Triển vọng nuôi cá lồng ở Tả Nhìu
Với đặc trưng là huyện miền núi, đa phần các xã của huyện Xín Mần ít có điều kiện phát triển chăn nuôi thủy sản theo hướng hàng hóa; để tận dụng nguồn nước dồi dào của các lòng hồ thủy điện đang là hướng đi đúng đắn của người dân sinh sống giáp mặt hồ. Những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền huyện đã có những chương trình, dự án giúp bà con sinh sống gần vùng lòng hồ thủy điện nắm bắt cơ hội tận dụng nguồn nước để phát triển chăn nuôi cá lồng.
Thôn Tân Sơn, xã Tả Nhìu nằm tiếp giáp với hồ Thủy điện Sông Chảy 6 có điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi cá lồng. Để giúp bà con phát triển sản xuất, UBND xã đã giao cho cán bộ Chương trình Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) hỗ trợ bà con thành lập Nhóm sở thích (NST) nuôi cá lồng theo hướng hàng hóa. NST nuôi cá lồng thôn Tân Sơn được thành lập vào tháng 2.2019, với 10 thành viên tham gia; trong đó có 4 thành viên nữ, 6 thành viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Sau khi được thành lập, nhóm đã được Chương trình CPRP tỉnh tài trợ 110 triệu đồng và đầu tư 8 lồng nuôi cá, với chi phí trung bình 20 triệu đồng/lồng nuôi; tổng kinh phí đầu tư đến thời điểm hiện tại ước tính khoảng 300 triệu đồng. Trong đó, làm lồng nuôi 150 triệu đồng, mua con giống 65 triệu đồng; chi phí thức ăn, thuốc thú y gần 80 triệu đồng.
Là năm đầu thực hiện, nhóm tập trung nuôi 7.000 cá Rô phi, 4.000 cá Chép, 3.000 cá Chuối hoa, 2.000 cá Lăng. Về kỹ thuật chăn nuôi cá lồng, các thành viên trong nhóm được cán bộ hướng dẫn từ chọn con giống, chăm sóc cá con đến trưởng thành và kỹ thuật cho cá ăn... Bên cạnh đó, các thành viên còn học hỏi thêm kỹ thuật chăn nuôi từ sách báo và internet để cập nhật những kỹ thuật phòng bệnh và các loại thức ăn phù hợp. Vừa qua, nhóm đã xuất bán được khoảng 1 tấn cá Rô phi, 6 tạ cá Chép ra thị trường; hiện tại còn khoảng 8 tạ cá Rô phi, 2 tạ cá Chép đang chờ xuất bán.
Chị Vàng Thị Hoa, Trưởng NST nuôi cá lồng thôn Tân Sơn, cho biết: Kinh nghiệm nuôi cá lồng của nhóm còn hạn chế, nên vụ đầu gặp không ít khó khăn do mưa lũ khiến lồng cá bị hỏng, các bệnh dịch ở cá xuất hiện cũng ảnh hưởng đến sản lượng; dù vậy, lứa cá đầu bán ra vẫn thu về 100 triệu đồng. Tháng 3 vừa qua, các thành viên trong nhóm quyết định thả tiếp các loại cá, đồng thời gia cố các bè nuôi và mở rộng thêm 4 lồng cá.
Bên cạnh việc chăn nuôi cá lồng của NST, các hộ khác trong thôn có điều kiện cũng mạnh dạn đầu tư lồng, bè để nuôi cá trong lòng hồ. Anh Sèn Văn Chương, thôn Tân Sơn là một trong những người đầu tiên đầu tư nuôi cá lồng. Từ năm 2019, anh mạnh dạn đầu tư vốn để chăn nuôi cá lồng với quy mô 2 lồng nuôi cá và 1 lồng nuôi ếch. Do hiểu biết về kỹ thuật chăn nuôi, nên các lồng cá của anh phát triển tốt, cùng đó, anh còn có một nhà hàng nên tự đảm bảo đầu ra cho sản phẩm của mình. Anh Chương cho biết, số cá nuôi hiện chỉ đủ cung cấp phục vụ khách đến ăn tại nhà hàng của gia đình và phần ít bán ra ngoài, được đánh giá cao về chất lượng cá thịt. Hiện tại, anh đang lên kế hoạch mở rộng quy mô lồng nuôi và sẽ nuôi thử nghiệm một số loại cá đặc sản như Trê ta, cá Bỗng .
Các nhà hàng và người tiêu dùng khu vực thị trấn Cốc Pài đánh giá cao chất lượng cá lồng của bà con nuôi tại lòng hồ thủy điện; bởi thịt ngon cũng như đảm bảo về nguồn gốc; hầu hết cá nuôi trên lòng hồ thủy điện đều được bán hết ngay khi thu hoạch. Hiện, nguồn cung các loại thủy sản phục vụ bà con trên địa bàn huyện vẫn phụ thuộc chủ yếu từ bên ngoài. Việc phát triển nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện là hướng đi hiệu quả, giúp cung cấp nguồn thực phẩm sạch ngay tại địa phương.
Cùng với xã Tả Nhìu, trên địa bàn huyện còn có các xã: Nấm Dẩn, Bản Ngò, Pà Vầy Sủ cũng có điều kiện để phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện. Đây là hướng đi thích hợp, tận dụng được lợi thế từ các hồ thủy điện trên địa bàn huyện. đồng thời giúp các hộ chăn nuôi có việc làm cũng như thu nhập ổn định.
Bài, ảnh: Trọng Toan
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202005/trien-vong-nuoi-ca-long-o-ta-nhiu-760252/