Triển vọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế vùng ĐBSCL

Ngày 10/6, tại Cần Thơ, Bộ xây dựng phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức Diễn đàn Triển vọng đầu tư xây dựng hạ tầng - Phát triển kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết: ĐBSCL là khu vực có vị thế hết sức quan trọng và có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế toàn diện. Chính vì vậy, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 đặt mục tiêu đến năm 2030 khu vực này phải đạt mức tăng trưởng bình quân phải đạt khoảng 6,5 - 7%/năm. Đây là cơ sở quan trọng cho sự ra đời của các cơ chế, chính sách mới nhằm khai thác và phát huy ở mức cao nhất các tiềm năng, lợi thế cho sự phát triển nhanh và bền vững của các địa phương trong vùng.

"Để thực hiện mục tiêu trên, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật là điều kiện thiết yếu và cấp bách. Việc củng cố, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật góp phần kích thích đầu tư, tạo thuận lợi cho việc xây dựng, mở rộng các đô thị, khu công nghiệp, từ đó thúc đẩy thị trường phát triển, làm gia tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và lưu thông hàng hóa trong nền kinh tế, tạo động lực cho quá trình phân bố lại dân cư, lao động.", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Quang cảnh diễn đàn.

Quang cảnh diễn đàn.

Thực trạng kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL

Theo Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải), hiện nay, vùng ĐBSCL có 4 phương thức vận tải chủ yếu là đường bộ; đường thủy nội địa; đường biển; đường hàng không. Trong đó, phương thức vận tải chính là đường bộ và đường thủy nội địa. Giao thông đường bộ kết nối vùng ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh qua 5 trục chính.

Về đường thủy nội địa, ĐBSCL đã đưa vào quản lý, khai thác 57 cảng thủy nội địa và 3.988 bến thủy nội địa. Đối với đường biển, ĐBSCL có 6 luồng hàng hải, với tổng chiều dài 599,69 km, gồm: Luồng cửa Tiểu sông Tiền; luồng Định An - Cần Thơ; luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu; luồng Bồ Đề - Năm Căn - Cà Mau; luồng Bình Trị - Kiên Giang; luồng An Thới - Phú Quốc và có 13 cảng biển.

Ông Nguyễn Tường Văn – Thứ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh XD

Ông Nguyễn Tường Văn – Thứ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh XD

Về hàng không, ĐBSCL có 4 cảng hàng không đang khai thác gồm 2 cảng hàng không quốc tế (Cần Thơ, Phú Quốc) và 2 cảng hàng không nội địa (Rạch Giá, Cà Mau). Riêng đường sắt, vùng chưa có tuyến nào, thiếu hệ thống trung tâm logistics quy mô lớn và hệ thống cảng cạn tăng năng lực thông qua hàng hóa của các cảng biển, cửa khẩu kết nối với Campuachia.

Trong thời gian gần đây, Chính phủ đã đầu tư cải thiện mạng lưới đường bộ trong vùng. Mạng lưới đường bộ chính bao gồm gần 187 km đường cao tốc, 2.669 km đường quốc lộ và 4.559 km đường tỉnh.

Về cơ bản, tất cả các điểm chính trên vùng ĐBSCL đều đã có kết nối đường bộ. Tuy nhiên, đây có thể coi là hệ thống kết nối cơ bản, tối thiểu, chưa mang vai trò chiến lược cho phát triển vùng.

Giải pháp phát triển hạ tầng ĐBSCL

Phát biểu tại diễn đàn ông Trần Việt Trường – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đề xuất với Bộ Xây dựng, quan tâm phối hợp hỗ trợ, hướng dẫn TP Cần Thơ thủ tục thành lập Trung tâm liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ. Ưu tiên phối hợp tham mưu trình Chính phủ xem xét chấp thuận sớm đầu tư Dự án nâng cấp, mở rộng Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ đạt chuẩn cấp vùng, cấp khu vực…

Ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ phát biểu tại Diễn đàn.

Ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ phát biểu tại Diễn đàn.

Đồng thời, đề xuất xây dựng Dự án “Kết nối đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ và đầu tư xây dựng Đường cao tốc trên cao”. Vì hiện tại, ĐBSCL chỉ có trục chính Quốc lộ đường bộ, các địa phương trong vùng đang trên đà phát triển, lượng xe lưu thông trên đường ngày càng nhiều, đặc biệt ĐBSCL là vùng sông nước với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Nên việc xây dựng đường cao tốc trên cao là rất phù hợp và mang tính cấp thiết.

Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TP Cần Thơ đề xuất tuyến đường kết nối TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp với quận Ô Môn, TP Cần Thơ và huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, trong đó có Cầu Ô Môn là hạng mục quan trọng nhằm đồng bộ toàn tuyến.

Đại biểu đóng góp ý kiến tại diễn đàn, cho rằng, cần rà soát tích hợp các quy hoạch chuyên ngành vào quy hoạch tỉnh đảm bảo đồng bộ phù hợp với Luật Quy hoạch; tận dụng tối đa nguồn vốn vay ưu đãi nước ngoài trong dự án tài trợ của 6 ngân hàng phát triển thuộc chương trình phát triển chính sách (DPO) và các dự án liên kết vùng của ĐBSCL để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình lớn, có sức lan tỏa, tạo ra đột phá lớn trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông ĐBSCL...

Diễn đàn có 04 chuyên đề chính gồm: Thực trạng phát triển hạ tầng kỹ thuật và kinh tế vùng ĐBSCL; tiềm năng, cơ hội; thách thức phát triển và động lực mới phát triển kinh tế ĐBSCL.

Hồng Thắm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/trien-vong-dau-tu-xay-dung-co-so-ha-tang-phat-trien-kinh-te-vung-dbscl.html