Triển khai Nghị định 100: Thái Nguyên và phương châm đặc biệt '4 không' (kỳ 3)

Từ khi triển khai thi hành đến nay, việc đẩy mạnh xử phạt các vi phạm Nghị định 100 về nồng độ cồn luôn được dư luận quan tâm. Suốt hơn 4 năm qua, đã có nhiều luồng ý kiến cho rằng quy định về xử lý nồng độ cồn theo Nghị định 100 là quá nghiêm khắc, đặc biệt câu hỏi 'Nên có vùng xanh trong xử lý vi phạm về nồng độ cồn?'.

Từ khi triển khai thi hành đến nay, việc đẩy mạnh xử phạt các vi phạm Nghị định 100 về nồng độ cồn luôn được dư luận quan tâm. Suốt hơn 4 năm qua, đã có nhiều luồng ý kiến cho rằng quy định về xử lý nồng độ cồn theo Nghị định 100 là quá nghiêm khắc, đặc biệt câu hỏi “Nên có vùng xanh trong xử lý vi phạm về nồng độ cồn?” được nhiều người quan tâm.

Lái xe sau khi uống rượu, bia được xem là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông (TNGT). Như chúng tôi nhắc đến trước đó, ước tính có đến có 36,9% trường hợp TNGT liên quan đến rượu, bia. Đánh giá của lực lượng chức năng có đề cập đến vai trò của chủ các quán ăn, nhà hàng trong công tác phối hợp tuyên truyền thực hiện “đã uống rượu, bia không lái xe”. Thực tế, khi triển khai Nghị định 100, Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh đã phối hợp với công an các địa phương tổ chức tuyên truyền, ký cam kết đối với các chủ nhà hàng, quán karaoke, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn về quy định về xử phạt vi phạm nồng độ cồn.

Những nội dung này đều được chủ các cơ sở thực hiện tương đối hiệu quả. Tuy nhiên, một nội dung cam kết khác khá "khó" thực hiện là việc nếu nhà hàng phát hiện khách đã sử dụng rượu, bia mà vẫn cố tình điều khiển xe thì báo cho cơ quan chức năng gần nhất biết để xử lý. Đây là nội dung tương đối tế nhị, liên quan đến mối quan hệ giữa chủ nhà hàng và khách, cũng như có thể ảnh hưởng đến kinh doanh của quán, nên số trường hợp báo cho cơ quan chức năng gần như chỉ “đếm trên đầu ngón tay”.

Một yếu tố khác khiến nhiều người vẫn “tự tin” sử dụng rượu, bia rồi lái xe là sự tồn tại của các hội nhóm “báo chốt”. Các nhóm này được lập kín đáo trên mạng xã hội với cả nghìn thành viên mỗi nhóm. Thành viên sẽ thông báo vị trí chốt tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm nồng độ cồn để tránh. Hành vi này không chỉ gây ảnh hưởng tới hoạt động của lực lượng Công an mà còn là hành vi tiếp tay, khiến cho nhiều lái xe chủ quan, không chấp hành Luật Giao thông đường bộ, tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT.

Trên thực tế, chính sự thiếu phối hợp của chủ các quán ăn, nhà hàng; các hội nhóm “báo chốt”, cộng thêm ý thức của người tham gia giao thông đã khiến vi phạm về nồng độ cồn không chỉ không giảm mà có thời điểm còn gia tăng. Đặc biệt, có những lái xe đã vi phạm nhiều lần.

Trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn, lực lượng Cảnh sát giao thông gặp không ít khó khăn, như: Người vi phạm không hợp tác; nhiều trường hợp, người vi phạm say rượu, bia không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn hoặc thổi không đủ khí buộc cán bộ, chiến sĩ phải hướng dẫn, kiểm tra nhiều lần. Nghiêm trọng hơn, có trường hợp lăng mạ, đe dọa lực lượng thực thi nhiệm vụ…

Bên cạnh đó, nhiều đối tượng khi thấy tổ kiểm tra nồng độ cồn thì điều khiển xe quay đầu hoặc chạy tốc độ cao để “thông chốt”, trốn tránh việc kiểm tra của cơ quan chức năng.

Đơn cử như trường hợp lái xe Phạm Quang Ngôi, sinh năm 1998, trú tại xã Yên Ninh (Phú Lương). Ngày 30/10/2023, Ngôi điều khiển ô tô tải mang biển kiểm sát 20H-007.91 đến Km83+600 trên Quốc lộ 3. Khi qua tổ dân phố Giang Tiên, thị trấn Giang Tiên (Phú Lương), được lực lượng Cảnh sát giao thông dừng xe, yêu cầu hạ kính xe để đo nồng độ cồn, Ngôi bất ngờ tăng ga bỏ chạy. Trong quá trình truy bắt đối tượng, lực lượng Cảnh sát giao thông đã bắn 3 phát súng chỉ thiên nhưng đối tượng vẫn tiếp tục bỏ chạy thêm 2km thì bị lực lượng chức năng áp sát, dừng xe và khống chế. Qua kiểm tra nồng độ cồn, lực lượng Cảnh sát giao thông xác định Phạm Quang Ngôi vi phạm ở mức 0,311mg/lít khí thở. Ngôi bị khởi tố hình sự và chịu mức án 9 tháng tù về hành vi “Chống người thi hành công vụ”.

Điều đáng nói là tình trạng chống người thi hành công vụ khi vi phạm về nồng độ cồn có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây.

Hiện nay, lực lượng chức năng có thẩm quyền xử phạt vi phạm nồng độ cồn còn mỏng, chủ yếu là Cảnh sát giao thông từ cấp huyện trở lên, các lực lượng khác chỉ phối hợp và không có thẩm quyền xử lý. Công an cấp xã không có thẩm quyền này.

Theo báo cáo của Bộ Công an, từ tháng 6-2022 đến tháng 12-2023, số người chết và bị thương vì TNGT đường bộ liên quan đến rượu, bia chiếm 20% tổng số người chết và bị thương do TNGT đường bộ, trong số đó 80% là lỗi do người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu, bia gây ra.

Thống kê cũng cho thấy, qua việc lực lượng Công an xử lý nghiêm nồng độ cồn, năm 2023 số người chết do TNGT giảm gần 2.000 trường hợp so với năm 2022. Nhờ đó, hàng nghìn gia đình không mất người thân, hàng nghìn trẻ em không bị mồ côi, bố mẹ không bị mất con và cũng giảm hàng nghìn người không phải vào vòng lao lý do gây TNGT. Những con số trên là minh chứng rõ nét nhất cho hiệu quả của Nghị định 100 đối với xã hội.

Dù vậy, trong suốt hơn 4 năm triển khai Nghị định 100 và ngay cả trong thời gian Quốc hội bàn thảo về dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, trong đó có nội dung đề xuất cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, những ý kiến về việc nên để “vùng xanh” trong xử lý vi phạm vẫn gây tranh cãi trên nhiều diễn đàn.

Hệ lụy từ các vụ tai nạn giao thông do người uống rượu, bia gây ra là không thể đo đếm. Chỉ một sai lầm nhỏ, mọi sự ân hận đều sẽ trở nên muộn màng. Do đó, việc quy định nồng độ cồn với tài xế bằng không là hoàn toàn cần thiết và phù hợp trong bối cảnh hiện nay, để từ đó xây dựng ý thức cho mỗi người khi tham gia giao thông, hình thành văn hóa giao thông “đã uống rượu bia, không lái xe”.

Cũng theo ông Phạm Quang Anh, sau khi Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực thi hành (từ ngày 01/01/2025), Ban An toàn giao thông tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương và lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động người tham gia giao thông nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật; kết hợp giữa tuyên truyền, vận động với công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm, không có vùng cấm đối với các trường hợp vi phạm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, góp phần vào việc kiềm chế và giảm tai nạn giao thông.

TNĐT

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/multimedia/emagazine/202408/trien-khai-nghi-dinh-100-thai-nguyen-va-phuong-cham-dac-biet-4-khong-ky-3-d0c1f67/