Tri thức hóa nông dân phát triển nông nghiệp, nông thôn - Bài 1: Nâng cao vai trò nông dân
Hơn mười năm trở lại đây, nông dân Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn trong việc phát triển nông nghiệp vững mạnh, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới trong nhiều ngành hàng như gạo, cà phê, cao su, hồ tiêu, hạt điều, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ chế biến…
Tuy nhiên, để sự phát triển này ổn định và bền vững hơn nữa, hướng đến một nông thôn hiện đại, Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ hướng đến trí thức hóa nông dân tạo tiền đề cho phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.
Bài 1: Nâng cao vai trò nông dân
Với một nền nông nghiệp đang đi lên, giữ thế mạnh xuất khẩu nhiều loại nông sản ra thị trường thế giới, nông dân Việt Nam có vai trò rất quan trọng để thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo nhu cầu thị trường. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nông dân Việt Nam chiếm 70% dân số, là lực lượng cung ứng 89% lương thực, thực phẩm tiêu dùng cho cả nước, chiếm hơn 40% nhân lực lao động toàn xã hội. Do đó, để có một nên nông nghiệp bền vững, nguồn thực phẩm an toàn, nông dân phải phát huy vai trò của mình trong xu thế hội nhập hiện nay.
Tri thức hóa nông dân
Mặc dù nền nông nghiệp nước ta đang trên đà phát triển và nâng cao dần chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, việc phát triển nông nghiệp bền vững lại đang đứng trước nhiều thách thức như sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có nhiều mô hình sản xuất và liên kết sản xuất lớn, nông dân đa phần chưa đầu tư kỹ thuật sản xuất bài bản, còn nhiều nông dân có thói quen sản xuất theo phương thức cũ, và đặc biệt chưa nắm được thông tin thị trường để hình thành tập quán quan sát thị trường, định hướng sản xuất.
Chính vì vậy, Nghị quyết 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đưa ra giải pháp trọng tâm là nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn. Theo đó, Nghị quyết đã đề ra các yêu cầu cao hơn trong việc nâng cao trình độ, nhận thức và bảo đảm quyền làm chủ của nông dân trong bối cảnh chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp 4.0.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, nền nông nghiệp đang đứng trước các nguy cơ như biến đổi khí hậu, biến động về thị trường, biến chuyển xu hướng tiêu dùng. Điều này đòi hỏi ngành nông nghiệp cần đổi mới tư duy, có những hành động cụ thể mới đáp ứng xu thế hội nhập quốc tế. Vì vậy, các cấp, ngành và toàn xã hội cần có chính sách, tạo cơ hội về giáo dục, hướng nghiệp, khởi nghiệp cùng ngành nông nghiệp, nâng cao vai trò, vị thế, năng lực của nông dân, tạo sự đột phá trong khoa học công nghệ, tận dụng cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đẩy mạnh phát triển ngành bền vững. Chủ thể quan trọng trong sự đổi mới và đột phá này chính là lực lượng nông dân, chủ thể chủ đạo quyết định một nền nông nghiệp Việt Nam có đổi mới hay không.
Để tạo nên một đội ngũ nông dân hiện đại, trang bị tri thức đầy đủ để đáp ứng yêu cầu một nền nông nghiệp hiện đại, các địa phương đã phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Trung ương Hội nông dân, Hội Nông dân các cấp thực hiện đào tạo, hướng dẫn nông dân ứng dụng công nghệ số, nâng cao tri thức sản xuất thời hiện đại.
Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có một đội ngũ nông dân mạnh mẽ, góp phần tạo nên sản phẩm, lương thực, thực phẩm, vừa cung ứng cho xuất khẩu, vừa cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng của cả nước. Do đó, các địa phương trong khu vực như An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên giang, Tiền Giang, Bến Tre,… cũng đã thúc đẩy tiến trình nâng cao tri thức và vai trò của nông dân khu vực này.
Theo ông Đoàn Ngọc Phả, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật An Giang, Nghị quyết 19/NQ-TW đã xác định nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới… Do đó, An Giang đã tập trung đào tạo, tập huấn cho người nông dân một cách toàn diện về trình độ, học vấn và năng lực tổ chức sản xuất tiên tiến, nếp sống văn minh, trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường…., giúp người nông dân chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát triển một nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ...
Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Lê Hùng Cường cũng nhấn mạnh vai trò chủ chốt của nông dân trong xây dựng nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh. Hội cũng tổ chức nhiều buổi tập huấn, tuyền truyền với nông dân, là nông dân phải nhận thức được vai trò chủ thể của mình sự nghiệp xây dựng, phát triển nông thôn. Hơn ai hết, mỗi người nông dân, các hợp tác xã phải xem việc nâng cao năng lực sản xuất, tiêu thụ, xây dựng nông thôn mới vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là chiến lược đặc biệt quan trọng của quốc gia.
Do vậy, nông dân, các hợp tác xã cần đổi mới tư duy canh tác nông nghiệp, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp chính xác, nông nghiệp thông minh và chuyển đổi số trong nông nghiệp; qua đó, góp phần thúc đẩy Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới sang giai đoạn nâng chất, nâng cao trình độ, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân tiến đến làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp và nông thôn.
Thay đổi tư duy kinh tế
Thay đổi tư duy sản xuất và phát triển kinh tế không chỉ đơn thuần ở nông dân tự tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm sản xuất, mà còn thể hiện đầy đủ ở chỗ, chính nông dân phải tạo sự gắn kết trong cùng ngành sản xuất, chịu khó gắn kết với nông dân ngoài khu vực, thậm chí là nông dân quốc tế, để có thể hiểu được quy mô sản xuất sản phẩm mình đang làm ở tầm quốc tế lớn thế nào, diện tích, sản lượng, chất lượng bao nhiêu để điều chỉnh cho hợp lý.
Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu cả nước về công nghiệp hóa, thương mại, du lịch, tỷ trọng ngành nông nghiệp trong bối cảnh chung của thành phố không lớn, chủ yếu tập trung vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp gắn kết du lịch sinh thái, mang lại hơi thở thiên nhiên cho người dân cũng như du khách đến nơi đây. Thế nhưng, thay đổi ý thức sản xuất cũng như đào tạo lực lượng nông dân hiện đại, văn minh, khoa học luôn được thành phố Hồ Chí Minh chú trọng.
Gần đây nhất, để tạo thêm trợ lực cho đội ngũ nông dân thành phố, UBND thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành quyết định phê duyệt Đề án “Nâng cao đời sống kinh tế của nông dân gắn với hoạt động du lịch nông nghiệp, phát triển nông thôn mới giai đoạn 2023 - 2025”. Đây là một trong những hành động thực hiện Nghị quyết 26/NQ-CP của Chính phủ ban hành chương trình hành động cho Nghị quyết 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, Hội Nông dân thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh thực hiện phổ cập kiến thức cơ bản về sản xuất nông nghiệp, giúp cho người nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp có phương pháp, kỹ năng xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất, chuỗi giá trị sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn chất lượng cao, thân thiện với môi trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của thành phố Hồ Chí Minh.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, UBND thành phố Hồ Chí Minh xác định rõ mục tiêu của đề án là nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về vị trí, ý nghĩa và vai trò của du lịch nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Đồng thời, Sở Nông nghiệp cũng phối hợp với Hội nông dân các cấp huấn luyện, đào tạo nông dân phát triển du lịch nông nghiệp, làng nghề nông thôn, sản phẩm đặc trưng khu vực (sản phẩm OCOP), góp phần nâng cao đời sống và tăng thu nhập cho người dân. Sở Nông nghiệp cũng đề xuất xây dựng các mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp nhằm khuyến khích, hỗ trợ người nông dân tham gia làm du lịch nông nghiệp phù hợp với định hướng phát triển du lịch trên địa bàn thành phố, góp phần nâng cao đời sống kinh tế của nông dân và xây dựng nông thôn mới.