm hứng cho học sinh. Điều đó nếu làm được sẽ tạo hiệu ứng rất tốt.

Bên cạnh đó là việc dạy thêm, học thêm. Trong thời gian qua, vấn đề này đã được rất nhiều cử tri và nhân dân quan tâm. Hiện nay cũng có rất nhiều luồng ý kiến. Tuy nhiên, dự án luật này không thể quy định đầy đủ về vấn đề dạy thêm, học thêm, mà Thông tư 29 đã quy định rất rõ. Thời gian qua, khi tổ chức triển khai thực hiện Thông tư 29, cũng đã có những luồng ý kiến.

Bên cạnh những vấn đề xã hội nêu ra, yêu cầu về dạy thêm, học thêm cũng là một nhu cầu thực tế của các bậc phụ huynh. Nhiều ý kiến cũng đã phát biểu, đó là cần có cơ chế để học sinh có thể tiếp cận được với những thầy cô giáo có trình độ, chuyên môn trong điều kiện giảng dạy tốt nhất, giúp học sinh có điều kiện tiếp thu kiến thức.

Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề mà xã hội cũng đang lên án về việc dạy thêm, học thêm. Nếu trong dự án luật này, các nội dung rõ hơn và đồng hành với đó là hướng dẫn của Thông tư 29, tôi nghĩ vấn đề dạy thêm, học thêm cũng sẽ được giải quyết. Những vấn đề thực tiễn, những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua có thể sẽ được giải quyết một cách thấu đáo.

Đại biểu Bế Trung Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh. Ảnh: LV

Đại biểu Bế Trung Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh. Ảnh: LV

Đại biểu Bế Trung Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh:

Luật Nhà giáo theo hướng tôn vinh nhà giáo

Tôi rất đồng tình với những định hướng của dự thảo Luật Nhà giáo là để tôn vinh nhà giáo, để họ xứng tầm với vị trí này.

Với vấn đề nên theo hướng tôn vinh nhà giáo, khi nhà làm luật hiểu rằng ngôi vị của nhà giáo cần được nhìn nhận đúng như vậy, sẽ không cần thiết phải dùng luật để ép buộc nhà giáo thực hiện công việc của mình. Bởi bản thân nhà giáo đã ý thức được trách nhiệm "dạy người" và sẽ biết cách làm cho đúng. Do đó, những quy định chi tiết về việc nhà giáo phải làm thế này hay thế kia nên thuộc về các văn bản pháp luật khác.

Luật Nhà giáo nên định hướng theo tinh thần tôn vinh nhà giáo, để họ thực sự xứng tầm với vị trí của mình. Tôi vẫn mong muốn thể hiện rõ triết lý giáo dục trong luật, điều mà Luật Giáo dục trước đây chưa làm được. Triết lý giáo dục chính là trụ cột, là xương sống để định hướng cho hành vi giáo dục được chuẩn mực. Cách đây 100 năm, cụ Phan Chu Trinh đã có triết lý giáo dục rất rõ ràng. Nếu chúng ta không có triết lý này làm nền tảng, mọi nỗ lực đổi mới, cải cách sẽ thiếu định hướng, không xoay quanh một trục nào và khó đạt được sự ổn định, bền vững. Giáo dục không phải chuyện ngày một ngày hai mà là cả một thế hệ dài. Thiếu một cái trụ chắc chắn, ổn định, chúng ta khó có thể đi đúng hướng và đến đích nhanh chóng.

Về vấn đề dạy thêm, học thêm được đề cập trong dự thảo luật, tôi cho rằng việc này xuất phát từ nhu cầu thực tiễn. Nếu nhà giáo có mức lương đủ sống, họ cũng không cần thiết phải đi dạy thêm. Hơn nữa, không phải ai cũng có thể hoặc cần dạy thêm; việc này không phổ biến ở tất cả các môn học như thể dục hay đạo đức, mà chỉ tập trung ở một nhóm nhỏ. Câu chuyện dạy thêm thực chất xuất phát từ truyền thống hiếu học của người Việt Nam. Nếu người học có nhu cầu học thật, việc giáo viên đáp ứng nhu cầu đó là chính đáng. Vấn đề là cần "nắn chỉnh" thế nào cho đúng, để việc dạy thêm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của việc "hiếu học", chứ không phải vì "hiếu dạy" (xuất phát từ áp lực cuộc sống của giáo viên).

Hiện nay, có một xu hướng chưa tích cực là một số nhà giáo dạy chưa đủ khối lượng trên lớp để dành cho việc dạy thêm bên ngoài. Tuy nhiên, tôi cho rằng đây chỉ là số ít, là trường hợp cá biệt. Ngành nào cũng có những trường hợp như vậy. Chúng ta không nên lấy những cá biệt đó để xây dựng một quy định áp dụng chung cho tất cả, bởi luật pháp cần mang tính phổ quát. Nếu xây dựng luật dựa trên nguyên tắc phổ quát, chúng ta không nhất thiết phải đi vào những quy định chi tiết cho các trường hợp cá biệt đó. Vấn đề là cần quản lý thế nào để những chuyện tiêu cực không còn xảy ra.

Trước đây, khi đời sống nhà giáo ổn định so với mặt bằng chung, những tiêu cực như vậy rất ít. Nhưng hiện nay, khi các ngành phát triển, đời sống vật chất tốt hơn, nhà giáo dường như bị bỏ lại phía sau, dù trên lý thuyết thang bậc lương có thể cao. Thực tế, trong xã hội, không nhiều người sống hoàn toàn bằng lương. Ai cũng phải làm thêm việc khác. Nhưng nhà giáo thì làm thêm gì ngoài công việc chuyên môn là dạy học? Vì vậy, tôi cho rằng các điều luật nên được xây dựng theo tính chất phổ quát, bao quát chung, hơn là tập trung vào những trường hợp cá biệt.

Đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn ĐBQH Thái Bình. Ảnh: LV

Đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn ĐBQH Thái Bình. Ảnh: LV

Đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn ĐBQH Thái Bình:

Cần làm rõ tầm vóc, vị thế, tầm quan trọng của nhà giáo

Dự thảo Luật Nhà giáo trình tại Kỳ họp thứ 9 về cơ bản, ban soạn thảo và các cơ quan liên quan đã tham gia, tiếp thu khá đầy đủ ý kiến các đại biểu Quốc hội phát biểu tại Kỳ họp thứ 8, tại hội nghị đại biểu chuyên trách và qua nhiều hội thảo lấy ý kiến chuyên gia để hoàn thiện.

Khi nghiên cứu dự thảo luật lần này cùng các nghị định, thông tư kèm theo hồ sơ, chúng tôi nhận thấy sự chuẩn bị khá đầy đủ và chu đáo. Tuy nhiên, còn một vấn đề cá nhân tôi nhận thấy: Xuất phát điểm khi xây dựng, sửa đổi Luật Nhà giáo là chúng ta muốn ghi nhận vị trí, vị thế của nhà giáo trong xã hội hiện nay rất quan trọng, ảnh hưởng đến quốc sách và an ninh xã hội sau này.

Tuy nhiên, trong các điều khoản của dự thảo luật cũng đã đề cập đến quyền, nghĩa vụ, tiêu chuẩn đánh giá và một số chính sách đặc thù. Tôi vẫn thấy còn thiếu điều gì đó, chưa làm rõ được tầm vóc, vị thế, tầm quan trọng của nhà giáo trong xã hội hiện nay. Tôi mong muốn trong thời gian tới, ban soạn thảo sẽ tiếp thu và có thể bổ sung quy định để khẳng định vị thế nhà giáo được thực sự ghi nhận.

Như tôi đã phát biểu, việc dạy thêm, học thêm cũng đã được nhiều đại biểu có ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 và vấn đề này cũng được nhân dân rất quan tâm. Tuy nhiên, dự thảo luật lần này chưa có điều khoản cụ thể quy định nội dung này ra sao. Khi Thông tư 29 ban hành thời gian qua cũng ít nhiều gây xáo trộn, hoang mang cho chính nhà giáo và nhân dân.

Luật Nhà giáo đã đề cập nhiều chính sách ưu việt, mong muốn mang lại lợi ích cho nhà giáo nói chung và cho nền giáo dục. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ, đặc biệt là tự chủ tài chính, dự thảo cũng chưa đề cập đến việc nguồn lực thực hiện các chính sách này lấy từ đâu để đảm bảo tính thiết thực và hiệu quả.

Lê Vân/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/luat-nha-giao-can-duoc-lam-ro-hon-theo-huong-ton-vinh-nha-giao-20250506124327157.htm