Triển lãm tranh của Phạm Lực
Tuần lễ Trưng bày tranh 'Hiển thị của Bản sắc' của họa sĩ Phạm Lực đưa người xem lạc vào một thế giới màu sắc và cảm xúc đặc biệt.
Từ 8-15/11, tại Hà Nội, tuần lễ trưng bày tranh Phạm Lực mang tên "Hiển thị của Bản sắc" với khoảng 50 tác phẩm thuộc nhiều đề tài khác nhau, thể hiện trên nhiều chất liệu, phần nào lột tả được thế giới hội họa đa chiều của người họa sĩ tài hoa này.
Tại triển lãm, nhà sưu tầm Nguyễn Sĩ Dũng chia sẻ: “Khi thả hồn vào những tác phẩm nghệ thuật của anh Lực, tôi cảm thấy như được hòa mình vào dòng chảy văn hóa của dân tộc, tôi cảm nhận ở đó có hồn cốt của tôi, của cha mẹ, của đất nước tôi. Tất cả tinh thần và vẻ đẹp đều được hiển thị rất rõ ràng, đó là lý do tôi gọi buổi triển lãm ngày hôm nay là Hiển thị của Bản sắc”.
Ngoài yếu tố thị giác, nét đẹp trong tranh của họa sĩ Phạm Lực còn nằm ở chính nội dung xuyên suốt – đó là sự song hành của những cảm xúc mộng mơ, khao khát hòa bình, tự do và ký ức chiến tranh. Bên cạnh đề tài chiến tranh quen thuộc của một họa sĩ quân nhân, họa sĩ Phạm Lực còn ghi dấu ấn với những tác phẩm bình dị, gần gũi với đời sống của người dân Việt Nam như phong cảnh nông thôn, tình mẫu tử, chân dung người phụ nữ, sinh hoạt thường nhật…
Trong hội họa đương đại Việt Nam, họa sĩ Phạm Lực được đánh giá là có cá tính hội họa ấn tượng. Ông đã có hơn 30 triển lãm ở trong nước và quốc tế. Câu lạc bộ những người sưu tập tranh của ông có khoảng 100 thành viên với hơn 6.000 tác phẩm được lưu giữ. Đặc biệt, có những nhà sưu tầm theo đuổi họa sĩ Phạm Lực và mua tới 500 bức tranh.
Họa sĩ Phạm Lực sinh năm 1943 tại Huế, trải qua tuổi thơ ở nơi quê ngoại Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Mẹ ông, bà Nguyễn Thị Chương là chắt của đại thi hào Nguyễn Du. Có thể, đây là nguồn gốc sâu xa của tài năng mà ông có được.