Triển khai hiệu quả Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động

Công nhân đang thi công một công trình tại phường Phú Đông, TP Tuy Hòa được trang bị mũ bảo hộ lao động và các điều kiện an toàn. Anh: XUÂN HIẾU

Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2023 được phát động với chủ đề: “Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc”, diễn ra từ ngày 1-31/5.

Trao đổi với Báo Phú Yên xung quanh các hoạt động trong công tác ATVSLĐ, ông Phan Đại Thắng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết:

- Mục đích của Tháng hành động về ATVSLĐ là thúc đẩy các cấp, ngành, tổ chức, hiệp hội, người sử dụng lao động (NSDLĐ), người lao động (NLĐ) và cộng đồng quan tâm, thực thi nghiêm pháp luật về ATVSLĐ. Đồng thời đẩy mạnh các chương trình hành động cụ thể về cải thiện điều kiện lao động, rà soát, xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, đánh giá nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ; chăm sóc, nâng cao sức khỏe NLĐ, phòng chống tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN). Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu tổ chức các hoạt động Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2023 đảm bảo thiết thực, hiệu quả, có trọng điểm. Trong đó, khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất kinh doanh lựa chọn các vấn đề nổi cộm trong ngành, lĩnh vực làm chủ đề trong chương trình hành động về ATVSLĐ để mang lại hiệu quả cao.

Ông Phan Đại Thắng

Ông Phan Đại Thắng

* Ông đánh giá như thế nào về công tác ATVSLĐ trong thời gian qua?

- Năm 2022, Sở LĐ-TB&XH đã chủ động làm tốt công tác tham mưu, phối hợp với các sở, ban ngành, hội đoàn thể, cơ quan thông tấn báo chí đa dạng hóa các hoạt động thông tin tuyên truyền về Tháng hành động về ATVSLĐ. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới các đài huyện, thị xã, thành phố, xã phường. Đồng thời thường xuyên tư vấn, phổ biến giáo dục pháp luật ATVSLĐ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện nghiêm các quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ nhằm ngăn chặn các vụ TNLĐ xảy ra, nhất là trong thời gian diễn ra Tháng hành động về ATVSLĐ. Sở cũng đã triển khai hướng dẫn các địa phương và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thi hành Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành luật ATVSLĐ. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực, NSDLĐ có sự quan tâm nhất định đến công tác ATVSLĐ, chăm lo sức khỏe NLĐ; cải thiện điều kiện làm việc và môi trường ở những nơi lao động làm việc nặng nhọc, độc hại; tăng cường công tác tự kiểm tra, rà soát, phát hiện những nguy cơ mất an toàn và xây dựng kế hoạch phòng ngừa ngay tại các phân xưởng, tổ, đội sản xuất; thường xuyên đôn đốc nhắc nhở NLĐ chấp hành đủ các quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Các cấp, các ngành đã tổ chức, thăm hỏi, động viên cá nhân và gia đình người bị TNLĐ trong lao động sản xuất. Qua đó thấy được sự quan tâm của chính quyền và doanh nghiệp trong công tác ATVSLĐ.

* Dù triển khai nhiều giải pháp nhưng tình hình TNLĐ vẫn còn xảy ra. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

- Thực tế, tình hình TNLĐ-BNN vẫn còn xảy ra và có xu hướng gia tăng trong một số ngành nghề như: xây dựng, vận hành máy công nghiệp, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng..., đặc biệt là những vụ TNLĐ chết người xảy ra ở khu vực không có quan hệ lao động. Theo báo cáo thống kê của 33 doanh nghiệp, trong năm 2022 trên địa bàn tỉnh xảy ra 34 vụ TNLĐ, làm bị thương nhẹ 33 người, bị thương nặng 1 người. Còn theo báo cáo của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, đối tượng lao động không có quan hệ hợp đồng lao động xảy ra 7 vụ TNLĐ, làm chết 5 người và bị thương nặng 2 người.

Rất nhiều nguyên nhân dẫn đến TNLĐ, như: NSDLĐ không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, không trang bị phương tiện bảo hộ cá nhân cho NLĐ; không tổ chức huấn luyện ATVSLĐ hoặc huấn luyện không đầy đủ cho NLĐ. Máy móc, thiết bị không đảm bảo an toàn khi đưa vào vận hành sản xuất... Ngoài ra còn có nguyên nhân chủ quan của NLĐ trong việc vi phạm quy trình quy chuẩn an toàn lao động; NLĐ không chịu sử dụng hoặc sử dụng không đúng cách phương tiện bảo vệ cá nhân.

* Vậy cần có những giải pháp gì để thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, giảm tối đa TNLĐ-BNN, thưa ông?

- Trước mắt, Sở LĐ-TB&XH sẽ chủ trì phối hợp các cơ quan chức năng thành lập đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành hoặc chuyên đề về triển khai, tổ chức thực hiện Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Nội dung kiểm tra, thanh tra tập trung vào các ngành, nghề, lĩnh vực để xảy ra nhiều TNLĐ như: xây dựng, làm việc trong không gian hạn chế, an toàn trong sử dụng điện, thiết bị áp lực, hóa chất, việc sử dụng các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Các sở, ngành, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh, Ban Quản lý khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên và UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập, kiện toàn ban chỉ đạo và tăng cường kiểm tra, thanh tra đôn đốc việc triển khai, tổ chức thực hiện pháp luật ATVSLĐ tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý; xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về ATVSLĐ gây hậu quả nghiêm trọng.

Các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ATVSLĐ để NLĐ ý thức quyền và nghĩa vụ của mình; doanh nghiệp, NSDLĐ ý thức đầy đủ trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật; các cơ quan, chính quyền địa phương nâng cao ý thức trách nhiệm thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động cũng như thanh tra, kiểm tra, xử lý các vụ vi phạm về ATVSLĐ. Tiếp tục rà soát, bổ sung các nội quy, quy trình, biện pháp kỹ thuật an toàn lao động tại các bộ phận, phân xưởng; tự kiểm tra, rà soát, đánh giá các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ đối với các loại máy, thiết bị vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Thực hiện kiểm định máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ trước khi đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật. Thực hiện chế độ trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân; chế bộ bồi dưỡng bằng hiện vật cho NLĐ theo quy định của pháp luật. Tổ chức huấn luyện ATVSLĐ đầy đủ về các kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn cho NLĐ; phối hợp tham gia chiến dịch truyền thông về thực hiện công tác huấn luyện ATVSLĐ; thực hiện công tác tự kiểm tra tại đơn vị; tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện sớm BNN cho NLĐ. Khai báo, đăng ký máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ tại Sở LĐ-TB&XH theo quy định của pháp luật.

Các cơ sở sản xuất kinh doanh tổ chức huấn luyện ATVSLĐ đầy đủ về các kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn cho NLĐ; huấn luyện ATVSLĐ và quan trắc môi trường lao động. Đồng thời thực hiện công tác tự kiểm tra tại đơn vị; tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện sớm BNN cho NLĐ; tổ chức thăm hỏi thân nhân của người chết do TNLĐ, động viên những người bị TNLĐ-BNN có hoàn cảnh khó khăn, NLĐ đang làm việc tại các cơ sở sản xuất, làng nghề có nhiều yếu tố độc hại, nguy hiểm; tham gia các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2023 do các cấp tổ chức.

* Xin cảm ơn ông!

UBND tỉnh yêu cầu tổ chức các hoạt động Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2023 đảm bảo thiết thực, hiệu quả, có trọng điểm. Trong đó, khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất kinh doanh lựa chọn các vấn đề nổi cộm trong ngành, lĩnh vực làm chủ đề trong chương trình hành động về ATVSLĐ để mang lại hiệu quả cao.

KIM CHI (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/297934/trien-khai-hieu-qua-thang-hanh-dong-ve-an-toan-ve-sinh-lao-dong.html