Triển lãm Nghệ thuật dệt bản địa

Tối 3/12, tại Hà Nội, Triển lãm Nghệ thuật dệt bản địa do Công ty cổ phần doanh nghiệp xã hội Craft Link tổ chức đã được khai mạc và diễn ra đến hết ngày 4/12.

Phát biểu tại Triển lãm Nghệ thuật dệt bản địa, bà Trần Tuyết Lan - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần doanh nghiệp xã hội (Craft Link) cho hay: Trong triển lãm “Nghệ thuật dệt bản địa", chúng ta có thể khám phá thêm về văn hóa dệt ở Việt Nam thông qua nghệ thuật dệt truyền thống của ba nhóm dân tộc thiểu số khác nhau đến từ Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ. Sáu nghệ nhân đến từ nhóm Hmông (tỉnh Hà Gi vang), nhóm Thái (tỉnh Nghệ An) và nhóm Châu Mạ (tỉnh Lâm Đồng) được mời đến triển lãm để giới thiệu về văn hóa dệt bản địa thông qua màn trình diễn nghệ thuật dệt vô cùng độc đáo của họ.

Triển lãm Nghệ thuật dệt bản địa đã được khai mạc tối 3/12

Triển lãm Nghệ thuật dệt bản địa đã được khai mạc tối 3/12

Mỗi nhóm có kỹ thuật dệt riêng được truyền qua nhiều thế hệ. Mỗi mảnh vải dệt thủ công ti mỉ đều có chức năng và biểu tượng riêng, mang trong mình văn hóa và tín ngưỡng của người làm ra nó. Đây là điều khiển sản phẩm dệt trở nên đẹp hơn và khiến chúng trở thành những tác phẩm nghệ thuật thực sự.

Chúng tôi rất vinh dự được làm việc với các nghệ nhân trên khắp Việt Nam và rất vui được chia sẻ với công chúng những điều chúng tôi đã tìm hiểu về truyền thống dệt. Chúng tôi cũng rất tự hào khi được giới thiệu sản phẩm dệt tuyệt đẹp của các nghệ nhân Việt Nam trên toàn thế giới. Hãy cùng tôn vinh di sản văn hóa của chúng ta và lưu giữ cho các thế hệ mai sau”, bà Trần Tuyết Lan nói.

Trình diễn dệt bản địa của nhóm Hmong (Hà Giang)

Trình diễn dệt bản địa của nhóm Hmong (Hà Giang)

Bà cũng đồng thời chia sẻ: Trong thế giới hiện đại, truyền thống dệt bản địa của Việt Nam phải vật lộn để tồn tại khi đối mặt với hàng dệt may do các nhà máy sản xuất ra với giá thành rẻ hơn. Chính vì điều này, kể từ khi thành lập, Craft Link đã luôn tiến hành các chương trình/dự án khác nhau ở các vùng miền nhằm khuyến khích thế hệ trẻ nối tiếp truyền thống dệt lâu đời của mỗi dân tộc, đồng thời học cách sử dụng các mẫu hoa văn truyền thống cùng nguyên liệu độc đáo để thể hiện nền văn hóa đa dạng và giàu bản sắc của chúng ta.

Dệt bản địa của nhóm dân tộc Thái (Nghệ An)

Dệt bản địa của nhóm dân tộc Thái (Nghệ An)

Được thành lập từ năm 1999, Craft Link là một doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận và công bằng thương mại hoạt động với mục đích hỗ trợ các nhóm dân tộc thiểu số, các nhóm khuyết tật và nhóm làng nghề trong việc khôi phục truyền thống văn hóa, phát triển nghề thủ công truyền thống và tăng thêm thu nhập cho cộng đồng.

Craft Link hiện đang trợ giúp hơn 60 nhóm nghệ nhân ở khắp mọi miền của đất nước với số người hưởng lợi lên đến hơn 6000 người. Các dự án của Craft Link không chỉ giúp các nhóm phát triển sản xuất hàng thủ công để nâng cao thu nhập, mà còn giúp họ nâng cao năng lực để có thể tự quản lý nhóm, tiến tới hoạt động bền vững. Trong 26 năm qua Craft Link đã có cơ hội làm việc với rất nhiều nhóm sản xuất có kỹ năng dệt truyền thống trên khắp Việt Nam.

Nghệ thuật dệt bản địa của nhóm dân tộc Châu Mạ (Lâm Đồng)

Nghệ thuật dệt bản địa của nhóm dân tộc Châu Mạ (Lâm Đồng)

Việt Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/trien-lam-nghe-thuat-det-ban-dia-229528.html