Triển khai hiệu quả Công ước 98: Các nguyên tắc phải được luật hóa
Đây là khẳng định của các đại biểu dự Hội thảo công bố gia nhập Công ước số 98 của ILO và tham vấn dự thảo kế hoạch thực hiện Công ước số 98 của ILO do Bộ LĐTB&XH tổ chức ngày 6/7 tại Hà Nội.
Công ước 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể đã chính thức có hiệu lực từ ngày 5/7 tại Việt Nam.
Được thông qua năm 1949, Công ước 98 có 3 nội dung cơ bản: Bảo vệ người lao động và công đoàn trước các hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn của người sử dụng lao động; bảo vệ tổ chức của người lao động không bị can thiệp, thao túng bởi người sử dụng lao động; những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện, thiện chí.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Quân, cùng với việc gia nhập Công ước 98, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Về cơ bản, các tiêu chuẩn Công ước 98 đã được luật hóa trong Bộ luật Lao động 2019.
Theo đó, Bộ luật Lao động mới đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung quan trọng để đáp ứng tiêu chuẩn của Công ước 98. Về quyền tập thể của tổ chức đại diện người lao động trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện của người lao động đã luật hóa. Cùng với đó đã luật hóa về bảo đảm nguyên tắc thương lượng tập thể tự nguyện thiện chí. Đã bảo vệ người lao động, cán bộ tổ chức đại diện của người lao động không bị phân biệt đối xử bởi người sử dụng lao động.
Đồng thời bảo vệ tổ chức đại diện của người lao động không bị can thiệp thao túng bởi người sử dụng lao động và bảo đảm quy trình giải quyết tranh chấp lao động nhằm thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện.
Mặc dù năm nguyên tắc để đảm bảo thực thi Công ước 98 đã luật hóa trong Bộ luật Lao động sửa đổi, tuy nhiên Thứ trưởng Lê Quân cũng cho biết, để đảm bảo thực thi Công ước 98 có hiệu quả cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.