Triển vọng các mảng kinh doanh của FPT Retail
SSI dự báo FPT Retail sẽ mở 400 nhà thuốc mỗi năm trong giai đoạn 2024-2025 và đây sẽ là động lực tăng trưởng chính cho công ty trong dài hạn.
Trong báo cáo phát hành ngày 15/12, SSI cho rằng, năm 2024 - 2025 sẽ là giai đoạn đầu của chu kỳ lợi nhuận mới của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã FRT). Trong đó, FPT Shop sẽ có lãi trở lại sau một thời gian dài giảm hàng tồn kho và tối ưu hóa chi phí, trong khi Long Châu tiếp tục đạt được kết quả tốt từ việc mở rộng mạng lưới cửa hàng và cải thiện biên lợi nhuận. Việc mở rộng mạng lưới cửa hàng Long Châu sẽ là động lực tăng trưởng chính cho FRT trong dài hạn.
FPT Shop: Với nhu cầu bão hòa và các nỗ lực tối ưu hóa chi phí (chuyển doanh thu từ trực tiếp sang online), SSI ước tính công ty sẽ đóng cửa 120 cửa hàng FPT Shop vào năm 2024 và duy trì số lượng cửa hàng đó vào năm 2025. Doanh thu dự kiến sẽ giảm vào năm 2024 (đạt 15.100 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ), do số lượng cửa hàng giảm và nhu cầu yếu; sau đó sẽ tăng vào năm 2025 (15.900 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ), cùng với sự phục hồi tiêu dùng và chu kỳ thay thế điện thoại di động (4-5 năm sau nhu cầu tăng cao bất thường vào năm 2021).
Biên lợi nhuận trước thuế của FPT Shop dự kiến sẽ cải thiện vào năm 2024 và 2025 khi cạnh tranh về giá trở nên ít gay gắt hơn, do mức tồn kho của công ty đối thủ (MWG) đã giảm và các nỗ lực tối ưu hóa chi phí. Tuy nhiên, sự phục hồi biên lợi nhuận của FPT Shop sẽ chậm hơn nhiều so với đối thủ MWG do tỷ trọng doanh thu từ điện thoại di động (xấp xỉ 70% doanh thu) đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ thương mại điện tử.
FPT Long Châu: SSI ước tính kênh bệnh viện và các cửa hàng nhà thuốc nhỏ hơn trên khắp cả nước chiếm khoảng 85% tổng doanh thu bán lẻ dược phẩm. Sở hữu lợi thế cạnh tranh rõ rệt trong bán lẻ dược phẩm (bán nhiều loại thuốc kê đơn hơn), Long Châu tiếp tục mở rộng mạng lưới cửa hàng để giành thị phần. Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh (Pharmacity và An Khang) đang thu hẹp quy mô do mô hình kinh doanh không phù hợp (chủ yếu tập trung vào thuốc không kê toa và mỹ phẩm). Pharmacity bắt đầu thu hẹp mạng lưới cửa hàng từ năm 2023. Gần đây An Khang cũng đã thu hẹp mạng lưới cửa hàng, giảm 40% số lượng cửa hàng kể từ tháng 6 đến cuối quý 3/2024.
Bắt đầu từ ngày 1/1/2025, bệnh nhân sẽ được bảo hiểm y tế hoàn trả chi phí cho các loại thuốc mua ngoài nhà thuốc bệnh viện, nếu các nhà thuốc bệnh viện này thiếu thuốc. Theo đơn vị phân tích, điều này sẽ có lợi cho các nhà thuốc không thuộc bệnh viện nói chung, và Long Châu sẽ là chuỗi nhà thuốc được hưởng lợi chính trong số đó.
SSI dự báo FRT sẽ mở 400 nhà thuốc mỗi năm trong giai đoạn 2024-2025 để giành thị phần từ các cửa hàng thuốc nhỏ lẻ và các nhà thuốc bệnh viện, chiếm hơn 85% thị trường nhà thuốc. Doanh thu năm 2024-2025 cho mảng nhà thuốc ước tính đạt 22.700 tỷ đồng (tăng 43% so với cùng kỳ) và 27.300 tỷ đồng (tăng 20%). Biên lợi nhuận của chuỗi nhà thuốc dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng, đạt ít nhất 3% trong dài hạn. Trong 9 tháng đầu năm 2024, biên lợi nhuận ròng của Long Châu đã cải thiện lên 1,9% (so với 1,5% trong 9 tháng đầu năm 2023).
Trung tâm tiêm chủng Long Châu: Hoạt động kinh doanh vắc-xin của FRT nhân rộng nhanh chóng gần đây, với số lượng trung tâm vắc-xin cuối quý 3/2024 vượt kế hoạch năm là 100 trung tâm. Sau một năm ra mắt, mảng vắc-xin đã đóng góp 5% vào doanh thu của Long Châu trong 9 tháng đầu năm 2024.
Theo SSI, hoạt động kinh doanh vắc-xin của Long Châu dự kiến sẽ tăng trưởng nhanh chóng nhờ tăng chi tiêu cho vắc-xin do tỷ lệ tiêm chủng hiện tại còn thấp và dịch vụ thiêm chủng tư nhân giành thị phần do tình trạng quá tải tại các trung tâm công.
FRT dự định có 500 trung tâm vắc-xin vào cuối năm 2027 (so với 115 trung tâm vắc-xin tính đến quý 3/2024). Tuy nhiên, đơn vị phân tích lưu ý rằng quy mô thị trường vắc-xin nhỏ hơn nhiều so với thuốc. Do đó, nhân rộng mạng lưới nhà thuốc và cải thiện biên lợi nhuận nhà thuốc vẫn sẽ là động lực chính cho lợi nhuận của FRT trong dài hạn.
Đối với hoạt động kinh doanh vắc-xin, SSI ước tính doanh thu năm 2024-2025 lần lượt đạt 1.000 tỷ đồng và 2.600 tỷ đồng (tăng 153% so với cùng kỳ), tương đương 4%-9% tổng doanh thu của Long Châu.
Về rủi ro đối với hoạt động kinh doanh của FRT, SSI nêu 3 điểm. Một là Bộ Y tế đặt mục tiêu tăng cường tỷ lệ tiêm chủng trong dài hạn. Do đó, chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia có thể mở rộng phạm vi tiêm chủng bao gồm nhiều loại vắc-xin hơn, khiến các nhà cung cấp dịch vụ tiêm chủng tư nhân có thể mất thị phần.
Thứ hai, nhu cầu đối với sản phẩm điện thoại và điện máy phục hồi chậm hơn dự kiến. Thứ ba là rủi ro liên quan đến việc vận hành các trung tâm vắc-xin như xử lý sốc phản vệ và đảm bảo nhiệt độ bảo quản vắc-xin.
Trên thị trường, cổ phiếu FRT có sự phục hồi từ cuối tháng 11/2024 đến nay, trở lại vùng giá trên 180.000 đồng/cp - tiến gần sát mức đỉnh. So với hồi đầu năm, mã đã tăng tới gần 90%. Tuy nhiên với việc phục hồi lợi nhuận và tăng vốn của Long Châu (dự kiến vào quý 1/2025), SSI vẫn đánh giá khả quan với tiềm năng tăng giá của cổ phiếu này.
Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/trien-vong-cac-mang-kinh-doanh-cua-fpt-retail-36648.html