Triển khai Chương trình hành động của Chính phủ về ngoại giao kinh tế năm 2023

Các đại biểu dự tại điểm cầu Sóc Trăng. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Các đại biểu dự tại điểm cầu Sóc Trăng. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Theo báo cáo, công tác ngoại giao kinh tế trong năm 2022 được triển khai quyết liệt, bài bản, hiệu quả, kịp thời. Các nội dung hợp tác về kinh tế đã được thúc đẩy mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả quan trọng, thực chất, với hơn 150 văn kiện hợp tác ký kết, góp phần đưa hợp tác kinh tế với các đối tác đi vào chiều sâu, thu hút hiệu quả các nguồn lực bên ngoài phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp và tổ chức triển khai các hoạt động ngoại giao kinh tế được đổi mới và thực hiện một cách quyết liệt, hiệu quả, góp phần quan trọng vào những kết quả tích cực về xuất khẩu, đầu tư nói riêng và kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 nói chung. Các bộ, ngành đã chú trọng, kịp thời, nhạy bén triển khai công tác nghiên cứu, tham mưu về tình hình kinh tế thế giới, các vấn đề nổi lên tác động sâu sắc đến Việt Nam. Việt Nam tiếp tục tham gia chủ động, tích cực, trách nhiệm, hiệu quả tại các cơ chế kinh tế đa phương, nhất là các diễn đàn đa phương về kinh tế, bảo đảm ứng xử cân bằng, hài hòa với các đối tác lớn và phù hợp với lợi ích của ta; bắt kịp các xu thế mới, sáng kiến mới nhằm huy động tối đa các nguồn lực phục vụ chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao vị thế, uy tín đất nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương, đánh giá cao nỗ lực của Bộ Ngoại giao trong tham mưu cho Chính phủ trong triển khai chương trình hành động của Chính phủ về ngoại giao kinh tế. Ngoại giao kinh tế là trung tâm của ngành ngoại giao, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Yêu cầu các cấp, các ngành phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt trong triển khai chương trình hành động của Chính phủ về ngoại giao kinh tế. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai, cụ thể hóa Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư và Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2022 - 2026 thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư. Đẩy mạnh hỗ trợ các ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp theo tinh thần lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm. Tiếp tục chủ động, tích cực hội nhập và liên kết kinh tế quốc tế trên cơ sở bám sát đường lối đối ngoại, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc, cân bằng, hài hòa trong ứng xử quốc tế, nâng cao vị thế đất nước. Chú trọng, tăng cường nhạy bén và chuyên sâu trong nghiên cứu, dự báo, tham mưu phục vụ Chính phủ và đáp ứng nhu cầu trong nước. Đổi mới mạnh mẽ, tạo chuyển biến thực chất trong triển khai ngoại giao kinh tế. Tiếp tục phát huy cái tốt, khắc phục những cái chưa tốt trong thực hiện ngoại giao kinh tế. Vận động thu hút nguồn lực bên ngoài cho động lực tăng trưởng.

HOÀNG PHÚC

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/thoi-su/trien-khai-chuong-trinh-hanh-dong-cua-chinh-phu-ve-ngoai-giao-kinh-te-nam-2023-63799.html