Triển lãm bộ ảnh lịch sử về Điện Biên Phủ của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại
Sáng 3/5, tại Hà Nội, gia đình cố Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại (1920-1992) phối hợp Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Bảo tàng phụ nữ Việt Nam tổ chức khai mạc triển lãm ảnh 'Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại - Bản anh hùng ca bằng ảnh về Điện Biên Phủ'.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh, phóng viên chiến trường Triệu Đại là tác giả của hàng nghìn tấm ảnh phong phú, quý hiếm về Điện Biên Phủ. Trong đó, bức ảnh nổi tiếng được sử dụng nhiều nhất và nhiều người biết đến nhất cả trong nước lẫn quốc tế là bức ảnh chụp Lá cờ Quyết chiến Quyết thắng được phất cao trên nóc hầm Tướng chỉ huy quân Pháp De Castries buổi chiều 7/5/1954.
Bức ảnh chụp khoảnh khắc chân thực và đầy khí thế hào hùng đã trở thành một biểu tượng cho chiến thắng vĩ đại của quân đội và nhân dân Việt Nam đánh bại chủ nghĩa thực dân kiểu cũ, cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc trên khắp thế giới.
Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024), triển lãm giới thiệu tới công chúng 70 bức ảnh về Chiến dịch Điện Biên Phủ cùng 20 bức ảnh về chiến dịch Biên giới (1950). Tham quan triển lãm, người xem như được theo chân Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại, một nhân chứng lịch sử xuyên suốt chiến dịch Điện Biên Phủ từ lúc Bộ Chính trị họp bàn ở Thái Nguyên, quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, đến khi Bộ chỉ huy Mặt trận Điện Biên Phủ bắt đầu lệnh tiến công... và kết thúc là ngày vui chiến thắng ở Mường Phăng trong niềm hân hoan của đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên, là lễ mừng sinh nhật Bác Hồ tại cánh đồng Mường Thanh với cờ hoa giăng kín chiếc xe tăng chiến lợi phẩm của Pháp...
Đáng chú ý, toàn bộ hình ảnh về các lực lượng tham gia cũng như mọi công tác chuẩn bị cho chiến trường ở mặt trận Điện Biên Phủ đã được ống kính của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại bám sát, ghi lại đầy đủ, như bộ đội kéo pháo, dân công mở đường, công binh làm hầm, đoàn văn công sinh hoạt văn nghệ cùng chiến sĩ, quân y ngày đêm chăm sóc thương bệnh binh, anh nuôi mang cơm ra tận chiến hào…
Đây chính là những tư liệu lịch sử “có một không hai” mang giá trị trường tồn với thời gian, khẳng định sức mạnh tập thể của cả một dân tộc đồng lòng đấu tranh vì chính nghĩa.
Theo thông tin từ Ban tổ chức, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh Chiến dịch Điện Biên Phủ từng nói: "Tôi đánh giá cao về anh Triệu Đại, những bức ảnh về Điện Biên Phủ của anh rất tốt. Triệu Đại ra mặt trận không trực tiếp cầm súng như các chiến sĩ, mà vũ khí là máy ảnh. Các bức ảnh là chiến công của Triệu Đại...".
Không chỉ được đánh giá cao về nội dung, các tác phẩm của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại còn khiến công chúng nể phục bởi kỹ thuật chụp vững vàng, từ ánh sáng cho đến bố cục đều chặt chẽ.
Tham quan triển lãm, Nghệ sĩ ưu tú Phạm Thanh Hà (Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội) bày tỏ ấn tượng trước các tác phẩm được chụp chắp ghép từ nhiều ảnh-kỹ thuật cực khó mà không phải tay máy nào cũng làm được. Chẳng hạn như bức Toàn cảnh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị quân ta tiêu diệt, chụp chắp ghép 7 bức liền nhau mà không nghiêng không lệch, không khuyết một chi tiết nào... Ông cũng cho biết thêm rằng nhiều tác phẩm của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại đã và đang thường xuyên được sử dụng làm tư liệu dạy và học cho các thế hệ sinh viên nhiếp ảnh, quay phim.
Triển lãm mở cửa đến hết ngày 12/5 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội).
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại sinh năm 1920 tại Hà Nội. Ông học nghề nhiếp ảnh từ năm 1941, trở thành phóng viên mặt trận từ năm 1947. Được sự tin tưởng, điều động của cấp trên, ông đã tham gia tác nghiệp tại những mặt trận khói lửa như chiến dịch Biên giới 1950, chiến dịch Hòa Bình 1951, chiến dịch Tây Bắc 1952, chiến dịch Điện Biên Phủ 1954. Sau 1954, Nghệ sỹ nhiếp ảnh Triệu Đại công tác tại Báo Quân đội nhân dân, tiếp tục chụp ảnh tại các chiến trường Vĩnh Linh, Quảng Bình 1965, Quảng Trị 1967, Khe Sanh 1968... và để lại cho đời nhiều tác phẩm giá trị.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001 cho những bức ảnh về Điện Biên Phủ.
Một số hình ảnh được trưng bày tại triển lãm: