Trí tuệ nhân tạo có thay đổi ngành Giáo dục?

Sự phát triển của ChatGPT khiến nhiều người lo lắng, nhất là đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo trong việc nghiên cứu, học tập và đánh giá năng lực của học sinh, sinh viên.

Hiện nay, hầu hết sinh viên đều có máy tính và các thiết bị điện tử thông minh phục vụ học tập, nghiên cứu.

Hiện nay, hầu hết sinh viên đều có máy tính và các thiết bị điện tử thông minh phục vụ học tập, nghiên cứu.

ChatGPT có tên đầy đủ là Chat Generative Pre-training Transformer (còn gọi tắt là chatbot), là công cụ hỏi đáp tự động được tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI). Chỉ sau một thời gian ngắn kể từ khi ra mắt, ChatGPT nhanh chóng “gây sốt” trên toàn cầu.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin, ChatGPT là được coi như một mô hình ngôn ngữ lớn, có thể được sử dụng để tạo gợi ý cho các bài viết mang tính sáng tạo, những cuộc trò chuyện thú vị hoặc giải một bài toán đơn giản gần như hoàn chỉnh chỉ trong vài phút. Trên thực tế, tại các cơ sở đào tạo của Đại học Thái Nguyên, ChatGPT đang được một số giảng viên, sinh viên dùng thử nghiệm, với nhiều ý kiến khác nhau.

Là giảng viên có kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu nhiều năm về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, đối với sự ra đời của ChatGPT, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Linh, Phó trưởng khoa Điện tử, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp cho rằng: Đây là một ứng dụng tốt phục vụ công tác nghiên cứu, học tập của học sinh, sinh viên và giáo viên, trong đó có khả năng xử lý và lọc thông tin.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Linh: Chatbot giải đáp câu hỏi, hỗ trợ người dùng tìm hiểu thông tin và có thể sinh ra văn bản. Đồng nghĩa với đó, người dùng sẽ hơi thụ động. Nhưng để học, để tìm hiểu thì đây là công cụ rất tốt, hỗ trợ cho mọi người rất nhiều trong công việc, học tập và đời sống.

Trí tuệ nhân tạo có vai trò quan trọng trong nền giáo dục thời đại 4.0. (Ảnh chụp màn hình)

Trí tuệ nhân tạo có vai trò quan trọng trong nền giáo dục thời đại 4.0. (Ảnh chụp màn hình)

Còn theo Tiến sĩ Đàm Thanh Phương, Phó trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông: Mô hình đưa ra có thể chính xác hoặc không. Không bao giờ mô hình đưa ra các trích dẫn lấy ở đâu, dựa vào văn bản nào, vì thế người dùng cũng phải hết sức cân nhắc trong việc áp dụng nó.

Thực tế hiện nay, ở chương trình giáo dục đại học, sinh viên đều phải trang bị kỹ năng và thói quen tự học để theo kịp nhịp độ giảng dạy của giảng viên với lượng kiến thức “khổng lồ”. Nhiều sinh viên cho rằng khi được tiếp cận với các công cụ công nghệ mới, điển hình như ChatGPT, có thể rút ngắn thời gian trong quá trình tự học và hạn chế những câu hỏi "ngô nghê" dành cho giảng viên.

Trao đổi cùng chúng tôi về tác động của công nghệ trí tuệ nhân tạo đối với việc học tập, Hoàng Thanh Tùng, sinh viên K55 Khoa Điện tử, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, nêu quan điểm: Qua tìm hiểu em thấy ChatGPT đưa ra một số kiến thức gợi ý trong quá trình học tập. Hiện tại nó ở mức phổ thông và khá cơ bản, chủ yếu là kiến thức về lý thuyết nhiều. Nếu muốn tìm hiểu chuyên môn chuyên sâu, công nghệ của ChatGPT hiện tại chưa đáp ứng được.

Với cơn sốt ChatGPT trên toàn cầu, cũng có nhiều ý kiến lo ngại, việc lạm dụng phần mềm này sẽ dễ làm cho học sinh, sinh viên bị phụ thuộc, dẫn đến thụ động trong học tập. Theo đó, việc đánh giá năng lực của người học sẽ gặp khó khăn, cũng như mang đến những tác động tiêu cực từ ChatGPT.

Về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Linh chia sẻ: Nhìn sơ qua các câu trả lời của ChatGPT có vẻ hợp lý, có thể đúng nhưng thực tế vẫn còn sai sót. Vì thế, người dùng không nên phụ thuộc tuyệt đối vào nó, đặc biệt là những thông tin mang tính chất nhạy cảm, phải có nguồn tham chiếu, tìm kiếm thông tin chính thống để xác minh.

Về phía bản thân, Tiến sĩ Đàm Thanh Phương nhấn mạnh: Dữ liệu ChatGPT có thể thiên lệch, nên cũng có trong đó vấn đề đạo văn, các vấn đề về pháp luật, rất có thể câu trả lời mà bạn hoàn toàn tin tưởng sẽ mắc nhiều lỗi nghiêm trọng.

Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, việc cấm sinh viên sử dụng ChatGPT là một quan điểm bảo thủ. Công nghệ giúp việc giảng dạy tốt hơn, hiểu sinh viên hơn, thầy cô sẽ cùng trao đổi, thảo luận để nâng cao chất lượng đào tạo. Khi có những công cụ giúp thực hiện những nhiệm vụ bình thường mất nhiều thời gian, người thầy có thể tập trung hơn để làm sao nâng cao chất lượng dạy và học.

Trên thực tế, không thể phủ nhận những lợi ích mà ChatGPT mang lại hay tương lai phát triển của ChatGPT và những công nghệ khác. Do vậy, để phát huy hiệu quả tích cực và hạn chế những tác động tiêu cực từ ChatGPT, các chuyên gia khuyến cáo đội ngũ giáo viên, giảng viên thay vì kiểm tra theo từng thời điểm như trước đây thì nên đánh giá người học theo từng quá trình, thông qua việc làm việc nhóm, làm bài tập ở lớp, thi giữa kỳ, thi cuối kỳ, hay làm đồ án môn học.

Việc đánh giá theo từng giai đoạn sẽ giúp người học không còn quá áp lực về điểm thi giữa kỳ hay cuối kỳ, từ đó cũng giảm thiểu được những gian lận trong thi cử. Cùng với đó,việc giáo dục và hướng dẫn người học sử dụng công cụ công nghệ nói chung và ChatGPT nói riêng sao cho hiệu quả, đúng cách, bổ trợ cho quá trình học tập là rất cần thiết.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/giao-duc/202302/tri-tue-nhan-tao-co-thay-doi-nganh-giao-duc-a9f08c2/