Triển khai thí điểm nền tảng cửa khẩu số

Tháng 2-2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 37/KH-UBND về chuyển đổi số toàn diện tỉnh năm 2023, trong đó giao Cục Hải quan tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai nền tảng cửa khẩu số. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Cục Hải quan tỉnh đang nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm phấn đấu đến cuối năm 2023, nền tảng cửa khẩu số sẽ được áp dụng thí điểm tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Cầu Bắc Luân II) theo lộ trình của Tổng cục Hải quan và tỉnh.

Dự kiến cuối năm 2023, nền tảng cửa khẩu số sẽ được triển khai thí điểm ở Cửa khẩu cầu Bắc Luân II (TP Móng Cái). Ảnh: Hữu Việt

Dự kiến cuối năm 2023, nền tảng cửa khẩu số sẽ được triển khai thí điểm ở Cửa khẩu cầu Bắc Luân II (TP Móng Cái). Ảnh: Hữu Việt

Là đơn vị chủ trì, Cục Hải quan tỉnh đã tổ chức tiếp nhận, nghiên cứu các tài liệu, phần mềm về nền tảng cửa khẩu số của tỉnh từ Sở TT&TT, VNPT Quảng Ninh (những đơn vị được UBND tỉnh giao chủ trì, nghiên cứu xây dựng nền tảng cửa khẩu số trong năm 2022). Đồng thời, tổ chức khảo sát thực hiện công tác triển khai nền tảng cửa khẩu số tại cửa khẩu Quốc tế Hữu nghị và cửa khẩu phụ Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn); làm việc với Cục Giám sát quản lý (Cục CNTT, Tổng Cục Hải quan) để nắm bắt chủ trương, quan điểm của ngành về việc xây dựng mô hình cửa khẩu số.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu và khảo sát thực tiễn, hiện tại Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng dự thảo Mô hình cửa khẩu số áp dụng thí điểm tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Cầu Bắc Luân II) trên cơ sở kế thừa những kết quả nghiên cứu ban đầu của Sở TT&TT cùng các ngành chức năng trong tỉnh. Đồng thời, tổ chức rút kinh nghiệm và khắc phục những tồn tại của nền tảng cửa khẩu số đang được áp dụng tại tỉnh Lạng Sơn; tiếp thu chủ trương của ngành Hải quan về việc xây dựng mô hình cửa khẩu số, cửa khẩu thông minh. Hiện dự thảo mô hình cửa khẩu số đang lấy ý kiến tham gia của các ngành chức năng trong tỉnh.

Ông Bùi Ngọc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh cho biết: Dự thảo Mô hình cửa khẩu số áp dụng thí điểm tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Cầu Bắc Luân II) được triển khai theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2023-2025): Thực hiện cho phương tiện vận tải chờ hàng hóa XNK khi vào khu vực cửa khẩu khai báo trên hệ thống phần mềm cửa khẩu số (hệ thống sẽ tự động tiếp nhận thông tin khai báo của người khai Hải quan). Toàn bộ thông tin khai báo sẽ được hệ thống chuyển tới các vị trí công tác của các lực lượng chức năng, doanh nghiệp kinh doanh cảng để triển khai thực hiện phần chức năng, nhiệm vụ của mình. Cơ quan Hải quan sẽ xác nhận hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đủ điều kiện qua khu vực giám sát hải quan sau khi các ngành chức năng đã hoàn tất các công việc của đơn vị mình. Đồng thời phần mềm cửa khẩu số có tính mở để kết nối, truyền nhận, chia sẻ thông tin với phần mềm quản lý của các ngành chức năng tại cửa khẩu. Qua đó giúp doanh nghiệp chỉ thực hiện khai báo một lần và công chức các ngành chỉ thao tác một lần trong việc thực hiện thủ tục đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh. Giai đoạn 2 (dự kiến từ năm 2025) sẽ kết nối, hoàn thiện mô hình theo định hướng của Tổng Cục Hải quan trên tinh thần tại khu vực cửa khẩu được trang bị các hệ thống trang thiết bị hiện đại như Barie điện tử, cân điện tử, camera nhận dạng… để hỗ trợ cho việc thực hiện thủ tục đối với hàng hóa XNK, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh được thực hiện nhanh chóng và thuận lợi nhất.

Hoạt động XNK qua Cửa khẩu cầu Bắc Luân II (TP Móng Cái). Ảnh: Hữu Việt

Hoạt động XNK qua Cửa khẩu cầu Bắc Luân II (TP Móng Cái). Ảnh: Hữu Việt

Nhằm đảm bảo việc vận hành nền tảng cửa khẩu số được hiệu quả, Cục Hải quan tỉnh sẽ xây dựng bài toán nghiệp vụ tổng thể mới trên cơ sở khắc phục những tồn tại, hạn chế, chồng lấn về chức năng nhiệm vụ đã được làm rõ tại Lạng Sơn. Đồng thời, thực hiện quản trị hệ thống, chia sẻ đúng, đủ dữ liệu cho từng lực lượng tại cửa khẩu để đảm bảo thực hiện đúng nhiệm vụ của từng đơn vị. Tuy nhiên, đơn vị cũng mong muốn, tỉnh và địa phương sớm quy hoạch, bố trí vị trí đất trong khu vực cửa khẩu để đơn vị lắp đặt, trang bị các thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác quản lý hàng hóa XNK, phương tiện xuất nhập cảnh và thực hiện phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Đánh giá về cách thức triển khai nền tảng cửa khẩu số của Cục Hải quan tỉnh, ông Vũ Bùi Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty Tiếp vận Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (SME Logistics) cho biết: Việc triển khai đề án sử dụng nền tảng cửa khẩu số trong quản lý điều hành hoạt động XNK hàng hóa và phương tiện xuất nhập cảnh các tỉnh biên giới sẽ giúp minh bạch các thông tin về thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp. Chúng tôi cũng rất phấn khởi khi biết Quảng Ninh sẽ triển khai thí điểm mô hình này. Nhưng vì là thí điểm nên cần có cơ chế đặc thù và nên lựa chọn các doanh nghiêp có khả năng “số hóa” như doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp chế xuất. Mặt khác, cần phân định cho từng loại phương tiện ra vào cửa khẩu (xuất khẩu, nhập khẩu, sang tải, ưu tiên); bảo mật tối đa thông tin hàng hóa của doanh nghiệp và đặc biệt cần đồng bộ về hạ tầng công nghệ thông tin để đảm bảo việc khai báo trên phần mềm được trơn tru, thông suốt, tránh gây chồng chéo, phát sinh thêm thủ tục hành chính trong quản lý hàng hóa, phương tiện.

Hoàng Nga (Báo Quảng Ninh)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/146651/trien-khai-thi-diem-nen-tang-cua-khau-so