Lan tỏa tình yêu quê hương qua tranh vẽ
Những ngày cuối tuần lao xao mưa nắng, nơi phòng tranh cũng là nhà riêng của họa sĩ Đặng Thị Thọ ở 251 Nguyễn Công Trứ (phường 4, TP Tuy Hòa) luôn rộn bước chân các cô cậu học trò nhỏ. Trong thế giới của sắc màu rực rỡ, lặng nhìn những ngón tay nhỏ cầm cọ nhẹ nhàng lướt trên tranh vẽ, nữ họa sĩ nở nụ cười hạnh phúc…
Những chiều cuối đông, mưa gió ràn rạt kéo qua thành phố nhưng các cô cậu trò nhỏ vẫn đến lớp học vẽ. Trong gian phòng bừng lên sắc màu ấm áp từ các bức tranh bài trí trên tường, những chiếc bàn, giá vẽ được sắp xếp khéo léo dành chỗ cho không gian lớp học.
TRUYỀN LỬA ĐAM MÊ
Không ồn ào như các lớp học thường thấy, lớp học vẽ của họa sĩ Đặng Thị Thọ gồm các học trò từ 6-17 tuổi ngồi yên lặng tập trung vẽ tranh theo từng nhóm tuổi. Nhóm vẽ tĩnh vật, phong cảnh; nhóm vẽ người, vẽ đầu tượng thạch cao... Vẻ hào hứng hiện rõ trên gương mặt các “họa sĩ nhí” khi được họa sĩ Đặng Thị Thọ hướng dẫn cách phác thảo bố cục, thể hiện ý tưởng tác phẩm qua đường nét, hình khối, màu sắc...
Ngồi lẫn trong nhóm trẻ tỉ mẩn tô màu, có một cô bé tầm tuổi lên 8 trong bộ quần áo giản dị, đôi mắt ánh lên vẻ thông minh, lanh lợi. Cô bé tên là Nguyễn Phạm Cát Tường. Nhà Cát Tường nghèo, mẹ ở nhà nội trợ, ba làm thợ cắt sắt thuê. Cô bé thích học vẽ nhưng gia đình không có điều kiện. Hằng ngày, Cát Tường đứng lấp ló ngoài cửa phòng tranh nhìn lén các bạn học vẽ. Sau này biết chuyện về cô bé, họa sĩ Đặng Thị Thọ rất xúc động. Hơn 2 năm nay, nữ họa sĩ không chỉ dạy miễn phí, mà còn hỗ trợ cả giấy, màu vẽ cho Cát Tường. Từ những nét vẽ hồn nhiên ban đầu, bà vui mừng khi thấy cô bé ngày càng bộc lộ năng khiếu mỹ thuật. Mỗi lần cầm cọ vẽ, em có cảm giác như mình đang dạo chơi trong một khu vườn cỏ cây, hoa lá đầy màu sắc. Cát Tường bộc bạch: “Con thích học vẽ lắm! Mỗi khi vẽ tranh trong lòng con rất vui. Con luôn mong đến ngày cuối tuần để được bà Thọ dạy vẽ”.
Ngoài dạy vẽ tại phòng tranh, họa sĩ Đặng Thị Thọ còn tổ chức các chuyến dã ngoại để học trò trải nghiệm, sáng tác. Bà vui mừng phát hiện ngoài Cát Tường, một số cây cọ nhí ở nhóm tuổi 13 như Nguyễn Hà Thanh, Ngô Phương Minh Tú, Trương Hoàng Hải Đăng… bộc lộ tiềm năng hội họa đáng chú ý.
Chị Phạm Hoài Sang - mẹ của Hải Đăng thổ lộ: “Cô Thọ gần gũi, ân cần, quan tâm tụi nhỏ như người bà trong nhà. Tụi nhỏ quý bà lắm!”.
ĐƯỢC VẼ TRANH LÀ HẠNH PHÚC
Họa sĩ Đặng Thị Thọ là con của cố họa sĩ Lê Sanh. Hình ảnh người cha tài hoa luôn in đậm trong tâm trí, nuôi dưỡng tình yêu, niềm đam mê hội họa trong bà từ những ngày thơ bé. Sau này, bà được đào tạo tại Trường đại học Mỹ thuật Huế. Tranh thủ sáng tác giữa công việc và bộn bề mưu sinh, các tác phẩm của họa sĩ Đặng Thị Thọ đã đến với công chúng trong và ngoài tỉnh qua các triển lãm mỹ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên.
Hơn 15 năm về hưu, ngoài dạy vẽ cho học trò, ở tuổi U80, họa sĩ Đặng Thị Thọ vẫn say mê sáng tác. Với bà, được vẽ tranh là hạnh phúc. Bà tìm thấy sự an nhiên, hạnh phúc trong thế giới sắc màu. Tranh của bà thường gợi lên cảm giác thư thái, bình an, nhẹ nhõm của những ngày chớm thu cây lá xôn xao chuyển màu, của những đóa hồng khoe sắc trong nắng ban mai, của hoa cỏ mùa xuân rực rỡ… Bà sáng tác nhiều đề tài, trong đó đa phần là vẽ hoa, tĩnh vật, nhất là tranh hoa. Bà vẽ bất cứ loài hoa nào mình thích, từ những loài hoa thanh tao, kiêu sa, hoa dại ven đường hay đóa hoa bé nhỏ khoe sắc trong nắng sớm vườn nhà. “Mỗi ngày đi qua, mỗi mùa đi qua, thời gian không trở lại. Vì vậy, tôi muốn lưu giữ vẻ đẹp của thiên nhiên và cuộc sống quanh mình bằng hội họa chừng nào còn có thể…”, họa sĩ Đặng Thị Thọ trải lòng.
Triển lãm mỹ thuật “Quê hương - Tình yêu và nỗi nhớ” gần đây là sự kiện đánh dấu chặng đường hơn 60 năm theo đuổi niềm đam mê mỹ thuật của họa sĩ Đặng Thị Thọ cùng con gái bà - họa sĩ Nguyễn Lê Tường Thi, đặc biệt là cuộc ra mắt các tác phẩm của 27 học trò nhỏ. Trong 110 tác phẩm hội họa giới thiệu với công chúng, có 62 tác phẩm của họa sĩ Đặng Thị Thọ và con gái được sáng tác bằng chất liệu sơn mài, lụa, sơn dầu, khắc gỗ, màu nước và acrylic; còn lại là của 27 họa sĩ nhí với đề tài về con người, di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh Phú Yên. Vẻ đẹp của các thắng cảnh tháp Nhạn, núi Đá Bia, tháp Nghinh Phong, Mũi Điện, gành Đá Đĩa… được các cây cọ nhí đưa vào tranh với nhiều cảm xúc, tư duy sáng tạo phong phú.
Họa sĩ Võ Tĩnh, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh bày tỏ niềm vui khi có một hội viên lớn tuổi vẫn miệt mài sáng tác, truyền lửa đam mê mỹ thuật cho lớp trẻ. “Nếu không có tình yêu thương trẻ và đam mê nghệ thuật thì rất khó dẫn dắt các em, nhất là các em nhỏ tuổi. Cuộc triển lãm này đã truyền lửa cho học trò rất nhiều”, họa sĩ Võ Tĩnh nói.
Mỗi ngày đi qua, mỗi mùa đi qua, thời gian không trở lại. Vì vậy, tôi muốn lưu giữ vẻ đẹp của thiên nhiên và cuộc sống quanh mình bằng hội họa chừng nào còn có thể…
Họa sĩ Đặng Thị Thọ
Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/325347/lan-toa-tinh-yeu-que-huong-qua-tranh-ve.html