Triển khai thành công kỹ thuật can thiệp mạch máu ngoại biên

Khoa Nội Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng) thời gian qua được chuyển giao và ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật cao, hiện đại từ tuyến trên, phục vụ cho việc điều trị các bệnh lý phức tạp. Qua đó, giúp bảo vệ tính mạng, chăm sóc sức khỏe cho hàng trăm bệnh nhân; bệnh nhân không phải chuyển viện lên tuyến trên nên giảm được chi phí, thời gian điều trị. Theo đó, bệnh viện đã triển khai kỹ thuật can thiệp mạch máu ngoại biên (kỹ thuật hết sức cần thiết và quan trọng đối với việc điều trị các bệnh lý về mạch máu ngoại biên) vào tháng 10/2022.

Các bác sĩ hội chẩn trường hợp bệnh nhân mắc bệnh về mạch máu ngoại biên. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Trong những năm gần đây, số lượng bệnh nhân mắc bệnh về mạch máu ngoại biên nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng có chiều hướng tăng, đa phần phải chuyển lên tuyến trên mới có thể điều trị bằng kỹ thuật can thiệp. Chính vì thế, việc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng triển khai kỹ thuật can thiệp mạch máu ngoại biên với sự hỗ trợ chuyên môn từ ekip của Khoa Phẫu thuật tim mạch lồng ngực (Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh) là hết sức cần thiết.

Tiến sĩ, bác sĩ Trương Tú Trạch - Trưởng Khoa Nội Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng) cho hay: “Việc triển khai kỹ thuật can thiệp mạch máu ngoại biên là một kỹ thuật hết sức cần thiết và quan trọng đối với việc điều trị các bệnh lý về mạch máu ngoại biên và đặc biệt là hoại tử chi do biến chứng của bệnh lý tiểu đường hay thường gặp tại bệnh viện. Nhờ kỹ thuật này, giúp cho bệnh nhân được sử dụng phương pháp điều trị hiện đại và hạn chế phải cắt bỏ chi, gây tàn phế suốt đời. Bệnh nhân không phải chuyển viện lên tuyến trên nên giảm được chi phí, thời gian điều trị”.

Theo kế hoạch, Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ chuyên môn cho khoảng 30 ca tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng; sau đó, bệnh viện sẽ chính thức thực hiện kỹ thuật can thiệp mạch máu ngoại biên với nguồn lực tự có. Đến nay, có hàng chục bệnh nhân được điều trị thành công bằng kỹ thuật can thiệp mạch máu ngoại biên.

Được biết, mạch máu ngoại biên (mạch máu ngoại vi) là một phần của hệ thống tuần hoàn bao gồm các tĩnh mạch và động mạch nằm xa tim hoặc bụng, tức là các mạch máu đưa máu và chất dinh dưỡng đến các chi, như: tay, chân. Bệnh mạch máu ngoại biên xảy ra khi thành mạch tại đây bị tổn thương, có những mảng xơ vữa hoặc huyết khối làm tắc nghẽn, cản trở quá trình vận chuyển máu giàu oxy đến các chi và có thể ảnh hưởng đến động mạch cung cấp máu cho vùng đầu. Thông thường bệnh mạch máu ngoại vi sẽ làm tổn thương tại động mạch ở vùng tiểu khung, chân và bàn chân.

“Mặc dù không bao gồm các tổn thương ở động mạch cảnh (động mạch đưa máu lên não) hay động mạch vành (động mạch đưa máu đến tim) nhưng người bệnh vẫn có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ” - Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thanh Vỹ - Trưởng Khoa Phẫu thuật tim mạch lồng ngực (Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh) thông tin.

Và nếu bị xơ vữa mạch máu ngoại vi, bệnh nhân sẽ xuất hiện các biểu hiện điển hình như chuột rút ở vùng đùi, hông và bắp chân khi đi bộ, leo cầu thang hoặc dồn sức. Triệu chứng này sẽ đỡ khi nghỉ ngơi; cảm giác đau ở cơ, không phải ở khớp như các bệnh lý xương khớp; xuất hiện đau, tê bì ở bàn chân, bàn tay… Nếu các mảng xơ vữa hoặc cục máu đông lớn, người bệnh sẽ trải qua cảm giác đau, khó chịu tăng lên. Đây chính là thời điểm cần được can thiệp về y tế.

Có thể thấy, việc triển khai kỹ thuật can thiệp mạch máu ngoại biên là một bước đi đúng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng. Bởi vì, trước tình trạng bệnh về mạch máu ngoại biên ngày càng tăng cao, tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến Trung ương là không thể tránh khỏi; nếu như bệnh viện tuyến tỉnh triển khai được kỹ thuật này thì sẽ giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, giảm chi phí, thời gian điều trị cho bệnh nhân.

HOÀNG PHÚC

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/suc-khoe-va-doi-song/trien-khai-thanh-cong-ky-thuat-can-thiep-mach-mau-ngoai-bien-61300.html