Triển khai thẻ BHYT điện tử từ năm 2020

Gửi ý kiến đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, cử tri tỉnh Quảng Ninh đề xuất sớm triển khai thẻ BHYT điện tử để góp phần phát hiện, ngăn ngừa có hiệu quả tình trạng lạm dụng BHYT; lưu trữ thông tin, dữ liệu về mức hưởng, mức đóng, thông tin các lần khám, chữa bệnh trước đó của người bệnh; hạn chế tình trạng rách, hỏng thẻ BHYT.

Cử tri cũng đề nghị cơ quan chức năng có giải pháp thực hiện lộ trình nâng mức đóng BHYT phù hợp để bảo đảm đủ chi phí chữa bệnh cho người tham gia BHYT, xây dựng nhiều mức đóng BHYT theo các gói quyền lợi từ cơ bản đến nâng cao để tạo điều kiện cho người dân có thể lựa chọn mức đóng phù hợp.

Đồng thời, hoàn thiện quy định về giá dịch vụ y tế, phương thức thanh toán, phương pháp tính chi phí cho các cơ sở khám, chữa bệnh; rút ngắn quy trình thanh quyết toán để phù hợp với chính sách, quy định hiện hành như: Thông tuyến khám, chữa bệnh, cơ chế tự chủ tài chính của các cơ sở y tế… bảo đảm sự phát triển của hệ thống, mạng lưới.

Về vấn đề này, Bộ Y tế trả lời cử tri tỉnh Quảng Ninh như sau:

Về kiến nghị sớm triển khai thẻ BHYT điện tử, Chính phủ đã chỉ đạo BHXH Việt Nam sớm nghiên cứu triển khai thẻ BHYT điện tử. Bộ Y tế đã nhiều lần góp ý kế hoạch triển khai thẻ BHYT điện tử của BHXH Việt Nam. Hiện tại, ngoài các dữ liệu về hành chính thông thường, BHXH Việt Nam đang nghiên cứu để tích hợp các thông tin y tế cơ bản trên thẻ BHYT điện tử: Tiền sử bệnh tật, một số bệnh hiếm gặp…; tích hợp các thông tin về lao động như: BHXH, BHTN…; tích hợp một số thông tin để có thể liên kết với các thẻ tín dụng ngân hàng để có thể thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.... Theo chỉ đạo của Chính phủ, BHXH Việt Nam sẽ triển khai thẻ BHYT điện tử từ ngày 1/1/2020.

Đối với việc nâng mức đóng: Theo tính toán, trên cơ sở thu BHYT hàng năm và kết dư quỹ BHYT thì từ nay đến hết năm 2020 quỹ BHYT vẫn bảo đảm cân đối thu – chi, đáp ứng với nhu cầu khám chữa bệnh của người dân và lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Bộ Y tế xin ghi nhận kiến nghị của cử tri và sẽ phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu, đánh giá tác động của việc điều chỉnh mức đóng BHYT để trình Chính phủ điều chỉnh mức đóng theo lộ trình phù hợp.

Đối với việc xây dựng nhiều mức đóng khác nhau: Theo Luật BHYT hiện hành thì BHYT mang tính xã hội, các đối tượng tham gia bắt buộc theo Luật định, có sự chia sẻ giữa các đối tượng tham gia, Nhà nước hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần mức đóng đối với nhóm ưu đãi xã hội, người nghèo, dân tộc thiểu số, bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe cho mọi người.

Ý kiến của cử tri về việc xây dựng nhiều mức đóng BHYT theo các gói quyền lợi từ cơ bản đến nâng cao để tạo điều kiện cho người dân có thể lựa chọn mức đóng phù hợp sẽ được nghiên cứu, đánh giá, đề xuất điều chỉnh trong quá trình xây dựng Luật BHYT sửa đổi, bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội và công bằng trong chăm sóc sức khỏe đối với tất cả mọi người, trong đó có đối tượng ưu đãi xã hội, đối tượng chính sách, người nghèo, người dân tộc thiểu số.

Việc đa dạng mức đóng, đa dạng mức hưởng, gói quyền lợi BHYT cũng đã được xác định trong Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương ương Đảng Khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Theo đó, sẽ thực hiện: “Đa dạng các gói BHYT. Tăng cường liên kết, hợp tác giữa BHYT xã hội với BHYT thương mại”.

Kiến nghị hoàn thiện quy định về giá dịch vụ y tế, phương thức thanh toán, phương pháp tính chi phí cho các cơ sở khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đang thực hiện xây dựng các quy định về giá dịch vụ y tế, phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo quy định của Luật giá, Luật BHYT. Đồng thời, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch sửa đổi Luật BHYT, trong quá trình soạn thảo Luật sửa đổi, Bộ Y tế sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để sửa đổi các quy định về BHYT cho phù hợp và đồng bộ.

Chinhphu.vn

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/tra-loi-cong-dan/trien-khai-the-bhyt-dien-tu-tu-nam-2020/375076.vgp