Trí tuệ và lòng người: 'Vũ khí sắc bén' của ngoại giao tâm công Việt Nam

Ngoại giao tâm công đóng vai trò quan trọng, xuyên suốt trong lịch sử Việt Nam, từ buổi đầu dựng nước, giữ nước tới giai đoạn phá thế bao vây cấm vận, phát triển và hội nhập với thế giới.

Bức thư của Nguyễn Trãi chiêu hàng quân Minh cố thủ ở thành Đông Quan là một ví dụ tiêu biểu của ngoại giao tâm công trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam. (Nguồn: Lichsu.org)

Bức thư của Nguyễn Trãi chiêu hàng quân Minh cố thủ ở thành Đông Quan là một ví dụ tiêu biểu của ngoại giao tâm công trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam. (Nguồn: Lichsu.org)

Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi có ghi: “Bó tay để đợi bại vong, giặc đã trí cùng lực kiệt; Chẳng đánh mà người chịu khuất, ta đây mưu phạt tâm công”. Đây chỉ là một trong nhiều bằng chứng lịch sử cho thấy sự hiện diện của ngoại giao “tâm công” trong truyền thống ngoại giao Việt Nam.

Nét đặc trưng ấy đóng vai trò quan trọng, xuyên suốt chiều dài lịch sử của mảnh đất hình chữ S, dù là trong buổi đầu dựng nước và giữ nước, hai cuộc kháng chiến trường kỳ tới giai đoạn phá thế bao vây cấm vận, đưa Việt Nam phát triển và hội nhập với thế giới.

Vậy ngoại giao tâm công là gì? Tâm công là thu phục lòng người bằng chính nghĩa, nhân tình, thuyết phục bằng lẽ phải, đạo lý và kiến thức. Ngoại giao tâm công bắt nguồn từ tư tưởng “lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy trí nhân để thay cường bạo”, với niềm tin rằng “lòng người” có sức ảnh hưởng không nhỏ trong chiến tranh.

Do đó, ngoại giao tâm công được dùng trong địch vận để làm nhụt nhuệ khí của đối phương, gây hoang mang, lung lay trong hàng ngũ của đối phương. Ngoại giao tâm công hiệu quả kết hợp với lợi thế trên chiến trường có thể tạo nên sức mạnh tổng hợp, buộc đối phương phải nghị hòa và rút quân về nước.

Ngoại giao tâm công thời kỳ dựng nước và giữ nước

Từ thời kỳ Hùng Vương đến năm 1930 là thời kỳ dựng và giữ nước. Do đó, ngoại giao tâm công nổi bật thời kỳ này là dùng lẽ phải, chính nghĩa, nhân nghĩa để đẩy lùi chiến tranh và gìn giữ mối giao hảo với nước láng giềng. Ngoại giao tâm công lúc bấy giờ thể hiện tập trung trong một số hoạt động sau:

Thứ nhất là chiến lược “không đánh mà thắng” - dùng ngòi bút đánh tan quân thù. Tư tưởng này chi phối toàn bộ hoạt động ngoại giao của Nguyễn Trãi trong cuộc chiến chống quân Minh, được thể hiện rõ nét trong những bức thư gửi tướng lĩnh và quân đội nhà Minh.

Tháng 2/1427, khi quân Minh bị vây hãm trong thành Đông Quan (tức Hà Nội ngày nay), Nguyễn Trãi đã gửi tới 17 bức thư cho tướng Minh là Vương Thông. Trong thư, ông đã phân tích thời thế bất lợi của quân Minh lúc bấy giờ khi nội bộ triều đình rối ren, trong khi quân Minh đóng tại Đông Quan không viện binh, thiếu lương thực, lại bị dân chúng trong thành căm ghét, chống đối. Trong khi đó, nghĩa quân Lam Sơn tỏ ra áp đảo với thanh thế lớn, lực lượng đầy đủ và được nhân dân ủng hộ. Nguyễn Trãi cho rằng thất bại của quân Minh đã rõ ràng.

Trong bối cảnh đó, ông đã nêu ra hai khả năng cho quân Minh lựa chọn: một là đầu hàng, hai là mở cửa thành đem quân ra giao chiến với nghĩa quân Lam Sơn. Tuy nhiên, ông khuyên chúng nên đầu hàng là có lợi nhất.

Bức thư địch vận với lời lẽ phân tích sắc bén của Nguyễn Trãi có sức mạnh như một đạo quân hùng hậu đã góp phần đánh tan quân Minh. Thực tế, đến tháng 11 cùng năm, Vương Thông đã chủ động xin giảng hòa và tham dự Hội thề Đông Quan vào tháng 12 trước khi rút toàn bộ quân về nước. Như vậy, bằng cách này, Nguyễn Trãi đã thành công với chiến lược: “Ta không đánh mà giặc cũng tan”.

Ngoại giao tâm công hiệu quả kết hợp với lợi thế trên chiến trường có thể tạo nên sức mạnh tổng hợp, buộc đối phương phải nghị hòa và rút quân về nước.

Thứ hai là coi trọng tình hòa hiếu lâu dài với láng giềng, tránh nạn binh đao. Dưới thời vua Quang Trung, Ngô Thì Nhậm từng viết Biểu trần tình sự kiện đầu năm Kỷ Dậu gửi vua Càn Long.

Tờ Biểu giải thích nguyên nhân gây ra chiến tranh là do Tôn Sĩ Nghị “tự tiện giả mạo mệnh vua để lập công” nhằm giữ thể diện cho vua Càn Long, đồng thời nhún nhường đề nghị nhà Thanh chính thức phong vua Quang Trung làm An Nam quốc vương. Mặt khác, tờ Biểu cũng ngầm tỏ sức mạnh của quân Tây Sơn và nhắc khéo vua Càn Long về hậu quả nếu yêu cầu chính nghĩa của vua Quang Trung không được chấp thuận.

Nhờ đó, nhà Thanh đã từ bỏ ý định đem 50 vạn quân trả thù trận thua đầu năm Kỷ Dậu, và đồng ý tiếp Sứ bộ ngoại giao của Tây Sơn để lập lại quan hệ bình thường giữa hai bên.

Hai ví dụ trên cho thấy ngoại giao tâm công giai đoạn này đã có hiệu quả to lớn trong công cuộc giữ nước, đẩy lùi chiến tranh, gìn giữ độc lập dân tộc, duy trì hòa bình và hữu hảo với nước láng giềng.

Ngoại giao tâm công trong hai cuộc kháng chiến

Kế thừa và phát huy truyền thống quý báu từ cha ông, thời đại Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ nét, rực rỡ tinh thần ngoại giao tâm công kể trên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã áp dụng nhuần nhuyễn ngoại giao tâm công từ trong chiến đấu cách mạng tới đời sống bình dân. Người luôn đề cao tinh thần yêu chuộng hòa bình, tôn trọng tinh thần nhân đạo, nhân văn. Không chỉ có vậy, Người còn am hiểu sâu sắc về nền văn hóa của các nước bạn, đồng thời phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc, dùng ngoại giao để gắn kết văn hóa, tạo nền tảng sức mạnh và tiền đề vững chãi cho sự hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau của bạn bè thế giới.

Bên cạnh đó, trong cuộc kháng chiến trường kỳ giành độc lập của dân tộc, Bác đã gắn kết thành công cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, kết hợp tài tình sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Như vậy, mục đích và ý nghĩa của cách mạng Việt Nam dễ được thế giới thấu hiểu hơn: Đó là chống lại phi nghĩa, giành lại quyền cơ bản của con người là quyền được hưởng độc lập và tự do một cách chính nghĩa. Cách làm của Bác đã giúp Việt Nam tranh thủ được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế dưới nhiều hình thức một cách hiệu quả và phong phú.

Phương thức ngoại giao này còn được thể hiện rõ trong những bức thư Bác gửi chính phủ và nhân dân Pháp, Mỹ. Dù là người ở phía bên kia, Bác vẫn chia sẻ sự cảm thông với những bà mẹ, người vợ có chồng, con tham chiến ở Việt Nam. Bác vừa phản đối chiến tranh, vừa bày tỏ lòng thương cảm, bao dung với những tù binh không may bị cuốn vào vòng xoáy bạo lực ấy.

Bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Mình (trái) phúc đáp bức thư của Tổng thống Mỹ Richard Nixon ngày 25/7/1969. (Nguồn: Báo Lao động)

Bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Mình (trái) phúc đáp bức thư của Tổng thống Mỹ Richard Nixon ngày 25/7/1969. (Nguồn: Báo Lao động)

Ví dụ, trong bức Điện gửi các bạn người Mỹ nhân dịp năm mới 1968, Bác nêu: “Các bạn đều biết, không hề có người Việt Nam nào đến quấy rối ở Mỹ. Vậy mà có nửa triệu quân Mỹ đến miền Nam Việt Nam cùng với hơn 70 vạn quân ngụy và quân chư hầu, hằng ngày bắn giết người Việt Nam, đốt phá thành phố và xóm làng Việt Nam. Hàng chục vạn thanh niên Mỹ phải chết và bị thương vô ích trên chiến trường Việt Nam. Chính phủ Mỹ xài phí về chiến tranh ở Việt Nam mỗi năm hàng chục tỷ USD tiền mồ hôi nước mắt của nhân dân Mỹ… Các bạn ra sức đấu tranh đòi chính phủ Mỹ phải chấm dứt xâm lược Việt Nam, vừa bảo vệ chính nghĩa, vừa ủng hộ chúng tôi”.

Ngòi bút vừa sắc bén, khi mềm dẻo, nhưng đầy cứng rắn, kiên định ấy đã chạm vào trái tim của người Mỹ, lay động lòng trắc ẩn, lôi kéo tinh thần yêu chuộng hòa bình của họ. Lòng trắc ẩn đó đã biến thành nguồn sức mạnh tổng hợp phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa, ủng hộ hòa bình và nhân dân Việt Nam.

Có thể thấy, chính phương pháp ngoại giao tâm công “dùng ngòi bút thay pháp binh", “dùng trí nhân để thay cường bạo” này đã đóng góp vào thành công của cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, giành lại hòa bình và tự do của dân tộc.

Ngoại giao tâm công từ Đổi mới tới nay

Kế thừa phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh, Việt Nam đã và đang vận dụng phương cách ngoại giao tâm công kể từ thời kỳ đổi mới đến nay. Việt Nam luôn lấy lẽ phải, công lý, chính nghĩa làm kim chỉ nam cho nền ngoại giao nước nhà. Đây cũng là nguồn động lực thúc đẩy công cuộc Đổi mới diễn ra hiệu quả.

Sau ngày thống nhất, Việt Nam đã đối mặt với tình trạng sản xuất đình trệ, thiếu hụt ngân sách, lạm phát, lại phải chịu sự bao vây cô lập của cộng đồng quốc tế, đồng thời chứng kiến những biến động to lớn khi một loạt nước Đông Âu và Liên Xô thay đổi chế độ xã hội. Tuy khó khăn, Việt Nam vẫn kiên định với bản sắc ngoại giao tâm công và nhờ vậy, từng bước đạt được thành tựu nhất định.

Từ năm 1986-1995 là thời kỳ “phá vây”. Trong giai đoạn này, ngoại giao tâm công của Việt Nam thể hiện qua phương châm hòa bình, hữu nghị và đạo lý. Việc Đảng và Nhà nước cố gắng giải quyết vấn đề tìm kiếm tù binh chiến tranh (POW) và mất tích trong chiến tranh (MIA) lúc bấy giờ đã phần nào giúp Việt Nam có thêm sự yêu mến của người dân trên thế giới, đặc biệt là người dân Mỹ.

Với sự đóng góp của ngoại giao tâm công, Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc (1991) và Mỹ (1995), đồng thời gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong năm 1995, tổ chức khu vực đặc biệt quan trọng với quá trình phát triển và hội nhập của đất nước.

Với sự đóng góp của ngoại giao tâm công, Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc (1991) và Mỹ (1995), đồng thời gia nhập ASEAN trong năm 1995, tổ chức khu vực đặc biệt quan trọng với quá trình phát triển và hội nhập của đất nước.

Giai đoạn 1996-2010 là giai đoạn mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, thúc đẩy hội nhập kinh tế. Điểm đột phá trong giai đoạn này bắt đầu từ năm 2003, giữa nhiệm kỳ khóa IX, Hội nghị Trung ương VIII, với việc sử dụng cụm từ “đối tác” và “đối tượng” thay cho “bạn” và “thù” trong các văn kiện. Từ “thù” nói về các nước đối địch, không có dư địa hợp tác và không loại trừ khả năng xung đột. Trong khi đó, từ “đối tượng” không phải trạng thái đối đầu mà chỉ các nước có khía cạnh khác biệt, bất đồng và sẵn sàng hóa giải bằng biện pháp hòa bình để trở thành “đối tác”.

Thay đổi này hàm ý Việt Nam không còn phân biệt rạch ròi “bạn”-“thù" mà sẵn sàng hợp tác với mọi quốc gia trên thế giới. Trên tinh thần đó, Việt Nam đã từng bước gia nhập các cơ chế đa phương Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu (ASEM) năm 1996, Diễn đàn Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 1998, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007..., tạo tiền đề để Việt Nam có thể hợp tác với đa dạng các đối tác, thúc đẩy cơ hội thu hút đầu tư và dần khẳng định mình trên trường quốc tế.

Giai đoạn 2011 đến nay là giai đoạn Việt Nam hội nhập sâu rộng, toàn diện và phát huy vai trò trong cộng đồng quốc tế. Ngoại giao tâm công trong thời kỳ này được thể hiện rõ ràng thông qua việc quảng bá hình ảnh Việt Nam để gia tăng tình cảm của cộng đồng thế giới đối với Việt Nam. Không chỉ quảng bá văn hóa, lịch sử, ẩm thực, Việt Nam còn tích cực quảng bá chính sách, thông tin về các danh nhân tiêu biểu của đất nước như Nguyễn Trãi hay Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhờ vậy, bạn bè thế giới đã có những hiểu biết chính xác về Việt Nam hiện đại, đa dạng và giàu truyền thống, đồng thời dần xóa nhòa hình ảnh Việt Nam chỉ có chiến tranh, nghèo đói và lạc hậu so với các nước khu vực. Hai thành tựu trên đã giúp mang lại nhiều lợi ích về ổn định chính trị, phát triển kinh tế cho Việt Nam.

Ngoại giao tâm công trong phương hướng đối ngoại hiện nay

Với cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín chưa từng có, đối ngoại Việt Nam bước vào giai đoạn chiến lược mới gắn liền với khát vọng phát triển đất nước đến giữa thế kỷ XXI, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Ngoại giao tâm công, sử dụng lẽ phải, công lý và chính nghĩa tiếp tục là yếu tố đặc trưng, quan trọng trong phương hướng đối ngoại hiện nay, nổi bật nhất trên một số khía cạnh.

Thứ nhất, các nội hàm “hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển” trong đường lối đối ngoại của Đại hội XIII thể hiện tinh thần nhân đạo, yêu chuộng hòa bình, mong muốn giải quyết mọi xung đột bằng biện pháp hòa bình, thúc đẩy hợp tác vì sự phát triển của tất cả các quốc gia.

Thứ hai, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Việt Nam đấu tranh để “bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc”. Tuy nhiên, Việt Nam không đấu tranh vì một lợi ích vị kỷ, mà là “trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”.

Việt Nam có nhiều đóng góp tích cực khi đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - Ảnh: Nguyên trưởng phái đoàn đại diện Việt Nam tại Liên hợp quốc, Đại sứ Đặng Đình Quý trong một phiên thảo luận của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. (Ảnh: TTXVN)

Việt Nam có nhiều đóng góp tích cực khi đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - Ảnh: Nguyên trưởng phái đoàn đại diện Việt Nam tại Liên hợp quốc, Đại sứ Đặng Đình Quý trong một phiên thảo luận của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. (Ảnh: TTXVN)

Việt Nam bảo vệ đến cùng những lợi ích chính đáng của mình, trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, dựa trên hợp tác và lắng nghe để tìm ra mẫu số chung cho mọi vấn đề. Nhờ vậy, Việt Nam vừa có được sự thấu hiểu của các nước trong bảo vệ lợi ích của mình một cách thấu tình, đạt lý, vừa thể hiện được vai trò “thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.

Phương pháp ngoại giao tâm công đã góp phần vào nhiệm kỳ thành công của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong bối cảnh đại dịch Covid-19, cạnh tranh nước lớn, các vấn đề an ninh phi truyền thống đặt ra nhiều thách thức chưa từng có.

Việt Nam đã khởi xướng thành lập nhóm Bạn bè của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, với sự tham gia của gần 100 nước thành viên Liên hợp quốc, qua đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của UNCLOS như là cơ sở pháp lý cho các nước để thực hiện các quyền lợi và trách nhiệm trên biển. Điều này vừa góp phần giúp Việt Nam bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của mình ở Biển Đông, vừa nhận được sự công nhận, ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Trong hai lần đảm nhiệm Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam cũng thúc đẩy giải quyết các vấn đề chung ít được nói đến nhưng lại là mối quan tâm của nhiều nước trên thế giới, như vấn đề bom mìn, hợp tác giữa Liên hợp quốc và tổ chức khu vực, bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các khu vực xung đột. Trên cương vị này, Việt Nam đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo quốc gia và các đối tượng khác ở Liên hợp quốc.

Việt Nam cũng lắng nghe, khéo léo thuyết phục, phân tích, hòa giải và tạo cầu nối thu hẹp khác biệt giữa các quốc gia với quan điểm, lợi ích và chính sách khác nhau trong nhiều vấn đề toàn cầu như tại Myanmar, Yemen, Somalia và Sudan. Ngược lại, sự đồng tình, ủng hộ và hưởng ứng của các nước đã giúp Việt Nam thuận lợi thúc đẩy các sáng kiến của mình, nổi bật là 2 Nghị quyết và 3 Tuyên bố Chủ tịch, qua đó góp phần nâng cao vị thế và uy tín quốc tế đất nước.

Phương pháp ngoại giao tâm công đã góp phần vào nhiệm kỳ thành công của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong bối cảnh đại dịch Covid-19, cạnh tranh nước lớn, các vấn đề an ninh phi truyền thống đặt ra nhiều thách thức chưa từng có.

Như vậy, có thể thấy ngoại giao tâm công là một phong cách, chiến lược xuyên suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, giúp đất nước bảo vệ chủ quyền, phá thế bao vây cấm vận, xây dựng quan hệ với nhiều quốc gia, tổ chức trên thế giới. Trong giai đoạn Đổi mới và hội nhập quốc tế, nét đặc sắc ấy tiếp tục giúp Việt Nam giữ quan hệ tốt đẹp với nhiều quốc gia, đồng thời nâng cao vị thế, uy tín của đất nước. Những kết quả trên đã chứng minh tính hiệu quả của ngoại giao tâm công.

Trong bối cảnh thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp và khó lường, với nhiều hệ quả lớn từ đại dịch Covid-19, cạnh tranh nước lớn, điểm nóng như hiện nay, ngoại giao tâm công sẽ tiếp tục là phương hướng hữu hiệu cho các hoạt động đối ngoại của Việt Nam nhằm gìn giữ môi trường đối ngoại hòa bình, ổn định, và xa hơn nữa là hóa giải xung đột bằng cái trí và cái tâm công minh.

(*) Đào Duy Quang, Nguyễn Huy Hà Anh, Ngô Tiến Minh, Nguyễn Thị Minh Châu, Phan Nhật Hoa, Nguyễn Thọ Đức, Nguyễn Huyền Trang, Ngô Thị Thảo.

Nhóm tác giả (*)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tri-tue-va-long-nguoi-vu-khi-sac-ben-cua-ngoai-giao-tam-cong-viet-nam-196409.html