PGS, TS, Thầy thuốc Nhân dân Dương Xuân Đạm: Người thầy thuốc đi qua chiến tranh

Phó giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân (PGS, TS, TTND) Dương Xuân Đạm sinh năm 1932 tại phường Hưng Lộc (nay là phường Vinh Lộc), TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Từ một người lính trẻ ban đầu 'không thích, thậm chí sợ' ngành y, ông đã được tôi luyện qua những năm tháng khốc liệt nhất của chiến tranh, đối mặt với lằn ranh sinh tử, để rồi trở thành một PGS, TS, một Thầy thuốc Nhân dân với những cống hiến để đời.

Ở tuổi 94, thời gian dường như chỉ có thể nhuốm bạc mái tóc của PGS, TS, TTND Dương Xuân Đạm, chứ không thể chạm vào sự minh mẫn lạ kỳ của ông. Khi chúng tôi vừa đến đầu sân khu tập thể C3 cũ kỹ (Tập thể 34A phố Trần Phú, phường Ba Đình, TP Hà Nội), ông đã đứng đó chờ sẵn, dáng người vẫn nhanh nhẹn, nụ cười hiền hậu. Theo chân ông lên căn hộ giản dị mà ngăn nắp, nơi ông đã gắn bó suốt 50 năm, tôi được đón chào bởi một chú mèo con hiếu khách quấn quýt. Và rồi, trong không gian ấm cúng ấy, ông ngồi trò chuyện với chúng tôi, nhìn lại cả một quãng đời y nghiệp mình gắn bó.

Những năm tháng đầu tiên khởi sinh một khí phách quân y

Giữa không khí cách mạng sục sôi của những năm đầu kháng chiến chống Pháp, chàng thanh niên Dương Xuân Đạm, khi ấy vừa xong chương trình học tương đương lớp 9 hệ Pháp, đã quyết định đi theo tiếng gọi thiêng liêng của non sông. Ước mơ của ông, cũng như bao chàng trai thời ấy, là được trực tiếp cầm súng nơi trận mạc, là được hiến mình cho cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Năm 1950, ông đã tình nguyện viết đơn xin gia nhập quân ngũ, thi và đỗ vào Trường Lục quân Việt Nam (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1). Tưởng chừng như con đường binh nghiệp đã rộng mở, nhưng định mệnh lại có một ngã rẽ bất ngờ.

PGS, TS, TTND Dương Xuân Đạm, người thầy thuốc quân y đi qua hai cuộc chiến, tại nhà riêng ở Hà Nội. Dù đã ở tuổi 94, ông vẫn giữ được sự minh mẫn và tinh thần lạc quan.

PGS, TS, TTND Dương Xuân Đạm, người thầy thuốc quân y đi qua hai cuộc chiến, tại nhà riêng ở Hà Nội. Dù đã ở tuổi 94, ông vẫn giữ được sự minh mẫn và tinh thần lạc quan.

“Khi kiểm tra sức khỏe, họ nhận xét tôi “hơi còi quá”, thế rồi xếp sang học ngành y. Lúc đó là Trường Quân Y sĩ Việt Bắc”, ông mỉm cười nhớ lại.

Tại đây, lớp học là những căn nhà tranh vách đất, bàn học ghép vội từ tre nứa, còn ghế ngồi là hai thân cây dài bắc qua những chiếc cọc. Giường ngủ là một tấm liếp tre lớn, nơi tất cả nằm vai kề vai san sát. Trên tường, những chiếc “xích đông” – những thanh gỗ đơn sơ được đóng lên để treo ba lô. Đời sống gian khổ, ăn sắn, cá khô, rau và măng rừng tự kiếm. Ông nhớ lại: “Trời Việt Bắc lúc bấy giờ rét lắm. Quần áo không có. Sáu thằng ôm nhau ngủ”.

Chính trong môi trường thiếu thốn ấy, những bài học y khoa đầu tiên được giảng dạy bởi những giáo sư, bác sĩ đầu ngành như Trần Bảo, Phạm Gia Triệu đã thấm sâu vào tâm trí người lính trẻ. Chương trình học được thiết kế đặc biệt cho chiến trường: Học 9 tháng lý thuyết, 3 tháng đi thực tế ở các chiến dịch. Nội dung cốt lõi là giải phẫu, cấp cứu, cầm máu, chống choáng, xử lý vết thương – tất cả những kỹ năng sinh tử cần thiết nhất nơi trận mạc.

Trong cái lò tôi luyện khắc nghiệt đó, từ một nỗi sợ ban đầu, một sự e ngại của tuổi trẻ, khí phách của một người thầy thuốc quân y đã dần được khởi sinh, rắn rỏi và kiên định, sẵn sàng cho những thử thách tàn khốc hơn của chiến tranh.

Sức bền thép giữa mưa bom

Sau khi tốt nghiệp(năm 1952),người thầy thuốc trẻ Dương Xuân Đạm cùng đồng đội lập tức được đưa vào các chiến trường, đối mặt với thực tại tàn khốc của đạn bom. Những năm tháng kháng chiến chống Pháp, ông được phân về Sư đoàn 304, trực tiếp tham gia các chiến dịch ở Hà Nam Ninh, Điện Biên Phủ,...

“Ra trận nó khác lắm” ông trầm ngâm kể lại, “đánh nhau liên miên, ban ngày không đánh được vì lộ, toàn đánh đêm. Thương binh về dồn dập, mình phải cấp cứu để chuyển hết về tuyến sau, đến gần sáng lại cuốn gói di chuyển sang trận địa khác”.

Chính trong những năm tháng ấy, ông đã phải đối mặt với lằn ranh mong manh nhất của sự sống và cái chết. Tại chiến trường Lào, trong một chiến dịch giải phóng Xiêng Khoảng, khi vừa triển khai xong một trạm phẫu thuật dã chiến bên bờ suối, một chùm năm quả bom bất ngờ dội xuống. Sức ép khủng khiếp của bom đạn đã khiến hai người đồng đội hy sinh, còn ông bị vùi lấp dưới đống đất đá, bất tỉnh.

Vết sẹo trên chân PGS, TS, TTND Dương Xuân Đạm – dấu tích còn lại từ trận bom ở chiến trường Lào năm xưa, nơi ông đã cận kề cái chết và may mắn sống sót.

Vết sẹo trên chân PGS, TS, TTND Dương Xuân Đạm – dấu tích còn lại từ trận bom ở chiến trường Lào năm xưa, nơi ông đã cận kề cái chết và may mắn sống sót.

“Nếu không có một anh công binh tình cờ phát hiện ra bàn chân tôi lòi lên khỏi mặt đất và đào lên kịp thời, có lẽ tôi cũng đã chết rồi”, ông cười xuề xòa, như thể đang kể một câu chuyện phiếm của người khác chứ không phải là khoảnh khắc sinh tử của chính mình. Sống sót trở về từ cõi chết, ông không chỉ mang trên mình vết sẹo của chiến tranh mà còn mang một sự thấu cảm sâu sắc với sự mong manh của sự sống và giá trị thiêng liêng của việc cứu người.

Những năm tháng sau này (1968-1971), ông được cử đi cao học tại Viện Hàn lâm y học quân sự Liên Xô. Năm 1971, ông trở về nước và được phân công về Khoa Lý liệu Viện Quân y 108 (nay là Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) bắt đầu một giai đoạn cống hiến lâu dài. Nhưng bình yên chưa được bao lâu, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt nhất.

Những năm tháng 1965-1968, khi đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc, Viện Quân y 108 chuyển sang thời chiến, tổ chức sơ tán, đào hầm hào và triển khai các tổ cấp cứu lưu động.

Trong khi phần lớn bệnh viện sơ tán, ông là một trong số ít những người ở lại “trực chiến”. Một đội cấp cứu cơ động gồm ông, một y tá và một lái xe cùng chiếc ZIL 130 luôn sẵn sàng lao vào những nơi bom rơi đạn nổ.

Đặc biệt, trong suốt 12 ngày đêm của trận “Điện Biên Phủ trên không” lịch sử (từ ngày 18 đến 30-12-1972), ông không rời vị trí. Một mặt, ông là người lính sẵn sàng đến những điểm nóng nhất quanh Hà Nội để cấp cứu người dân; mặt khác, ông vẫn là người thầy thuốc tận tụy, tiếp tục chăm sóc cho các lãnh đạo cấp cao đang được bảo vệ trong khu hầm kiên cố của bệnh viện.

“Hồi đó trong quân đội, ai cũng bị ghẻ lở, hắc lào, sốt rét thì nhiều lắm”, ông nhớ lại. Thuốc men vô cùng khan hiếm. Những viên Quinnie quý giá mà thế giới dùng để uống, thì ở Việt Nam, các y bác sĩ phải mày mò pha thành dung dịch để “tiêm vào mạch máu” cho kịp thời cứu người.

Với ông, những ngày tháng ấy, dẫu đầy bom đạn và hiểm nguy, lại là những năm tháng mà sứ mệnh của người thầy thuốc trở nên giản dị và thiêng liêng nhất: bằng mọi giá, phải giữ lại sự sống.

Người thầy thuốc quân y thời hậu chiến

Với PGS, TS, TTND Dương Xuân Đạm, cuộc đời y nghiệp của ông được soi đường bởi một triết lý giản dị mà vô cùng mạnh mẽ: “Đã vào ngành nào, đã làm việc gì, phải cố gắng phấn đấu đến đỉnh cao nhất của ngành ấy”. Đó không phải là một lời nói suông, mà là kim chỉ nam cho mọi hành động, là động lực thôi thúc ông trên suốt hành trình y nghiệp của mình.

Từ một bác sĩ điều trị, trở thành Phó chủ nhiệm, rồi Chủ nhiệm khoa, chuyên viên đầu ngành và giảng viên kiêm nhiệm, ông đã có điều kiện để hệ thống hóa kinh nghiệm thực tiễn và dẫn dắt những nghiên cứu khoa học mang tính nền tảng.

Thang tường gỗ – một trong 19 loại dụng cụ phục hồi chức năng do PGS, TS, TTND Dương Xuân Đạm thiết kế từ những năm 1970 – vẫn đang được ứng dụng hiệu quả tại Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ngày nay.

Thang tường gỗ – một trong 19 loại dụng cụ phục hồi chức năng do PGS, TS, TTND Dương Xuân Đạm thiết kế từ những năm 1970 – vẫn đang được ứng dụng hiệu quả tại Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ngày nay.

Trăn trở trước hình ảnh những đồng đội còn hạn chế vận động, ông nhận ra rằng y học không thể chỉ dừng lại ở việc chữa trị vết thương, mà còn phải trả lại cho người bệnh khả năng sống một cuộc đời trọn vẹn. Từ suy nghĩ đó, một trong những công trình khoa học thực tiễn đầu tiên và có tầm ảnh hưởng lớn nhất của ông đã ra đời: Bộ dụng cụ phục hồi chức năng.

Bằng kiến thức y học và tư duy của một nhà khoa học, ông tự tay phác thảo bản vẽ, tính toán từng thông số kỹ thuật, rồi lặn lội đến các nhà máy gỗ, các xưởng cơ khí để cùng những người thợ bậc 7 biến ý tưởng thành hiện thực. Một bộ dụng cụ hoàn chỉnh gồm 19 loại, từ những thanh song song tập đi, thang tường, đến các dụng cụ tập khớp vai, cổ tay, bàn ngón tay... đã được sản xuất hoàn toàn bằng gỗ và những vật liệu đơn giản.

Công trình này không chỉ là một giải pháp tình thế, mà là một sáng tạo khoa học thực thụ, giải quyết được bài toán thiếu thốn trang thiết bị trầm trọng lúc bấy giờ. Giá trị của nó đã được khẳng định khi Bộ Y tế và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Nội vụ) đặt hàng sản xuất hàng loạt trang bị cho các trung tâm phục hồi chức năng trên cả nước, giúp hàng ngàn thương bệnh binh có cơ hội phục hồi.

Cùng với đó, ý thức rằng để có một cơ thể khỏe mạnh cần có sự hòa hợp từ bên trong, ông đã dành nhiều năm (1980-1984) để nghiên cứu và xây dựng nên Phương pháp luyện tập dưỡng sinh, một công trình kết hợp nhuần nhuyễn giữa y học cổ truyền và y học hiện đại. Dựa trên nguyên lý “Ý-KHÍ-LỰC”, bài tập 18 động tác của ông không chỉ giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp mà còn điều hòa hơi thở, cân bằng năng lượng và ổn định tinh thần.

PGS, TS, TTND Dương Xuân Đạm và Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong một buổi điều trị tại nhà riêng của Thủ tướng năm 1992. Ảnh chụp lại

PGS, TS, TTND Dương Xuân Đạm và Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong một buổi điều trị tại nhà riêng của Thủ tướng năm 1992. Ảnh chụp lại

Giá trị lớn nhất của công trình nằm ở tính ứng dụng thực tiễn mạnh mẽ. Hàng ngàn người, từ các thương bệnh binh cần phục hồi chức năng, đến những cán bộ hưu trí tại các câu lạc bộ ở Hà Nội (như CLB công viên Lênin), Hải Phòng, Hà Bắc..., đã tìm thấy trong phương pháp này một công cụ tự chăm sóc sức khỏe hiệu quả, đơn giản và không tốn kém. Chính bài tập dưỡng sinh 18 động tác này cũng đã được PGS, TS, TTND Dương Xuân Đạm điều chỉnh và trực tiếp hướng dẫn Thủ tướng Phạm Văn Đồng tập luyện hằng ngày, khi thị lực của Thủ tướng suy giảm khiến ông không thể tập ngoài sân.

Là người kế thừa và phát triển sự nghiệp mà PGS, TS, TTND Dương Xuân Đạm đã dày công vun đắp, Thượng tá Nguyễn Thị Phương Chi, Chủ nhiệm Khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 hiện nay, bộc bạch: “Với thế hệ chúng tôi, điều tâm niệm nhất từ thầy Đạm không chỉ nằm ở các công trình khoa học đã trở thành nền tảng cho chuyên ngành. Đó còn là tinh thần của một người thầy thuốc quân y: Luôn tìm tòi, sáng tạo ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn nhất và không bao giờ ngừng cống hiến vì người bệnh”.

Bài và ảnh: YẾN NHI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-16/pgs-ts-thay-thuoc-nhan-dan-duong-xuan-dam-nguoi-thay-thuoc-di-qua-chien-tranh-836438