Triển vọng hợp tác Việt Nam với khối BRICS
Phóng viên nêu câu hỏi về việc Việt Nam nằm trong danh sách các nước đối tác của BRICS và triển vọng hợp tác với khối này.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Noại giao chiều 31-10, trả lời câu hỏi của phóng viên, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt cho biết là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đóng góp tích cực và có trách nhiệm các cơ chế và diễn đàn đa phương, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và trên thế giới, phù hợp với nhu cầu và lợi ích của Việt Nam.
"Việt Nam sẽ nghiên cứu những thông tin về cơ chế của BRICS. Việc Việt Nam tham gia vào các cơ chế hợp tác đa phương khu vực và quốc tế luôn được nghiên cứu và xem xét trên cơ sở phù hợp với lợi ích, điều kiện và khả năng của Việt Nam"- Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt nói.
Theo Phó Phát ngôn Đoàn Khắc Việt, điều này cũng thể hiện đường lối đối ngoại nhất quán của Việt Nam. Đó là độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, BRICS là một tổ chức liên chính phủ, hiện bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Iran, Ai Cập, Ethiopia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Hợp tác của BRICS dựa trên 3 trụ cột, gồm hợp tác chính trị - an ninh, kinh tế - tài chính, văn hóa và giao lưu nhân dân.
BRICS được thành lập với mục tiêu ban đầu là trở thành một thể chế chính trị, kinh tế và tài chính toàn cầu nhằm phản ánh tương quan lực lượng theo hướng công bằng, cân bằng và có tính đại diện cao hơn. Trong trật tự thế giới đa cực đang hình thành, BRICS đang nổi lên có tiềm năng trở thành một trụ cột mới trong hệ thống đa phương.
BRICS hiện tập trung vào một số định hướng hợp tác và phát triển, gồm: Thúc đẩy quá trình mở rộng thành viên nhằm mở rộng quy mô và ảnh hưởng của Nhóm trên phạm vi toàn cầu. Nghiên cứu thúc đẩy thể chế hóa cao hơn (ví dụ như thành lập cơ quan thường trực - Ban Thư ký BRICS). Củng cố, mở rộng vai trò, ảnh hưởng của Ngân hàng NDB. Thúc đẩy các giải pháp giảm sự phụ thuộc vào đồng đô-la Mỹ và hệ thống tài chính - tiền tệ phương Tây, xây dựng hệ thống thanh toán nội khối… Mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực, hình thành một hệ thống riêng, phân tách với các hệ thống do Mỹ và phương Tây dẫn dắt: Chuỗi cung ứng BRICS, hợp tác công nghệ mới, hợp tác trong lĩnh vực vũ trụ, nền tảng thị trường chung (FTA BRICS), xây dựng kết cấu hạ tầng y tế, xã hội, thúc đẩy thương mại đa phương, đầu tư, chống biến đổi khí hậu...
Trong khuôn khổ BRICS, có một số cơ chế tham gia dành cho các nước không phải thành viên BRICS: Tham gia Ngân hàng NDB; Tham gia các diễn đàn/đối thoại trong khuôn khổ BRICS mở rộng với tư các nước khách mời như Hội nghị các Nhà lãnh đạo BRICS mở rộng, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao BRICS mở rộng và một số hội nghị, đối thoại về các lĩnh vực cụ thể (an ninh, phát triển đô thị,…).
Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự hội nghị các nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng tại Kazan, Nga, từ ngày 23 đến 24-10.
Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị BRICS mở rộng chuyển tải hình ảnh về một Việt Nam hòa bình, hợp tác, phát triển, năng động, đổi mới; thể hiện vai trò và đóng góp trách nhiệm của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, nhằm góp phần giải quyết các thách thức toàn cầu, thúc đẩy phát triển bền vững, bao trùm, nâng cao vai trò và tiếng nói của các nước đang phát triển trên trường quốc tế; đồng thời tiếp tục thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Nga và các nước.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/trien-vong-hop-tac-viet-nam-voi-khoi-brics-196241031172033909.htm