Triển khai quyết liệt Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS

Chương trình Mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được triển khai quyết liệt tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã góp phần giúp cho miền núi tỉnh này ngày càng thay da đổi thịt

Sáng cuối năm, tiết trời se lạnh nhưng nông dân trẻ Nguyễn Hải Teo ở xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới vẫn cặm cụi trong vườn chuối của gia đình. Nơi đây, hàng ngàn gốc chuối già lùn đang trong thời kỳ thu hoạch. Nhiều năm qua, chuối già lùn của người dân huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế đã trở thành sản phẩm hàng hóa được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Không chỉ tiêu thụ tại địa phương, chuối già lùn A Lưới còn được bày bán tại nhiều siêu thị ở thành phố Huế và các địa phương lân cận. Từ khi được công nhận là sản phẩm OCOP, chuối già lùn lại càng có giá trị cao hơn, sản phẩm không đủ cung cấp ra thị trường, trở thành cây xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở A Lưới. Tại huyện vùng cao này, hộ trồng ít cũng có vài ba trăm gốc, hộ nhiều thì từ 2 héc ta đến 3 héc ta chuối.

Người dân miền núi Thừa Thiên Huế đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt

Người dân miền núi Thừa Thiên Huế đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt

Anh Nguyễn Hải Teo cho biết: Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vườn chuối nhà anh luôn đạt chất lượng, được các thương lái đến thu mua tận vườn, mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng. “Theo chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của UBND huyện, năm 2018, tôi cũng mạnh dạn đầu tư trồng 200 cây chuối, đến nay đã mở rộng diện tích lên 2 ngàn cây. Trồng chuối thì không lo đầu ra vì có thương lái đến tận vườn thu mua. Ngoài cây chuối tôi nuôi thêm heo hữu cơ và trồng keo tràm nhờ đó mà thu nhập khá”, anh Nguyễn Hải Teo nói.

Chăn nuôi bò cũng là một trong những mô hình sinh kế giúp người dân vùng cao A Lưới xóa đói, giảm nghèo. Thực hiện Đề án phát triển đàn bò giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu mỗi năm phát triển thêm 300 con, đến nay, đàn bò vàng A Lưới đã tăng lên hơn 11.000 con. Cuối tháng 2 năm nay, sản phẩm “Thịt bò càng A Lưới” đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu tập thể. Đây là cơ sở để người chăn nuôi bò ở huyện vùng cao này khai thác tiềm năng sẵn có, tiến tới sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, giảm nghèo bền vững từ chăn nuôi. Kết hợp chăn nuôi bò và trồng các loại cây dược liệu như sâm Bố Chính, cà gai leo, gia đình anh Hồ Văn Như, Trưởng thôn Pi Ây 1, xã Quảng Nhâm không chỉ xóa được nghèo mà còn vươn lên khá giả.

Chuối già lùn của nông dân huyện A Lưới

Chuối già lùn của nông dân huyện A Lưới

“Được sự hỗ trợ từ Đề án chăn nuôi bò của huyện thì gia đình mở rộng chăn nuôi bò để tăng thu nhập. Còn cây sâm thì gia đình tôi bắt đầu trồng từ năm 2022. Năm nay, cây sâm phát triển tốt cho hiệu quả kinh tế khá cao nên tổng thu nhập của gia đình tôi đạt hơn 200 triệu đồng. Thời gian tới, nếu có sự hỗ trợ của doanh nghiệp và địa phương thì tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng sâm để tăng hiệu quả kinh tế”, anh Hồ Văn Như tâm sự.

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với nhiều giải pháp sáng tạo, linh hoạt, bộ mặt nông thôn, miền núi của xã Quảng Nhâm, địa phương có 98% dân số là đồng bào các dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu của huyện A Lưới đã có nhiều thay đổi. Từ các mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ, nuôi bò, heo, trồng cây dược liệu… đến nay, kinh tế xã hội của xã đã phát triển ổn định, người dân tự ý thức vươn lên thoát nghèo và làm giàu, hạn chế trông chờ ỷ lại vào Nhà nước; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 37 triệu đồng/ năm.

Ông Hồ Văn Ngực, Chủ tịch UBND xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới cho biết, địa phương đang tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 25%.

“Chúng tôi tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025 đầu tư cho vùng miền núi, DTTS, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất bằng các mô hình chăn nuôi bò sinh sản, chăn nuôi heo an toàn sinh học, sản xuất cây trồng, cây dược liệu như sâm Bố Chính, cà gai leo... Cùng với đó, nâng cao năng lực của người dân để bà con tiếp cận được tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó nâng cao thu nhập, xóa nghèo bền vững”, ông Hồ Văn Ngực nói.

Trung tâm huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế (Ảnh: Văn Dũng)

Trung tâm huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế (Ảnh: Văn Dũng)

Trong những năm qua, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các chương trình khác. Huyện đã đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hỗ trợ nhà ở, đất ở, xây dựng các mô hình sinh kế… giúp người dân vươn lên thoát nghèo. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, địa phương xác định công tác giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân. Huyện phân công cấp ủy phụ trách trên từng lĩnh vực, địa bàn, giám sát việc thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững của chính quyền địa phương. Phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” phát động hơn một năm qua cũng đã khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo của bà con và phát huy vai trò, trách nhiệm của các dòng họ, bản, làng đối với hộ nghèo.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế thì Chương trình Mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi góp phần giúp huyện có thể đạt mục tiêu thoát khỏi diện nghèo vào năm 2025.

“Chúng tôi tiếp tục hỗ trợ, tạo sinh kế cho bà con, hỗ trợ việc làm cho thanh niên. Thứ 2 là tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó tập trung phát triển hạ tầng đường sản xuất để tạo giá trị gia tăng cho các sản phẩm cây trồng vật nuôi trên một đơn vị diện tích. Thứ 3 là tiếp tục tận dụng tối đa các nguồn lực của Trung ương, của tỉnh, nguồn vận động và xã hội hóa để xóa hơn 1.000 nhà tạm cho hộ nghèo và hộ cận nghèo còn lại. A Lưới sẽ quyết tâm nỗ lực để cùng cả tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong năm 2025”.

Tại huyện miền núi Nam Đông, nơi có gần 50% dân số là đồng bào Cơ Tu, trong năm qua, Chương trình Mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được Đảng bộ và chính quyền địa phương triển khai quyết liệt. Bằng các mô hình trồng cây ăn quả như cam, chuối, dứa ổi…, hay chăn nuôi gia súc, gia cầm, đời sống của người dân Nam Đông từng nước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể.

Nông sản của đồng bào Cơ Tu, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế

Nông sản của đồng bào Cơ Tu, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế

Ông Mai Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nam Đông khẳng định: “Hiện nay, huyện đang tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tới đây sẽ tập trung quy hoạch vùng, trong đó xã Hương Sơn tập trung phát triển cây dứa, xã Hương Hòa phát triển cây cam. Huyện ủy cũng đã ban hành Nghị quyết về trồng quế nguyên liệu, vận động bà con chuyển đổi diện tích trồng keo kém hiệu quả sang trồng quế. Một số vùng khác sẽ chuyển đổi qua trồng chuối, ổi, các loại cây có múi… Làm thế nào đó mỗi loại cây đều có sản phẩm có giá trị để nâng cao thu nhập cho người dân”.

Đến các huyện miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế những năm gần đây, điều dễ nhận thấy là cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, đường giao thông từ trung tâm huyện về các xã được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa giữa miền ngược và miền xuôi. Điều đáng mừng là nhiều sản phẩm OCOP, nông sản đặc trưng của bà con như chuối, dứa, cam, mật ong … đã có mặt tại nhiều cửa hàng, siêu thị tại thành phố Huế và các địa phương lân cận. Qua đó, giúp nâng cao giá trị hàng hóa nông sản vùng núi Thừa Thiên Huế.

Cam Nam Đông, sản phẩm OCOP của người dân miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế

Cam Nam Đông, sản phẩm OCOP của người dân miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế

Giai đoạn 2021-2025, từ chương trình Mục tiêu Quốc gia Phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các chương trình khác, tỉnh Thừa Thiên Huế được đầu tư 2.150 tỷ đồng để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.

Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cho biết: “Theo chuẩn mới, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn khá cao và toàn Đảng bộ phải phấn đấu, đặc biệt huyện A Lưới phải thoát khỏi 74 huyện nghèo quốc gia. Để đạt được kết quả giảm nghèo, những giải pháp đặt ra theo chỉ đạo của Thường vụ là giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho những thành viên có sức lao động của các hộ nghèo. Bên cạnh đó, việc xóa nhà tạm cho các hộ nghèo cũng được thực hiện. Như vậy việc tạo việc làm, tạo thu nhập là mục tiêu xuyên suốt trong giảm nghèo bền vững của tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung huy động nhiều nguồn lực, kể cả xã hội hóa để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Đây cũng là động lực để các huyện miền núi, vùng dân tộc thiểu số của tỉnh sớm đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững trong thời gian sớm nhất.

Kim Thu/VOV-miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/trien-khai-quyet-liet-chuong-trinh-phat-trien-kt-xh-vung-dong-bao-dtts-post1068133.vov