Triển lãm SaigonTex & SaigonFabric 2025 giữa 'cơn bão' thuế toàn cầu

SaigonTex & SaigonFabric 2025 diễn ra giữa lúc ngành dệt may đang đối mặt với thuế đối ứng của thị trường tiêu thụ Mỹ .

SaigonTex & SaigonFabric 2025 diễn ra từ ngày 9-12.4.2025 tại Trung tâm Triển lãm hội nghị TP.HCM (quận 7, TP.HCM) quy tụ khoảng 1.100 nhà cung cấp từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nhà cung cấp tham gia mang đến mang đến những công nghệ và giải pháp tiên tiến cho ngành dệt may, một trong những ngành xuất khẩu toàn cầu lớn và đang là tâm điểm trong "cuộc chiến" thuế quan của chính quyền Mỹ.

Không gian triển lãm SaigonTex & SaigonFabric 2025.

Không gian triển lãm SaigonTex & SaigonFabric 2025.

Chiếm không gian và số lượng áp đảo là hơn 700 đại diện đến từ Trung Quốc và Hongkong. Các nước và vùng lãnh thổ có công nghệ dệt may cao cấp, vùng cung nguyên nhiên liệu thời trang cũng tham gia số lượng đáng kể như: Đức, Ý, Thụy Sĩ, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Các nước còn lại như Mỹ, Indonesia, Úc, Hà Lan chỉ tham gia đại diện một đơn vị.

"Chúng tôi tham gia hội chợ mong muốn tìm kiếm thêm khách hàng mới, việc áp thuế hay hoãn thuế, là việc vừa xảy ra. Chuyện tiếp tục thỏa thuận, thương lượng là việc của các lãnh đạo quốc gia, chúng tôi ở đây để tìm kiếm bạn hàng và những cơ hội mới", đại diện một công ty cung cấp phụ kiện may mặc có trụ sở tại Hong Kong, cho hay.

"Đơn hàng của chúng tôi đã có dấu hiệu chậm lại, lo lắng là có thật sau khi danh sách đánh thuế của Mỹ được công bố. Nhưng sự thật thì mọi thứ còn nóng hổi và thay đổi liên tục, nên chúng tôi không thể làm gì khác ngoài chờ đợi", đại diện công ty Jiaxing Inch Eco Materials trao đổi. Năm nay, công ty ông chia sẻ gian trưng bày với một bạn hàng Trung Quốc khác, cũng là một cách giúp cắt giảm bớt chi phí đương đầu với những khó khăn sắp tới.

Việt Nam có 152 đại diện, nhưng nhiều trong số đó là các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Đại diện một số đơn vị khi được hỏi đã cho biết triển lãm năm nay vẫn đông số đơn vị tham gia triển lãm nhưng khách thăm viếng ngày đầu không như kỳ vọng. Không khí triển lãm khá nặng nề khi khai mạc đúng thời điểm chuẩn bị trước khi chính phủ Mỹ áp thuế đối ứng cho một số nước có xuất khẩu dệt may lớn vào Mỹ.

Tuy nhiên, thông tin Mỹ hoãn áp thuế thêm 90 ngày đã khiến không khí tại buổi triển lãm bớt ảm đạm hơn trong ngày thứ 2.

Hoạt động giới thiệu, tư vấn tại SaigonTex & SaigonFabric 2025.

Hoạt động giới thiệu, tư vấn tại SaigonTex & SaigonFabric 2025.

"Chúng tôi đang chờ kết quả đàm phán của lãnh đạo Việt Nam với Mỹ", bà Huỳnh Đỗ Uyên, Giám đốc Công ty may Hiếu Thảo cho hay. Bà cho biết thêm, công ty hơn 100 nhân viên của bà đã chịu lỗ 3 năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Dù thị trường chính của Hiếu Thảo là thị trường nội địa, nhưng nếu Mỹ đánh thuế toàn cầu như thế, những doanh nghiệp như công ty bà Uyên sẽ gặp nhiều khó khăn bởi vừa cạnh tranh với các công ty chuyển thị trường về nước, vừa có khả năng chứng kiến người tiêu dùng trong nước giảm chi tiêu vì ảnh hưởng do thất nghiệp từ cuộc chiến thuế quan toàn cầu.

Đại diện từ Tập đoàn Vinatex cho hay, hiện lãnh đạo tập đoàn này vẫn đang duy trì mục tiêu tăng trưởng và xuất khẩu của công ty, chưa điều chỉnh kế hoạch cho năm 2025. Lý do là vì ngoài thị trường Mỹ, Vinatex đã tiếp cận nhiều thị trường khác, và cũng có những sản phẩm có thể cạnh tranh cả về giá và chất lượng. Vì Mỹ đánh thuế nhiều nước, nên rủi ro chia đều cho tất cả các doanh nghiệp trong ngành.

Theo ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty Dony, nếu mức thuê áp trên hàng may mặc không thể giảm, sản lượng may mặc của Việt Nam sẽ giảm khoảng 30% trong năm thứ nhất kể từ khi áp thuế, và có thể giảm từ 50%-70% sản lượng từ năm thứ hai. “Điều này tạo áp lực cho các công ty trong ngành phải tái cơ cấu và có chiến lược hợp lý trong thời kỳ bất ổn kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra cho tới nay”, Giám đốc Công ty Dony nhận định.

Doanh nghiệp đến với SaigonTex & SaigonFabric 2025 nhằm giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm khách hàng, các cơ hội hợp tác...

Doanh nghiệp đến với SaigonTex & SaigonFabric 2025 nhằm giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm khách hàng, các cơ hội hợp tác...

Trong bản cập nhật báo cáo vĩ mô của bộ phận nghiên cứu của Công ty Chứng khoán VnDirect có đánh giá ngành dệt may ở mức Tiêu cực-Trung bình. Giả định bị áp mức thuế 46%, Việt Nam vẫn có lợi thế cạnh tranh so với Trung Quốc (54%), tuy nhiên, cao hơn khoảng 10–20% so với một số đối thủ khác như: Bangladesh, Pakistan và Campuchia. “Mức chênh lệch này có thể chưa đủ lớn để khiến chuỗi sản xuất dịch chuyển, nhưng có thể làm giảm giá trị các đơn hàng. Rủi ro lớn nhất là giá bán cao, trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ suy yếu sẽ tạo áp lực buộc các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may phải giảm giá bán, từ đó làm giảm biên lợi nhuận”, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VnDirect, chia sẻ.

“Ngồi một chỗ chờ cũng không có thêm được đơn hàng, nên chúng tôi phải tham gia mọi sự kiện liên quan đến ngành nghề của mình để tìm cơ hội có thêm đối tác, có thêm đơn hàng”, bà Uyên giải thích thêm. Từ gian hàng của Hội Dệt may Thêu Đan TP.HCM, các thành viên ngoài giới thiệu sản phẩm cho khách hàng đi qua vẫn ngồi bàn tán chuyện thuế quan và kỳ vọng các lãnh đạo tìm ra được giải pháp tích cực nhất cho ngành.

Lan Chi

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/trien-lam-saigontex-saigonfabric-2025-giua-con-bao-thue-toan-cau-47797.html