Triển lãm Hiện linh của họa sĩ Ngô Xuân Bính: Tìm về những giá trị nguyên bản

Với triển lãm 'Hiện linh', GS.VS, họa sĩ Ngô Xuân Bính đã nỗ lực tìm về những giá trị nguyên bản của chất liệu, thể hiện tâm huyết của một người luôn đau đáu về bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc.

Ngày 10/11/2024 tại Bảo tàng Hà Nội đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm gốm "Hiện linh" của giáo sư, viện sĩ, họa sĩ Ngô Xuân Bính. Triển lãm thu hút đông đảo người yêu nghệ thuật Việt Nam và khách quốc tế.

Lễ khai mạc triển lãm "Hiện linh" tại Bảo tàng Hà Nội.

Lễ khai mạc triển lãm "Hiện linh" tại Bảo tàng Hà Nội.

Triển lãm gốm "Hiện linh" mang tới công chúng, những người yêu nghệ thuật gần 200 tác phẩm lần đầu được ra mắt, trong đó có những tác phẩm nặng tới hàng tấn. Đặc biệt, mỗi tác phẩm tại triển lãm gốm "Hiện linh" sẽ được gắn một chip định danh tích hợp công nghệ blockchain và NFT để tạo nên một danh tính số duy nhất cho tác phẩm. Với ứng dụng này người xem sẽ dùng NFC kết nối 1 chạm qua điện thoại thông minh để có được toàn bộ thông tin về tác phẩm. Công nghệ này lần đầu được áp dụng tại một cuộc triển lãm nghệ thuật ở Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên họa sĩ Ngô Xuân Bính thực hiện một cuộc triển lãm riêng về gốm. Trước đó, ông từng thực hiện nhiều cuộc triển lãm cá nhân nhưng chủ yếu là tranh sơn dầu như: "Du và dội", "Thông linh", "Ego – Người".

Họa sĩ Ngô Xuân Bính (trái) giới thiệu với quan khách về các tác phẩm gốm.

Họa sĩ Ngô Xuân Bính (trái) giới thiệu với quan khách về các tác phẩm gốm.

Lý do thực hiện các tác phẩm điêu khắc gốm, họa sĩ Ngô Xuân Bính nói: "Tôi từng đến các bảo tàng trên thế giới về gốm thì thấy gốm mỹ nghệ, ứng dụng, hàng hóa thì rất nhiều nhưng gốm nghệ thuật tạo hình có trọng lượng lớn, và đặc biệt là nguyên khối thì rất ít. Thậm chí, nhiều quốc gia không có.

Gốm nghệ thuật hiện nay theo tôi biết chỉ có tác phẩm nặng hơn 300 cân. Ngay cả Trung Quốc cũng chỉ có tác phẩm hơn 1 tấn nhưng là gốm chồng lớp chứ không phải nguyên khối. Các bảo tàng ở Việt Nam có trưng bày gốm hiện nay chủ yếu là những cái bát, đĩa, chậu và các lọ là chính. Còn những tác phẩm trọn vẹn như rồng, phượng, sư tử, nghê… chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Điều đó thôi thúc tôi thực hiện những tác phẩm gốm có kích thước lớn. Ngoài ra, việc quay lại với gốm còn là vì nó rất là tự nhiên. Đất là tự nhiên, chúng ta sinh ra, tồn tại và chết là về với đất. Khi tôi chạm vào đất, cảm giác dòng chảy của tôi được chảy dài từ đầu đến tay, rất tự nhiên và linh thiêng như khi ta cảm nhận về trời và đất".

Gần 200 tác phẩm gốm, trong đó có nhiều tác phẩm cỡ lớn khiến người xem phải trầm trồ.

Gần 200 tác phẩm gốm, trong đó có nhiều tác phẩm cỡ lớn khiến người xem phải trầm trồ.

Với triển lãm "Hiện linh", GS.VS Họa sĩ Ngô Xuân Bính đã nỗ lực tìm về những giá trị nguyên bản của chất liệu và tạo nên sự hòa quyện giữa nét tinh tế của truyền thống và sự sáng tạo không ngừng của nghệ thuật đương đại qua đó thể hiện tâm huyết của một người luôn đau đáu về bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc. Vì thế, "Hiện linh"không chỉ là triển lãm nghệ thuật, mà còn là lời tự sự dịu dàng và sâu sắc gửi gắm tới công chúng, đặc biệt là giới trẻ, thế hệ tiếp nối, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của người Việt.

"Trong không gian đương đại tại Bảo tàng Hà Nội, các tác phẩm gốm 'Hiện linh' sẽ dẫn dắt người xem bước vào thế giới vừa quen thuộc, vừa mới lạ của đất mẹ. Mỗi tác phẩm tại triển lãm là một phép màu nhỏ bé, được nuôi dưỡng từ lòng yêu nghề, từ sự tĩnh lặng của bàn tay và nhịp thở của đất trời. Chính những yếu tố ấy đã biến 'Hiện linh' trở thành một không gian không chỉ để chiêm ngưỡng mà còn để cảm nhận sâu sắc tinh thần văn hóa và sức sống mãnh liệt của gốm Việt Nam", GS.VS Họa sĩ Ngô Xuân Bính nhấn mạnh.

Triển lãm gốm "Hiện linh" chính thức mở cửa từ ngày 10/11/2024 và kéo dài đến 31/12/2025 với rất nhiều hoạt động bên lề hấp dẫn sẽ là cầu nối để người xem trải nghiệm một hành trình tinh thần, nơi mà chất liệu gốm không còn chỉ là những tác phẩm vô tri mà đã thực sự "hiện linh" như một sinh thể sống động.

Một tác phẩm khắc họa những con rồng được đặt ở vị trí trung tâm của không gian triển lãm.

Một tác phẩm khắc họa những con rồng được đặt ở vị trí trung tâm của không gian triển lãm.

Họa sĩ Ngô Xuân Bính sinh năm 1957 quê Nghệ An. Ông được gọi là "kỳ nhân" do sự đa tài trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật. Ngoài hội họa, ông còn là một giáo sư Y học dân tộc, một võ sư với nỗ lực đưa môn võ cổ truyền với tên gọi Nhất Nam ra thế giới. Ông còn là một nhà thơ với 7 tập thơ đã được xuất bản. Năm 2015, ông thực hiện đêm thơ nhạc "Ân khúc-Giao hòa" tại Nhà hát Lớn Hà Nội với sự tham gia biểu diễn của nhiều nghệ sĩ hàng đầu của ca nhạc Việt như Trọng Tấn, Anh Thơ, Tùng Dương..

Họa sĩ Ngô Xuân Bính có thời gian dài sinh sống, làm việc ở Nga. Với nhiều đóng góp về nghệ thuật, ông đã được trao tặng danh hiệu "Giáo sư y học dân tộc" do Hiệp hội Y học dân tộc Nga trao; Hàm Viện sĩ, do Viện Hàn lâm Khoa học tự nhiên châu Âu phong;; Viện sĩ danh dự của Viện Hàn lâm Nghệ thuật Nga.

Ngắm những hình ảnh trong Lễ khai mạc triển lãm "Hiện linh" diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội.

Minh Nhật (Ảnh: BTC)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/trien-lam-hien-linh-cua-hoa-si-ngo-xuan-binh-tim-ve-nhung-gia-tri-nguyen-ban-172241111070020397.htm