Triển khai tiết kiệm điện phải như thực hiện Nghị định 100 về thổi nồng độ cồn

'Nghị định 100 của Chính phủ xử phạt rất nặng lái xe khi có nồng độ cồn nên người dân tuân thủ và dần thói quen, hành động khác hẳn. Phải chăng tiết kiệm điện, tiết kiệm tài nguyên cũng phải có những chế tài nặng như thế', chuyên gia đề xuất.

Ngày 15/5, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm "Tiết kiệm điện - Từ chính sách đến cuộc sống", đề ra những kiến giải, luận bàn về công tác chỉ đạo các cấp, hướng tới việc đảm bảo điện năng cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt.

Liên hệ việc tiết kiệm điện đến câu chuyện Net Zero, ông Hà Đăng Sơn - Chuyên gia năng lượng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh cho rằng: Gần đây chúng ta thấy rất rõ những động thái của quốc tế liên quan đến biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, các cam kết liên quan đến Net Zero. Ít nhiều điều đó cũng phản ánh đây là câu chuyện của toàn thế giới chứ không phải của riêng Việt Nam.

Theo chuyên gia này, toàn thế giới phải chung tay thay đổi thói quen tiêu dùng, thay đổi việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Trước mắt tiết kiệm, sử dụng năng lượng, sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn trước rồi, sau đó dùng các tài nguyên sẵn có như điện mặt trời, các dạng năng lượng tự dùng trước khi sử dụng từ nguồn, từ lưới.

Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: Số liệu thống kê trong tháng 4 cho thấy, điện thương phẩm toàn quốc đạt 26,8 tỷ kWh và sản lượng này tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2023. Nhìn lại cả 4 tháng đầu năm, điện thương phẩm đạt 96,2 tỷ kWh điện, tăng 12,4% so với 2023. Nhìn lại cả năm 2023, điện thương phẩm toàn quốc tăng 4,26%.

“Như vậy, riêng 4 tháng đầu năm 2024, điện thương phẩm tăng xấp xỉ khoảng 3 lần so với 2023 và đây cũng là tỷ lệ tăng trưởng cao nhất trong những năm gần đây”, ông Lâm thông tin.

Tiết kiệm điện đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo cung ứng điện. Ảnh: Hoàng Giám

Tiết kiệm điện đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo cung ứng điện. Ảnh: Hoàng Giám

Trong khi đó, về tiết kiệm điện, ông Lâm cho rằng nước ta là quốc gia có tỉ lệ sử dụng năng lượng chưa hiệu quả bằng một số nước khác. Ví dụ, so sánh theo hệ số quy đổi, để có 1.000 USD chúng ta cần 376 tấn dầu quy đổi, trong khi trung bình trên thế giới chỉ vào khoảng 170 tấn dầu quy đổi, với các nước trong OECD thì con số này khoảng 104 tấn dầu quy đổi, với Singapore là 99 tấn dầu quy đổi, Nhật Bản là 90 tấn dầu quy đổi.

"Như vậy, để có 1.000 USD, chúng ta đang tiêu thụ năng lượng gấp khoảng 2-3 lần các quốc gia khác. Đây là thách thức rất lớn để chúng ta phải làm tốt hơn công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, đặc biệt là tiết kiệm điện trong thời gian tới", lãnh đạo EVN lưu ý

Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết: “Trong năm 2023, Bộ Công Thương đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 20 ngày 8/6/2023 về tăng cường tiết kiệm điện trong giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo”.

“Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan đầu mối của Chính phủ thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả cũng đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng như các địa phương trên cả nước thực hiện có hiệu quả và mạnh mẽ các giải pháp thúc đẩy sử dụng điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”, ông nhấn mạnh.

Năm 2024 là năm có rất nhiều khó khăn do tình hình EL Nino còn diễn biến phức tạp cũng như nhu cầu về sử dụng điện được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh do đà phục hồi kinh tế và phục hồi sản xuất, nhất là các ngành hàng chế biến xuất khẩu trong năm nay.

Trong việc thực hiện các giải pháp, chương trình hành động tiết kiệm điện ở các địa phương, chuyên gia kinh tế TS. Trần Đình Thiên khẳng định: “Điều đầu tiên để sử dụng điện hiệu quả là sản lượng phải đủ, nếu thiếu điện thì không thể nào hiệu quả được. Không phải vì thiếu mà chúng ta mới cần tiết kiệm mà quan trọng là nguồn cung về điện phải ổn, điều này đòi hỏi sự nỗ lực hơn”.

Ông Hà Đăng Sơn bày tỏ: "Nghị định 100 của Chính phủ xử phạt rất nặng lái xe khi có nồng độ cồn nên người dân tuân thủ và dần thói quen, hành động khác hẳn. Phải chăng tiết kiệm điện, tiết kiệm tài nguyên cũng phải có những chế tài nặng như thế thay vì hiện nay các quy định đa phần vẫn mang tính chất khuyến khích, giáo dục”.

"Cũng cần nhắc lại, những hoạt động liên quan đến sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, liên quan đến tiết kiệm điện của chúng ta có từ rất lâu, hơn 20 năm. Phải chăng nhận thức của cộng đồng chúng ta đã đủ chín để bắt đầu đưa ra những hành động mạnh mẽ hơn, mang tính chất bắt buộc hơn chứ không phải câu chuyện không muốn thì thôi?", ông Hà Đăng Sơn chia sẻ.

Tiến Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tiet-kiem-dien-tu-chinh-sach-den-cuoc-song-2281285.html