Triển khai Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Ngân hàng phản ánh nhiều vướng mắc

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, mặc dù Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 có hiệu lực từ 1/7/2024, song nhiều ngân hàng đã có ý kiến lên Hiệp hội về những vướng mắc liên quan đến việc triển khai Luật.

Quang cảnh Tọa đảm (Ảnh:PV).

Quang cảnh Tọa đảm (Ảnh:PV).

Lúng túng Hợp đồng theo mẫu

Phát biểu tại Tọa đàm trao đổi một số vướng mắc liên quan đến pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) do VNBA tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch VNBA Nguyễn Quốc Hùng cho biết, trong quá trình sửa luật, VNBA cũng đã có ý kiến tại cuộc họp của Chính phủ, Quốc hội về sửa đổi Luật BVQLNTD. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, đến nay, các tổ tổ chức tín dụng (TCTD) đã rà soát, xem lại những đối tượng ảnh hưởng và từ đó gửi nhiều ý kiến lên VNBA về những vướng mắc liên quan đến một số quy định tại Luật BVQLNTD năm 2023 cũng như dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật.

Theo bà Nguyễn Thị Phương - Phó Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng (thuộc VNBA), có 6 góp ý đối với vướng mắc tại Luật và 16 góp ý đối với dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật.Trong đó nổi lên là vấn đề Hợp đồng theo mẫu (HĐTM). Đơn cử như: Kiểm soát HĐTM, điều kiện giao dịch chung; Yêu cầu chung đối với HĐTM, điều kiện giao dịch chung; Phạm vi thẩm định HĐTM, điều kiện giao dịch chung; Hoàn thành việc đăng ký, đăng ký lại HĐTM; Thẩm quyền kiểm soát HĐTM; Hủy bỏ, sửa đổi HĐTM, điều kiện giao dịch chung theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về BVQLNTD; Hợp đồng giao kết với người tiêu dùng (NTD); Điều khoản không được phép quy định trong hợp đồng giao kết với NTD; Hợp đồng cung cấp dịch vụ liên tục…

Chẳng hạn, về phạm vi thẩm định HĐTM, điều kiện giao dịch chung, Điều 11 dự thảo Nghị định quy định: “Cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 15 của Nghị định này thẩm định HĐTM, điều kiện giao dịch chung đối với các nội dung sau: … 2. Nội dung không được phép quy định tại Điều 25 của Luật BVQLNTD”. Phó Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng đề nghị cụ thể hóa khoản 4 Điều 25 Luật BVQLNTD đối với trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh đơn phương thay đổi quy định của hợp đồng đã giao kết với NTD theo hướng mang lại lợi ích cho NTD.

Hay liên quan đến thực hiện HĐTM, khoản 3 Điều 26 Luật BVQLNTD hiện hành đã bổ sung thêm quy định yêu cầu HĐTM phải được công khai theo hình thức niêm yết ở vị trí dễ nhìn thấy tại trụ sở, địa điểm kinh doanh và đăng tải trên trang thông tin điện tử, phần mềm ứng dụng (nếu có) để NTD biết về nội dung của hợp đồng trước khi NTD giao kết hợp đồng hoặc thực hiện hoạt động đặt cọc, thanh toán trước khi hợp đồng được giao kết. Tuy nhiên, trong hoạt động ngân hàng, các hợp đồng mẫu tương đối nhiều, nếu niêm yết tại trụ sở, địa điểm kinh doanh thì không khả thi. Ngoài ra, Luật BVQLNTD đã yêu cầu niêm yết tại trang thông tin điện tử rồi thì việc yêu cầu đồng thời tại trụ sở, địa điểm kinh doanh là không cần thiết và tăng chi phí vận hành cho TCTD phải niêm yết dưới cả 2 hình thức…

Cần hài hòa lợi ích

Tại Tọa đàm các ý kiến cũng đề nghị làm rõ đối tượng “Tổ chức, cá nhân kinh doanh” theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật BVQLNTD (Phạm vi, giới hạn của cá nhân, tổ chức cụ thể là như thế nào? Nếu là tổ chức thì là DN, Hiệp hội, các tổ chức phi lợi nhuận hay các tổ chức khác…).

Các TCTD cũng băn khoăn với quy định tại Điều 15 về Bảo vệ thông tin của NTD. Theo các TCTD, hiện đang có quá nhiều văn bản liên quan đến dữ liệu cá nhân của khách hàng và do là ngành đặc thù nên NHNN và Chính phủ cũng đã có các quy định cụ thể đối với riêng ngành Ngân hàng. Thêm điều khoản này nữa sẽ gây chồng chéo giữa các luật, nghị định, thông tư với nhau.

Đối với quy định về BVQLNTD dễ bị tổn thương, khẳng định đây là nội dung mới, tuy nhiên theo đại diện các TCTD, chỉ có thể nhận diện nếu khách hàng đến giao dịch trực tiếp và ngược lại sẽ rất khó để xác định nếu thực hiện giao dịch trên không gian mạng.

Tham khảo từ các ngân hàng quốc tế và dẫn chứng thực tế đã diễn ra, đại diện khối Ngân hàng nước ngoài cũng đã chỉ ra một số điểm vướng mắc cần được tháo gỡ. Cụ thể, đối với nhóm khách hàng tổ chức, hầu hết sẽ là DN, còn lại một số không phải là DN, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận nhưng vẫn có những hoạt động như mở tài khoản. Vậy những nhóm khách hàng này sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh nào của Luật, bởi điều này quyết định đến việc soạn thảo hợp đồng mẫu sau này.

Về ngôn ngữ áp dụng tại Hợp đồng (Điều 23), đại diện khối Ngân hàng nước ngoài đề xuất nên để một ngôn ngữ chính, trong trường hợp có tranh chấp vì tòa án sẽ không đứng ra xem xét cả 2 ngôn ngữ cùng một lúc.

Đại diện TPBank cho rằng, nên xây dựng theo hướng Nghị định tạo ra hành lang khung, sau đó có hướng dẫn cụ thể đối với đặc thù của từng ngành nghề như chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng… để tránh câu chuyện một số điều luật đi vào chi tiết nhưng lại không đầy đủ, bao quát được từng ngành nghề.

Khẳng định ngân hàng là ngành đặc thù, có sự giám sát của NHNN với tiêu chuẩn rất cao của ngành tài chính, thể hiện trong các quy định, nghị định liên quan và Thông tư hướng dẫn, đều có điều khoản về bảo vệ NTD, đại diện Vụ Thanh toán (NHNN) đề nghị, sau Tọa đàm này, sẽ tiếp tục có thêm các buổi trao đổi để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của các TCTD, bảo đảm các quy định không tạo thêm gánh nặng cho các TCTD.

Bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công Thương cho biết, hiện Ủy ban đang triển khai xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật BVQLNTD. Theo Kế hoạch, dự thảo Nghị định sẽ gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ xem xét vào tháng 12/2023.

Thanh Thanh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/trien-khai-luat-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-ngan-hang-phan-anh-nhieu-vuong-mac-post494992.html