Triển vọng lúa Bắc Thịnh trên đất Nam Sách

Giống lúa Bắc Thịnh được đánh giá phù hợp với đồng đất Nam Sách bởi năng suất và chất lượng đều vượt trội so với những giống lúa đang gieo cấy.

Người dân tham quan mô hình lúa Bắc Thịnh (ảnh tư liệu)

Người dân tham quan mô hình lúa Bắc Thịnh (ảnh tư liệu)

Chủ động mở rộng

Gia đình ông Nguyễn Văn Cầu ở thôn Cẩm Lý, xã An Lâm có gần 1 mẫu ruộng. Trước đây, mỗi vụ ông thử nghiệm 1 giống khác nhau với mong muốn tìm ra giống phù hợp nhưng vẫn chưa được. Vụ đông xuân năm 2022, được HTX Dịch vụ nông nghiệp xã An Lâm giới thiệu, ông cấy thử 3 sào lúa Bắc Thịnh và thấy hiệu quả. "So với các giống lúa khác, lúa Bắc Thịnh không bị bệnh đạo ôn, nhiễm khô vằn nhẹ, năng suất cao, gạo ăn ngon", ông Cầu cho biết. Vụ này ông Cầu đã chuyển toàn bộ diện tích gần 1 mẫu sang cấy lúa Bắc Thịnh.

Ông Nguyễn Văn Cầu ở thôn Cẩm Lý (bên phải) cùng lãnh đạo HTX Dịch vụ nông nghiệp xã An Lâm thăm cánh đồng lúa Bắc Thịnh

Ông Nguyễn Văn Cầu ở thôn Cẩm Lý (bên phải) cùng lãnh đạo HTX Dịch vụ nông nghiệp xã An Lâm thăm cánh đồng lúa Bắc Thịnh

Trước đây, lúa Bắc Thịnh đã được cấy ở An Lâm nhưng diện tích nhỏ lẻ, manh mún. Năm 2020, HTX Dịch vụ nông nghiệp xã đã tham gia đề tài "Xây dựng mô hình phát triển giống lúa Bắc Thịnh gắn với bao tiêu sản phẩm trên địa bàn huyện" do UBND huyện Nam Sách làm chủ nhiệm với diện tích 1 ha, ở khu đồng thôn An Lương. Tham gia dự án, được hỗ trợ giống, máy cấy, kiểm tra phát hiện sâu bệnh... nên nông dân rất phấn khởi. Lá mạ cứng, không bị đổ khi gió to, không bị bệnh đạo ôn, năng suất đạt 72 tạ/ha, cao hơn các giống đang cấy ở địa phương từ 4-5 tạ/ha.

Vụ đông xuân này, dù chỉ được hỗ trợ 50.000 đồng/sào tiền máy cấy nhưng nông dân vẫn tích cực mở rộng diện tích, lên 55 ha, chiếm 25% diện tích lúa tại địa phương. Gạo Bắc Thịnh được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao vào năm 2022. "Hiện gạo Bắc Thịnh do HTX sản xuất không đủ cung cấp cho người tiêu dùng. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục mở rộng diện tích, tích cực thu mua lúa, sơ chế thành gạo để cung cấp ra thị trường", ông Mạc Đức Tăng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã An Lâm cho biết.

Thấy được hiệu quả từ giống lúa Bắc Thịnh mang lại, vụ đông xuân năm nay, xã Hiệp Cát cũng mở rộng diện tích lúa này lên 12 ha, gần gấp đôi vụ đông xuân năm trước. Ông Phạm Xuân Hiến, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Hiệp Cát cho biết: "Qua vài vụ thử nghiệm, chúng tôi thấy giống lúa này khá phù hợp với địa phương, nhất là giảm sâu bệnh hơn những giống lúa khác nên trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tích cực tuyên truyền để nông dân mở rộng diện tích hơn nữa".

Đưa vào cơ cấu

Lúa Bắc Thịnh do Công ty TNHH Giống cây trồng Bắc Trung Bộ và Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật giống cây trồng nông nghiệp Thanh Hóa hợp tác nghiên cứu chuyển giao từ năm 2006. Năm 2019, lúa được đưa vào cơ cấu giống chủ lực của tỉnh. Vụ mùa 2018, huyện Nam Sách đưa lúa Bắc Thịnh vào sản xuất thử và bước đầu đánh giá phù hợp với điều kiện sản xuất của huyện. Để hình thành, phát triển khu, vùng sản xuất lúa gạo tập trung, ứng dụng cơ giới hóa gắn với kết nối tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, UBND huyện Nam Sách đã thực hiện "Mô hình phát triển giống lúa Bắc Thịnh gắn với bao tiêu sản phẩm trên địa bàn huyện".

Để đưa giống Bắc Thịnh vào đồng ruộng, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, xây dựng các mô hình thử nghiệm. Ngoài mô hình gieo thẳng, huyện còn sử dụng máy cấy để đánh giá hiệu quả của 2 cách gieo trồng. Huyện lựa chọn giống Bắc thơm số 7 là giống truyền thống của địa phương, có nhiều đặc điểm giống Bắc Thịnh để đánh giá hiệu quả kinh tế.

Sau 2 năm (2021-2022) triển khai, Ban chủ nhiệm đề tài đã gieo cấy được 360 ha lúa Bắc Thịnh, diện tích cấy máy đạt 90 ha. Năng suất lúa đạt trung bình 73,4 tạ/ha, trong đó lúa Bắc Thịnh cấy máy đạt 75,7 tạ/ha, cao hơn gieo thẳng 4,3 tạ/ha. Lúa Bắc Thịnh gieo thẳng đạt 71,4 tạ/ha, cao hơn 10,6 tạ/ha so với Bắc thơm 7. Lúa Bắc Thịnh ít sâu bệnh hơn nên dễ trồng, chăm bón. Đặc biệt, lúa được nhiều thương lái ưa chuộng nên đã đặt mua ngay tại ruộng. Nông dân đã tiêu thụ được gần 2.000 tấn thóc, đạt trên 51% sản lượng thóc, giá bán cũng cao hơn từ 1.000-1.500 đồng/kg so với các giống khác. Về hiệu quả kinh tế, lúa Bắc Thịnh cao hơn Bắc thơm số 7 từ 5,8- 7,5 triệu đồng/ha; lúa cấy bằng máy cao hơn lúa gieo thẳng từ 3,5 - 4,2 triệu đồng/ha.

Vụ đông xuân này, toàn huyện gieo cấy 250 ha giống lúa Bắc Thịnh, chiếm 6% tổng diện tích gieo cấy. Người dân các xã An Lâm, Đồng Lạc, Hiệp Cát... ưa chuộng và đưa giống này vào gieo cấy ngày càng nhiều. Huyện cũng đã đưa giống Bắc Thịnh vào cơ cấu của huyện và khuyến khích các địa phương nhân rộng.

Với những ưu điểm và sự quan tâm của huyện Nam Sách cũng như các xã, chắc chắn thời gian tới lúa Bắc Thịnh sẽ trở thành giống chủ lực trong cơ cấu gieo cấy của địa phương này.

THANH HÀ

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/nong-nghiep---nong-thon/trien-vong-lua-bac-thinh-tren-dat-nam-sach-231410