Triển khai công tác phòng chống, khắc phục hậu quả mưa, lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 3

Sáng 10/9, UBND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai công tác phòng chống, khắc phục hậu quả mưa, lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Đồng chí Nguyễn Anh Chức, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Đức Vượng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh.

 Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Hội nghị đã nghe lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan báo cáo tình hình cập nhật mưa lũ, công tác triển khai phương án phòng chống, khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra. Theo thông báo: đến 10 giờ ngày 10/9, mực nước sông Đáy đã đạt mức 4,32m vượt mức báo động 3. Như vậy, nếu tiếp tục duy trì mức tăng này thì mực nước sông Đáy sẽ vượt cao so với dự báo. Mực nước trên sông Hồng đo tại khu vực cầu Yên Lệnh (Duy Tiên) tầm 10 giờ ngày 10/9 là 5,77 m (vượt báo động 1 và vẫn tiếp tục tăng nhanh). Cảnh báo, từ nay đến ngày 13/9, trên sông Hồng tại Hưng Yên có khả năng xuất hiện 1 đợt lũ. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ ở mức báo động 1 đến báo động 2. Hiện tại, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đều đã xây dựng, triển khai phương án ứng phó với mưa, lũ.

Đồng chí Nguyễn Anh Chức, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Anh Chức, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Anh Chức nhấn mạnh: Công tác phòng chống, khắc phục mưa, lũ là nhiệm vụ chung của tất cả các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương, không phải của riêng cá nhân, đơn vị nào. Vì thế, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh lưu ý các sở, ngành, địa phương cần chủ động, tích cực hơn nữa trong việc bố trí đủ nhân lực, vật lực; đặc biệt cần phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với nhau, thường xuyên chia sẻ thông tin, cập nhật kịp thời tình hình mưa, lũ, sẵn sàng hỗ trợ khi có tình huống xảy ra. Với các huyện, thị xã, thành phố cần có phương án chuẩn bị một số nhu yếu phẩm thiết yếu, sẵn sàng hỗ trợ những gia đình, người dân khi nhà cửa bị ngập úng. Với ngành giáo dục, cần nắm bắt thông tin tình hình nước lũ để chỉ đạo cho học sinh nghỉ học trong trường hợp không bảo đảm an toàn; ngành giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát, có kế hoạch phân luồng giao thông, nghiêm cấm thuyền, đò di chuyển tại một số vị trí nguy hiểm để bảo đảm an toàn.

 Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tình hình mưa, lũ trên địa bàn.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tình hình mưa, lũ trên địa bàn.

Ngành điện chủ động bảo đảm nguồn điện ổn định cho sản xuất, sinh hoạt, nhất là cho các trạm bơm hoạt động, thực hiện cắt điện ở những khu vực bị ngập úng để bảo đảm an toàn cho người dân. Ngành nông nghiệp thường xuyên phối hợp với các đơn vị, địa phương kiểm tra hệ thống đê, bối dọc các sông để có dự báo sớm và chủ động phương án ứng phó; thực hiện chế độ báo cáo tình hình nước lũ 2h/lần; tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin về tình hình mưa, lũ cho các sở, ngành, địa phương. Các ngành, đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền khuyến cáo người dân có phương án tích trữ nước sạch, đề phòng trường hợp nhà máy nước gặp sự cố phải ngừng hoạt động; kiểm tra, theo dõi tình hình các dự án đang triển khai để bảo đảm an toàn; chú ý triển khai các phương án phòng, chống ngập úng tại các khu công nghiệp, nhất là Khu Công nghiệp Châu Sơn, Khu Công nghiệp Đồng Văn I, Đồng Văn II… Đối với việc khắc phục hậu quả của cơn bão số 3, các địa phương cần sớm có phương án khắc phục nhanh, phù hợp, hiệu quả.

Nguyễn Oanh

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/moi-truong-do-thi/trien-khai-cong-tac-phongachong-khac-phuc-hau-qua-mua-lu-do-anh-huong-cua-con-bao-so-3-135335.html