Triển khai gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ đồng: Nếu chỉ an toàn cho cơ quan quản lý, sẽ khó đi vào thực tiễn

Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô gói hỗ trợ lên đến 350 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng để Nghị quyết 43 đi vào cuộc sống còn phụ thuộc nhiều vào các chương trình hành động để thực hiện.

Thay đổi cả về lượng và chất

Theo TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, gói hỗ trợ lần này bên cạnh quy mô lớn còn có cả sự thay đổi về chất. Quy mô tổng thể gói hỗ trợ là 350 nghìn tỷ với 2 chính sách chủ đạo là chính sách tài khóa và tền tệ, trong đó, chính sách tài khóa được xây dựng như trụ cột.

Về chính sách tài khóa đã có sự thay đổi lớn. Nếu trước đây, chúng ta chủ yếu giãn, hoãn thì lần này chúng ta trực diện đặt vấn đề giảm các khoản thu vào NSNN.

Nếu như trước đây chính sách của chúng ta tập trung vào thuế trực thu như thuế TNDN thì lần này đã giảm thẳng vào thuế gián thu, tức là thuế giá trị gia tăng (GTGT). Đây là sắc thuế phổ biến nhất, tác động rộng rãi nhất, rõ ràng nhất đến thị trường.

Mức giảm chỉ 2%, nhưng TS Vũ Đình Ánh cho rằng nó sẽ có tác động đến toàn bộ người dân, doanh nghiệp (DN). Trong đó, DN có điều kiện không phải tăng giá, qua đó giúp tăng khả năng tiêu thụ. Với người tiêu dùng, việc giảm thuế GTGT sẽ giúp họ trực tiếp tiết kiệm được 2% chi tiêu.

Không chỉ vậy, việc giảm thuế GTGT sẽ giúp kiềm chế việc tăng chỉ số giá tiêu dùng khi tiêu dùng trong nước có triển vọng phục hồi tốt hơn. “Như vậy, việc giảm thuế 2% sẽ giúp đạt 2 mục tiêu là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát” – ông nói.

Đối với gói hỗ trợ lãi suất 2%, theo TS Vũ Đình Ánh, đây cũng là một cách tiếp cận mới mẻ. Nếu như trước đây, chúng ta xác định đối tượng hỗ trợ là ai, nếu không thuộc đối tượng thì không được hưởng; nhưng lần này chỉ quy định ai không được hưởng, còn lại thì đều nghiễm nhiên được hưởng.

Gói hỗ trợ theo Nghị quyết 43 của Quốc hội có sự thay đổi lớn cả về lượng và chất

Gói hỗ trợ theo Nghị quyết 43 của Quốc hội có sự thay đổi lớn cả về lượng và chất

Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại về gói hỗ trợ đầu tư công khi thời gian qua, việc giải ngân, thực hiện các dự án đầu tư công khá chậm. Do đó cần phải xử lý các vấn đề liên quan đến tiến độ triển khai các dự án cũng như tiến độ giải ngân. Có như vậy, con số 167 nghìn tỷ đồng dành cho đầu tư công mới phát huy tác dụng, qua đó tạo ra cơ sở hạ tầng cho sự tăng trưởng của nền kinh tế

Làm sao để chính sách đi vào cuộc sống

Đồng quan điểm, TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng cho rằng gói chính sách vừa được ban hành gần như là một gói hỗ trợ toàn dân, độ lan tỏa rất lớn.

Tuy nhiên, để thực hiện thực chất, hiệu quả, theo ông cần có 2 điểm cần quan tâm:

Thứ nhất, phải đưa chính sách sớm đi vào cuộc sống nhất. Trong đó, các thủ tục cần được thiết kế đơn giản, rõ ràng và phù hợp, tránh tình trạng chính sách hay nhưng lại đưa ra nhiều thủ tục, quy định, quy trình, không đến được với người được hưởng.

“Cơ quan quản lý đặt ra với tiêu chí an toàn cho họ thì sẽ khó phù hợp với đối tượng thụ hưởng” – ông nói.

Thứ hai, về đối tượng thụ hưởng, ông cũng bày tỏ lo lắng nếu không cẩn trọng thì sẽ có tình trạng gói hỗ trợ không đến được đối tượng thực sự khó khăn.

Đơn cử gói hỗ trợ lãi suất, đây là gói sẽ tác động rất rộng, rất mạnh đến doanh nghiệp vì Chính phủ chỉ bỏ ra 40 nghìn tỷ để hỗ trợ lãi suất nhưng lại tác động đến 2 triệu tỷ tiền vốn của DN.

“Nếu không cẩn thận, có thể 2 triệu tỷ đó chỉ dồn vào 1 nhóm DN lớn nào đó – chưa chắc là đối tượng thực sự khó khăn. Trong khi đó, nhiều hộ kinh doanh gia đình, DN nhỏ và vừa là những đối tượng không phải cần quá nhiều nhưng nếu không được hỗ trợ thì không thể phục hồi. Do đó, nếu đặt ra các điều kiện không vi phạm tiêu chuẩn cho vay thì nhóm này nhiều khả năng sẽ bị loại” – ông nói.

Vì vậy, TS Hoàng Văn Cường đề xuất có cơ chế khác để kiểm soát các chương trình hỗ trợ, thay vì quản lý cho vay bằng tài sản bảo đảm thì quản lý bằng dòng tiền. Chẳng hạn nếu mua hàng, mua nguyên vật liệu thì ngân hàng có thể trả tiền trực tiếp cho bên mua để DN nhận nguyên vật liệu về sản xuất, và thu tiền về sau khi DN bán được hàng.

“Nếu được vậy, các DN, các hộ thực sự có hoạt động phát triển, phục hồi thì sẽ được hưởng chính sách. Còn các đối tượng dùng tiền đó để gửi ngân hàng, đầu tư chứng khoán, bất động sản thì sẽ kiểm soát được ngay” – ông nói.

Do đó, TS Hoàng Văn Cường cho rằng Nghị quyết của quốc hội chỉ là “giấy phép”, còn có đi vào cuộc sống hay không thì phụ thuộc nhiều vào chương trình hành động để thực hiện.

“Tôi rất trông đợi điều này từ Chính phủ, giao trách nhiệm cho từng ngành, từng lĩnh vực để triển khai cụ thể. Để sau này chúng ta kiểm tra đánh giá lại không chỉ dừng ở việc các cơ quan triển khai chính sách không có sai phạm mà phải đánh giá được thực chất hiệu quả của chính sách” – ông nói.

Nhật Linh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/trien-khai-goi-ho-tro-350-nghin-ty-dong-neu-chi-an-toan-cho-co-quan-quan-ly-se-kho-di-vao-thuc-tien-post493584.antd