Trí tuệ nhân tạo - Đòn bẩy chuyển đổi số ngành dầu khí Việt Nam

Trong kỷ nguyên công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI) đang mở ra một chương mới cho ngành dầu khí và năng lượng - lĩnh vực vốn được xem là 'xương sống' trong phát triển kinh tế. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), với vai trò là doanh nghiệp nhà nước chủ lực, đang tích cực ứng dụng AI vào hoạt động sản xuất, khai thác và quản trị nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới.

Bước tiến trong hiện đại hóa điều hành bằng AI

Theo Báo cáo của Petrovietnam, năm 2023, tập đoàn đã triển khai hàng loạt ứng dụng công nghệ mới như học máy (machine learning), RPA (tự động hóa quy trình bằng robot) và chatbot nội bộ tại các đơn vị thành viên. Đặc biệt, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) đã phát triển hệ sinh thái Oilgas AI - một nền tảng số có khả năng khai thác và xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ từ quá trình thăm dò, khoan, khai thác và vận hành mỏ.

Một trong những thành tựu nổi bật là mô hình AI phát hiện đứt gãy trong đá móng do VPI phát triển với độ chính xác lên tới 80%. Công nghệ này giúp tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí trong giai đoạn thăm dò địa chấn - vốn là khâu tốn kém và nhiều rủi ro. AI cũng đã được ứng dụng vào các nghiệp vụ chuyên sâu như dự báo chế độ làm việc của giếng, quản trị sản lượng, tối ưu hóa gaslift và phát hiện bất thường theo thời gian thực, góp phần nâng cao độ an toàn và hiệu quả vận hành.

 Ứng dụng của AI trong lĩnh vực dầu khí. Nguồn: Petrovietnam

Ứng dụng của AI trong lĩnh vực dầu khí. Nguồn: Petrovietnam

Không dừng lại ở đó, Petrovietnam đang nghiên cứu phát triển các bản sao số (digital twin) cho các mỏ dầu khí trong nước - một bước đi mang tính chiến lược để tiến tới mô hình vận hành thông minh toàn diện trong tương lai.

Tuy mở ra nhiều tiềm năng, AI cũng đặt ra không ít thách thức. Trong lĩnh vực công nghiệp nặng, có đến 45% hệ thống AI từng gặp sự cố do lỗi mô hình hoặc dữ liệu sai lệch. Ngoài ra, rủi ro về bảo mật cũng rất đáng lưu tâm khi AI cần truy cập vào hệ thống điều khiển trọng yếu, dễ trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công mạng.

Một rào cản không kém phần quan trọng là tâm lý e ngại thay đổi từ phía nhân sự. Sự phát triển của AI khiến nỗi lo bị thay thế ngày càng lớn, đòi hỏi các doanh nghiệp như Petrovietnam phải chủ động quản trị thay đổi. Giải pháp đề ra là đẩy mạnh truyền thông nội bộ, triển khai đào tạo lại (reskilling), nâng cao kỹ năng số (upskilling) và thiết lập môi trường làm việc linh hoạt, trong đó con người phối hợp hiệu quả với công nghệ.

Đồng hành giữa doanh nghiệp và nhà trường

Từ góc độ chính sách, theo lãnh đạo Petrovietnam, để thúc đẩy ứng dụng AI, cần một hệ sinh thái hỗ trợ đồng bộ: Đầu tư vào hạ tầng số; ban hành khung pháp lý minh bạch về dữ liệu, bảo mật và đạo đức AI; khuyến khích hợp tác công - tư trong thử nghiệm công nghệ mới; đồng thời xây dựng lực lượng lao động AI liên ngành từ kỹ sư khai thác, công nghệ thông tin đến nhà phân tích dữ liệu.

Mặt khác, theo các chuyên gia, AI đang định hình lại phương thức làm việc và sản xuất trong ngành dầu khí và năng lượng, giúp tăng năng suất, tối ưu chi phí và mở ra cơ hội đổi mới toàn diện. Tuy nhiên, để AI phát huy hết tiềm năng, ngành dầu khí cần một chiến lược tổng thể, từ chính sách đến hạ tầng và đào tạo nhân lực bài bản.

Trong hành trình đó, sự đồng hành giữa doanh nghiệp - nhà trường - Nhà nước chính là chìa khóa giúp Petrovietnam và ngành dầu khí Việt Nam vững vàng bước vào kỷ nguyên mới: xanh hơn, thông minh hơn và bền vững hơn. Thời gian qua, nhận thức rõ vai trò của nguồn nhân lực, Trường Đại học Dầu khí Việt Nam (PVU) phối hợp chặt chẽ với VPI để chuẩn bị thế hệ kỹ sư, chuyên gia phù hợp với kỷ nguyên AI. Thông qua Trung tâm Bồi dưỡng nâng cao (ATC), PVU đã triển khai nhiều chương trình đào tạo chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo cho các doanh nghiệp trong ngành.

Trong đó, điểm nhấn là hội thảo trực tuyến “Xu hướng trí tuệ nhân tạo và ứng dụng trong doanh nghiệp lĩnh vực dầu khí” được tổ chức năm 2024, do ATC - PVU phối hợp cùng AI Works - VPI và Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) thực hiện. Sự kiện đã thu hút đông đảo chuyên gia, cán bộ kỹ thuật tham gia trao đổi sôi nổi, thể hiện tinh thần chủ động tiếp cận cái mới và cùng nhau xây dựng tầm nhìn chung về chuyển đổi số.

Khiếu Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tri-tue-nhan-tao-don-bay-chuyen-doi-so-nganh-dau-khi-viet-nam-post408828.html