Triển khai công tác phòng, chống sinh vật gây hại chính trên lúa Đông Xuân các tỉnh phía Bắc

Ngày 14/4, Trung tâm bảo vệ thực vật phía Bắc phối hợp cùng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tình hình sinh vật gây hại chính trên lúa giai đoạn đầu vụ và bàn giải pháp phòng chống sinh vật gây hại chính trên lúa giai đoạn cuối vụ Đông Xuân 2022 - 2023 các tỉnh phía Bắc.

Phó Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Quý Dương phát biểu kết luận tại hội nghị

Hiện nay, các tỉnh trong vùng phía Bắc gieo trồng trên 700.000ha lúa vụ Đông Xuân, trong đó, trà xuân sớm trên 41.000ha đang trong giai đoạn phát triển đòng - trỗ; trà chính vụ gần 300.000ha đang trong giai đoạn đứng cái – làm đòng; trà xuân muộn trên 380.000ha giai đoạn đẻ nhánh rộ - cuối đẻ. Chủ yếu các giống lúa Xi 21, nếp 87, 97, KD 18, Q5, TBR225, Nhị ưu 838... Thời điểm này, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa, mưa ẩm kéo dài là điều kiện thuận lợi cho sâu, bệnh hại phát sinh, lây lan gây hại lúa và cây màu. Các bệnh đạo ôn lá, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân hai chấm, bạc lá, đốm sọc vi khuẩn đang có chiều hướng gia tăng. Có gần 2.500ha nhiễm bệnh đạo ôn lá đã xuất hiện ở 19 tỉnh, tỉ lệ phổ biến 1-3%, cao 5-8%, cục bộ 10-30% số lá. Các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh có 3.450ha nhiễm sâu cuốn lá nhỏ, cá biệt tại Hải Phòng mật độ nhiễm 300-450 con/m2. Ốc bươu vàng đã xuất hiện ở hệ thống mương máng, lan ra ruộng lúa hại chủ yếu ở lúa sạ, lúa cấy giai đoạn đẻ nhánh mật độ phổ biến 1-2con/m2, cao 3-5con/m2, cục bộ >10 con/m2, diện tích nhiễm trên 13.000ha...

Tại Phú Thọ, tổng diện tích lúa gieo cấy trên 35.000ha, trong đó lúa chất lượng cao trên 20.600ha, riêng giống lúa J02 đạt trên 10.000ha. Hiện nay, bệnh đạo ôn lá phát triển trên diện rộng và bệnh khô vằn đã bắt đầu xuất hiện gây hại rải rác ở tất cả các huyện, thành, thị. Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV tập trung phân công cán bộ bám sát đồng ruộng, kiểm tra, khoanh vùng và phòng trừ triệt để các ổ bệnh đảm bảo an toàn cho sản xuất vụ Xuân.

.Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Trần Tú Anh phát biểu tại hội nghị.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, trong tháng 4 và tháng 8 nhiệt độ ở Bắc Bộ phổ biến ở mức cao hơn, cường độ nắng nóng có khả năng gay gắt hơn so với cùng thời năm 2022, mưa, bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện từ nửa cuối tháng 6 đã thuận lợi cho các đối tượng sâu, bệnh phát sinh gây hại, đặc biệt là bệnh đạo ôn cổ bông, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân hai chấm. Bệnh khô vằn, bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, chuột tiếp tục gây hại tăng từ nay đến cuối vụ.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Quý Dương yêu cầu: Các địa phương cần chủ động xây dựng phương án ứng phó với sinh vật gây hại trên cây trồng trong điều kiện biến đổi khí hậu; tăng cường kiểm tra đồng ruộng, nắm chắc diễn biến dịch hại, kết hợp theo dõi diễn biến thời tiết, sinh trưởng cây trồng, nhận định chính xác khả năng phát sinh, mức độ gây hại để phòng trừ kịp thời. Đối với cây lúa cần phân rõ từng trà lúa, xác định rõ đối tượng, vị trí để chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp phòng trừ hiệu quả. Tổ chức thực hiện tốt công tác phòng, trừ sâu bệnh theo khuyến cáo của ngành chuyên môn. Các cơ quan chuyên môn cần bám sát thực địa, phân công cán bộ kỹ thuật giám sát, điều tra để có những dự tính, dự báo cụ thể, chính xác, tạo cơ sở hướng dẫn nông dân thực hiện hiệu quả biện pháp, bảo đảm hiệu quả và tiết kiệm.Cùng với đó, chính quyền các địa phương tập trung chỉ đạo cơ quan chuyên môn quản lý tốt giá bán, chất lượng các loại vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp; phối hợp với các cơ quan chuyên môn, truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân kỹ thuật phòng trừ dịch hại, sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc bốn đúng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đảm bảo ổn định thị trường kinh doanh thuốc BVTV, phục vụ tốt cho công tác phòng trừ dịch hại.

Hoàng Hương

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//nong-lam-nghiep/trien-khai-cong-tac-phong-chong-sinh-vat-gay-hai-chinh-tren-lua-dong-xuan-cac-tinh-phia-bac/192159.htm