Triển khai nhiệm vụ ngành Công Thương 6 tháng cuối năm 2023
Ngày 4/7, Sở Công Thương tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá tình hình hoạt động của ngành 6 tháng đầu năm 2023 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhiều biến động. Trong quý I, hoạt động sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn, giá trị đạt thấp so với cùng kỳ. Điểm sáng trong quý là hoạt động khai thác apatit tăng trưởng khá cao.
Bước sang quý II, các đơn vị đã nỗ lực đổi mới, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tích cực tìm kiếm thị trường. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng so với quý I với cả ba lĩnh vực khai thác, chế biến và điện nước; đặc biệt, các dự án khai thác, tuyển, luyện đồng hoạt động ổn định, sản lượng sản xuất và tiêu thụ khá cao.
Lĩnh vực năng lượng hiện có 72 dự án đã hoàn thành phát điện với tổng công suất lắp máy 1.138,85MW, tăng 2 nhà máy so với năm trước; sản lượng của các nhà máy thủy điện đạt 1.234,98 triệu kWh, bằng 37,42% so với kế hoạch năm. Nguồn điện phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm tương đối ổn định.
Giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đạt 20.207 tỷ đồng, bằng 40% so với kế hoạch và bằng 91% so với cùng kỳ năm 2022.
Hoạt động thương mại, dịch vụ phục hồi mạnh mẽ và ổn định, có nhiều chính sách kích cầu, tăng cường quảng bá, nâng cao chất lượng dịch vụ, hoạt động du lịch, với nhiều chuỗi sự kiện văn hóa, du lịch hấp dẫn nên lượng khách du lịch tăng cao, kéo theo các dịch vụ tăng mạnh. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh thương mại đã tập trung triển khai tốt việc dự trữ, khai thác nguồn hàng, phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân; đồng thời triển khai nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn góp phần kích cầu tiêu dùng. Nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm dồi dào, đáp ứng nhu cầu của đời sống và Nhân dân trong tỉnh.
Tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội 6 tháng đạt 18.156,7 tỷ đồng, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm trước, bằng 52,8% so với kế hoạch năm.
Hoạt động xuất - nhập khẩu 6 tháng đầu năm vẫn gặp khó khăn và các ngành chức năng đã đẩy mạnh thực hiện cải cách, phát triển và hiện đại hóa hải quan, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, giảm thiểu tối đa thời gian và chi phí cho doanh nghiệp khi tham gia hoạt động xuất - nhập khẩu. Tổng giá trị xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu 6 tháng đạt 945,04 triệu USD, bằng 91,06% so với cùng kỳ 2022, đạt 18,9% kế hoạch năm.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận chỉ rõ một số khó khăn, hạn chế như: thiếu nguyên liệu và giá không ổn định; chi phí đầu vào tăng trong khi giá bán sản phẩm giảm; thị trường xuất khẩu không ổn định, hàng tồn kho của một số ngành sản xuất công nghiệp chính ở mức cao; công tác thực hiện các thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng của các dự án trọng điểm còn nhiều vướng mắc; một số địa phương chưa quan tâm bố trí kinh phí để thực hiện công tác khuyến công cấp huyện năm 2023 và chậm triển khai việc tham mưu thành lập mới cụm công nghiệp; một số dự án thủy điện đã được cấp chủ trương đầu tư nhưng chưa khởi công, các dự án đang khảo sát lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ pháp lý nhưng vướng mắc về thủ tục đất, đền bù giải phóng mặt bằng...
Về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023, Sở Công Thương sẽ tập trung triển khai hiệu quả Đề án số 2 về phát triển dịch vụ, kinh tế cửa khẩu tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 - 2025 và 2 đề án thành phần; Kế hoạch 358/KH-UBND ngày 28/10/2022 phát triển khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2030; xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành Công thương giai đoạn đến năm 2030; phối hợp với các ngành, địa phương, đơn vị triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá và tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, chủ lực của tỉnh, mở rộng thị trường trong và ngoài nước, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả trong sản xuất công nghiệp; phối hợp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tổ chức Hội nghị kết nối giao thương doanh nghiệp Trung - Việt năm 2023...