Triển vọng phát triển ngành hàng rau quả

Xác định sản xuất sạch, thân thiện với môi trường là hướng đi bền vững của các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển các HTX ngành hàng rau quả theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm xây dựng chuỗi sản phẩm rau củ quả an toàn. Qua đó từng bước giúp các HTX nông nghiệp tìm đầu ra, ổn định sản xuất.

Gia đình chị Bùi Thị Lan, xóm Sáng Trong, xã Đú Sáng (Kim Bôi) - thành viên HTX nông nghiệp xanh Kim Bôi phát triển mô hình trồng ớt đỏ cho hiệu kinh tế cao.

Gia đình chị Bùi Thị Lan, xóm Sáng Trong, xã Đú Sáng (Kim Bôi) - thành viên HTX nông nghiệp xanh Kim Bôi phát triển mô hình trồng ớt đỏ cho hiệu kinh tế cao.

Được thành lập từ năm 2018 với mô hình sản xuất rau an toàn, HTX nông nghiệp xanh Kim Bôi tại xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi do anh Bùi Thanh Sơn làm giám đốc hiện được xem là HTX xây dựng thành công chuỗi cung ứng các mặt hàng nông sản an toàn tại những thị trường lớn như Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Với diện tích hơn 20 ha đạt tiêu chuẩn sản xuất VietGAP, HTX nông nghiệp xanh Kim Bôi chuyên sản xuất một số loại rau củ chính là dưa chuột Nhật, rau cải, củ cải. Mới đây, HTX đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng khi vận động các thành viên đưa vào trồng mới giống ớt đỏ cao sản nhằm xây dựng vùng nguyên liệu cho nhà máy chế biến thực phẩm tại Hưng Yên và thành phố Hà Nội.

Anh Bùi Thanh Sơn, Giám đốc HTX cho biết: Với diện tích canh tác hiện có, HTX xoay vòng chuyên sản xuất một số mặt hàng nông sản chủ lực như dưa chuột, củ cải. Tuy nhiên, sau khi tiếp cận và trồng thử nghiệm thành công, HTX đã vận động các hộ thành viên trồng đại trà giống ớt đỏ quả to để cung cấp cho các nhà máy chế biến thực phẩm. Hiện nay, diện tích ớt tại HTX đạt hơn 10 ha, năng suất từ 50 - 70 tấn/ha/năm. Bước đầu thu hoạch cho thấy, cây ớt mang lại giá trị cao hơn so với một số cây trồng trước kia như bí xanh, mướp đắng và được nhà máy bao tiêu sản phẩm hoàn toàn.

Là một trong những hộ tiên phong chuyển đổi từ cây trồng truyền thống sang trồng ớt đỏ, chị Bùi Thị Lan, xóm Sáng Trong cho biết: Trồng ớt theo tiêu chuẩn VietGAP - nông nghiệp tốt không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu độc hại... tôi thấy có triển vọng hơn so với một số cây trồng trước đó. Ớt chín được HTX bao tiêu sản phẩm. Trung bình mỗi lứa ớt thu từ 8 - 10 triệu đồng, 1 năm thu 4 lứa, tôi có thể thu khoảng 40 triệu đồng từ cây ớt.

Là HTX chuyên trồng và liên kết tiêu thụ bí xanh, mướp đắng, trong những năm qua, HTX dịch vụ nông nghiệp Độc Lập, xã Độc Lập, thành phố Hòa Bình không chỉ chú trọng xây dựng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, an toàn thực phẩm mà còn từng bước ứng dụng khoa học công nghệ để sơ chế và chế biến một số mặt hàng từ nông sản địa phương.

Anh Bùi Trung Kiên, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Độc Lập cho biết: Trước đây, HTX chuyên trồng và cung cấp các sản phẩm bí xanh, mướp đắng cho thị trường Hà Nội. Do diện tích canh tác và liên kết sản xuất của HTX khá lớn, lên đến 30 ha. Vì vậy, để có thể giúp các hộ nông dân tiêu thụ sản phẩm, HTX tự nghiên cứu cho ra một số dòng sản phẩm mới như sản phẩm khô từ bí xanh, mướp đắng và một số sản phẩm sơ chế như xà bông bí xanh, nước rửa chén, nước lau sàn từ bí xanh, mướp đắng.

Cũng như HTX nông nghiệp xanh Kim Bôi và HTX dịch vụ nông nghiệp Độc Lập, gần 100 HTX nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã trở thành cầu nối tiêu thụ các sản phẩm rau củ quả an toàn trên địa bàn tỉnh. Đồng thời đóng vai trò quan trọng định hướng, hỗ trợ các hộ sản xuất ứng dụng khoa khọc kỹ thuật vào canh tác, góp phần đưa nông sản địa phương phát triển theo hướng bền vững.

Theo đồng chí Đinh Thị Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, để các HTX nông sản, nhất là các HTX sản xuất rau củ quả an toàn phát triển, Liên minh chú trọng phát triển thành ngành hàng rau củ quả, xây dựng các chuỗi liên kết. Để thực hiện mục tiêu đó, Liên minh tăng cường phối hợp các sở, ngành, địa phương hỗ trợ cho các HTX về vốn, tập huấn chuyển giao kỹ thuật canh tác, gieo trồng mới, đồng thời phối hợp ngành nông nghiệp xây dựng, quản lý chất lượng nông sản, trong đó chú trọng về sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, an toàn thực phẩm, cấp mã số vùng trồng, cấp tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông sản rau củ quả sạch của địa phương.

Với những nỗ lực xây dựng và phát triển ngành hàng rau củ quả, các HTX trên địa bàn tỉnh đã góp phần tăng diện tích được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; sản lượng rau, đậu được sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng trong 6 tháng đầu năm đạt trên 106 nghìn tấn, tăng 102% so với cùng kỳ.

Đinh Hòa

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/180121/trien-vong-phat-trien-nganh-hang-rau-qua.htm