Triển khai Đề án 'Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030'
Sáng 19-5, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị triển khai Đề án 'Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp (KCN) giai đoạn 2021-2030'.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 64 điểm cầu trong cả nước. Đồng chí Nguyễn Thanh Nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa có đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Lao động - Thương binh và Xã hội; Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các KCN tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh: Nhiều năm qua, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân, nhất là nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Hàng trăm nghìn hộ gia đình có thu nhập thấp và hàng trăm nghìn công nhân các KCN được tạo điều kiện cải thiện nhà ở ổn định, an toàn.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội thời gian qua đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục như việc quy hoạch bố trí quỹ đất, cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nhà ở xã hội; trách nhiệm của nhà nước trong việc bố trí nguồn vốn ưu đãi cho vay để mua nhà ở xã hội; sự quan tâm của chính quyền địa phương, doanh nghiệp trong việc chăm lo nhà ở cho người dân, đặc biệt là đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân KCN.
Từ những tồn tại, hạn chế và khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, Bộ Xây dựng đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 338/QĐ-TTg, ngày 3-4-2023 phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN giai đoạn 2021-2030”. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh: Đề án được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; là trách nhiệm của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội.
Để đảm bảo việc triển khai thực hiện Đề án và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung đánh giá đúng kết quả đã triển khai trong thời gian qua. Đồng thời chỉ rõ tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề xuất giải pháp sát thực tiễn, nhất là giải pháp về huy động mọi nguồn lực từ xã hội để cùng với Nhà nước thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cũng cần tập trung thảo luận, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến thể chế chính sách, các thủ tục hành chính về đất đai, đầu tư xây dựng.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã trình bày tóm tắt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN giai đoạn 2021-2030”. Theo đó, mục tiêu tổng quát của Đề án là phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong KCN, khu chế xuất.
Mục tiêu cụ thể của Đề án là phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025-2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn. Đồng thời giao chỉ tiêu xây dựng nhà ở xã hội cụ thể cho các địa phương trong từng giai đoạn (2022-2025 và 2025-2030).
Ngay sau khi Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các bộ, ngành tập trung triển khai đề án, từ việc đề xuất quy định về đối tượng, điều kiện thụ hưởng cho đến các gói chính sách tín dụng ưu đãi dành cho doanh nghiệp.
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã thảo luận, bàn các giải pháp triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước cho phát triển nhà ở xã hội. Trong đó có 2 gói hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, đó là gói hỗ trợ cho khách hàng cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội; gói hỗ trợ lãi suất 2% cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư thông qua các ngân hàng thương mại theo quy định của Nghị định số 31/2022/NĐ-CP. Những vấn đề cần tháo gỡ ở các tỉnh, thành phố về quy hoạch, dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, chính sách miễn tiền sử dụng đất đối với dự án nhà ở xã hội, trình tự thủ tục thực hiện dự án nhà ở xã hội...
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh: Phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là trách nhiệm, nghĩa vụ và đạo đức của người làm quản lý nhà nước, của xã hội, của các doanh nghiệp và của người dân. Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải quan tâm, có trách nhiệm, quyết liệt thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp nhằm cải thiện thứ bậc của Việt Nam về nhà ở trong bảng xếp hạng của quốc tế.
Nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN giai đoạn 2021-2030”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương nghiêm túc thực hiện đúng quy định của pháp luật về công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở để phát triển nhà ở xã hội. Có các giải pháp rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng. Cân đối bố trí ngân sách địa phương để khuyến khích, ưu đãi thêm để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tạo nguồn cung cho thị trường. Chỉ đạo các chủ đầu tư dự án trên địa bàn nâng cao chất lượng nhà ở xã hội, đảm bảo chất lượng tương đương với nhà ở thương mại, cơ cấu sản phẩm, giá thành hợp lý để đáp ứng cho người thu nhập thấp, công nhân có cơ hội tiếp cận, cải thiện về nhà ở; bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa của các dự án. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn, trong đó có việc thực hiện bố trí quỹ đất nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục triển khai chương trình cho vay ưu đãi đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan trong việc triển khai hiệu quả các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại các KCN, khu chế xuất, bao gồm nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, y tế, giáo dục và các công trình văn hóa, thể thao. Nghiên cứu, đề xuất Tổng Liên đoàn tham gia làm Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở, nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp.
Phát biểu sau hội nghị trực tuyến của Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm nhấn mạnh: Trong những năm vừa qua tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm, chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân, đặc biệt là việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu cho các đối tượng thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp, xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo Đề án, tỉnh Thanh Hóa được giao đến năm 2030 hoàn thành 13.700 căn. Để triển khai thực hiện hoàn thành chỉ tiêu, Sở Xây dựng phối với các sở, ngành, địa phương chuẩn bị các nội dung liên quan để tổ chức hội nghị triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Đồng thời, qua hội nghị nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được trong triển phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh; thảo luận các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập trong công tác triển khai phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh thời gian qua; đặc biệt là các giải pháp mang tính để đồng bộ triển khai hiệu quả Đề án trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.