Triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ đàn gia súc

Do thời tiết bất lợi, mưa rét kéo dài, nhất là sau đợt lũ lớn vừa qua, dịch bệnh trên đàn gia súc có diễn biến phức tạp. Trước tình hình này, các ngành chức năng trong tỉnh đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh và đói rét cho đàn vật nuôi, đặc biệt trên đàn trâu, bò.

 Một con bò bị bệnh viêm da nổi cục ở xã Trung Nam, Vĩnh Linh đang được chăm sóc, theo dõi - Ảnh: Đ.V.A

Một con bò bị bệnh viêm da nổi cục ở xã Trung Nam, Vĩnh Linh đang được chăm sóc, theo dõi - Ảnh: Đ.V.A

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, từ đầu năm 2020 đến nay, các loại dịch bệnh nguy hiểm ở động vật đã xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố và đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, nhất là bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP), bệnh cúm gia cầm (CGC), bệnh lở mồm long móng (LMLM). Từ giữa tháng 10/2020 đến nay, dịch bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu bò lần đầu tiên xâm nhiễm vào Việt Nam. Đến nay cả nước có 110 ổ dịch xảy ra tại 41 huyện của 15 tỉnh, thành phố, trong đó có Quảng Trị.

Theo ông Đào Văn An, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) tỉnh, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra các dịch bệnh nguy hiểm trên vật nuôi như: Dịch LMLM gia súc đã xảy ra tại 9 xã của 5 huyện: Cam Lộ, Gio Linh, Đakrông, Vĩnh Linh và Triệu Phong với 328 con trâu, bò mắc bệnh; dịch bệnh CGC xảy ra tại xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh trên 5 đàn gia cầm có độ tuổi từ 1-2 tháng của 5 hộ chăn nuôi với tổng đàn 3.205 con; bệnh DTLCP vẫn tiếp tục xảy ra và tái phát nhiều lần tại 48 xã của 5 huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, Cam Lộ và thị xã Quảng Trị với số lợn bệnh phải tiêu hủy là 1.563 con (trong đó có 323 con lợn nái, 843 con lợn thịt, 397 con lợn sữa), tổng trọng lượng tiêu hủy 77.143 kg. Đặc biệt, từ ngày 10-19/12/2020 đã phát hiện dịch bệnh VDNC trên bò tại thôn Huỳnh Công Tây, xã Vĩnh Tú (1 con) và thôn Thủy Trung, xã Trung Nam, huyện Vĩnh Linh (7 con), số bò bị tiêu hủy là 3 con. Với tình hình diễn biến dịch bệnh phức tạp và thời tiết bất lợi, việc vận chuyển gia súc, gia cầm tăng cao để phục vụ nhu cầu thực phẩm cho các lễ hội, Tết Nguyên đán Tân Sửu thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong thời gian tới là rất cao.

Ông Đào Văn An cho biết thêm, Chi cục CN&TY đã thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 8711/CT-BNN-TY ngày 11/12/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm vụ đông xuân, cùng với các địa phương trong toàn tỉnh chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống đói, rét cho vật nuôi theo công văn số 8675/BNN-CN ngày 10/12/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT và công văn số 5913/ UBND-NN ngày 23/12/2020 của UBND tỉnh. Hiện UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tập trung chỉ đạo các địa phương đang có dịch bệnh gia súc, gia cầm thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định; tiến hành vệ sinh, tiêu độc, khử trùng ổ dịch; xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để dịch lây lan, dây dưa kéo dài. Trường hợp ổ dịch có nguy cơ phát sinh, lây lan diện rộng cần công bố dịch và tổ chức chống dịch theo đúng quy định của Luật Thú y.

Tại công văn số 5913/UBND-NN, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các địa phương thành lập các đoàn kiểm tra, hướng dẫn áp dụng các biện pháp hiệu quả để phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi. Chú trọng hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng dịch là chính; áp dụng nghiêm các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học; chủ động vệ sinh, tiêu độc khử trùng phòng dịch. Thông tin kịp thời về diễn biến thời tiết, dịch bệnh; phổ biến các biện pháp và kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh và phòng, chống đói rét cho vật nuôi để người dân áp dụng. Rà soát, kịp thời tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho gia súc, gia cầm; phòng, chống dịch theo khuyến cáo của cơ quan thú y.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không khai báo để dịch lây lan trên diện rộng, gây thiệt hại kinh tế và bức xúc trong cộng đồng. Tổ chức cho người chăn nuôi thực hiện việc kê khai đăng ký chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi, Nghị định số 13/2020/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 23/2019/TTBNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Tổ chức triển khai tháng tổng vệ sinh, sát trùng từ ngày 20/12/2020-20/1/2021 để tiêu diệt các loại mầm bệnh ở môi trường, nhất là những nơi có mật độ chăn nuôi cao, các điểm tập kết, buôn bán, giết mổ động vật ở địa bàn thường xuyên xảy ra dịch bệnh.

Vừa qua, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện bệnh VDNC xảy ra đối với 8 con bò tại thôn Huỳnh Công Tây, xã Vĩnh Tú và thôn Thủy Trung, xã Trung Nam, huyện Vĩnh Linh, 3 con đã bị tiêu hủy, số còn lại đang được chăm sóc, theo dõi. Ngày 23/12/2020, UBND tỉnh có công văn số 5914/UBND-NN về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh VDNC trên trâu, bò. Trong đó nhấn mạnh, đối với các địa phương đang có ổ dịch VDNC trên trâu, bò tập trung các nguồn lực và áp dụng đồng bộ các giải pháp để kiểm tra, xử lý dứt điểm các ổ dịch; không để các ổ dịch lây lan và phát sinh ổ dịch mới. Hằng ngày báo cáo đầy đủ tình hình dịch bệnh, công tác phòng, chống cho các cơ quan chuyên ngành thú y và chính quyền các cấp.

Đối với các địa phương chưa có dịch, địa phương có nguy cơ cao, tổ chức rà soát, thống kê các hộ chăn nuôi trâu, bò để hướng dẫn người chăn nuôi giám sát, kịp thời phát hiện các trường hợp gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng nghiêm túc các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, vệ sinh, sát trùng, diệt côn trùng, ruồi, muỗi, ve, mòng…tại khu vực chăn nuôi; bổ sung chất dinh dưỡng, khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho gia súc. Các sở, ban, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc trên địa bàn tỉnh; ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc trái phép, nhất là thời điểm giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu sắp tới.

Đan Tâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=154496