Triển vọng tốt đẹp giáo dục với người khuyết tật

Tại Việt Nam, việc coi người khuyết tật là một phần của cộng đồng, có quyền sống, học tập và lao động đã thể hiện rõ trong chính sách của nhà nước.

Người khuyết tật là một phần của cộng đồng, có quyền sống, học tập và lao động. Ảnh minh họa

Người khuyết tật là một phần của cộng đồng, có quyền sống, học tập và lao động. Ảnh minh họa

Người khuyết tật và các vấn đề chung

Ngày 22 tháng 10 năm 2007, Chính phủ Việt Nam đã ký tham gia Công ước quyền của Người khuyết tật (Công ước, Convention on the Rights of Persons with Disabilities). Từ đó, chúng ta đã có những quy định căn bản tạo hành lang pháp lý để thực thi Công ước này.

Ngày 17 tháng 6 năm 2010, Quốc hội khóa XII của nước ta đã thông qua Luật Người khuyết tật (Luật Người khuyết tật 2010). Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng nhất để các Bộ ngành liên quan tiếp tục xây dựng hoàn thiện các chính sách liên quan đến người khuyết tật.

Trong Công ước quốc tế về quyền của Người khuyết tật, khái niệm “người khuyết tật” đã được sử dụng theo mô hình xã hội (social model of disability), thay cho cách hiểu truyền thống trước đây theo kiểu mô hình “chăm sóc y tế” (medical model of disability): người khuyết tật bao gồm những người có những suy giảm (khiếm khuyết) về giác quan, trí tuệ, thần kinh, thể chất một cách lâu dài và gặp những trở ngại khác nhau khi tương tác từ đó cản trở sự tham gia một cách đầy đủ và hiệu quả trong xã hội trên cơ sở bình đẳng với những người khác.

Trước những năm 60 của thế kỷ XX, người khuyết tật chủ yếu được nhìn nhận theo mô hình “chăm sóc tế”, theo đó người khuyết tật bị coi là các “đối tượng” của phúc lợi xã hội mà không phải là các chủ thể có quyền như một công dân khác.

Từ những năm 60 thế kỷ XX trở đi xuất hiện quan điểm trên cơ sở mô hình xã hội về khuyết tật, đặc biệt ở Anh những năm 80 của thế kỷ XX đã xác định cụ thể mô hình xã hội cho khái niệm “ người khuyết tật”.

Cách nhìn nhận người khuyết tật theo mô hình xã hội đã giúp có sự thay đổi trong việc xem xét khái niệm khuyết tật và người khuyết tật, theo đó những người khuyết tật là những người có khả năng, có quyền sống và lao động như những người khác chứ không phải là một đối tượng cận nhận sự “chiếu cố” của xã hội.

Ảnh minh họa/ INT

Ảnh minh họa/ INT

Ba phương thức giáo dục đối với người khuyết tật

Trên thế giới cũng như tại Việt Nam (Luật Người khuyết tật 2010), có ba phương thức chủ yếu để bảo đảm giáo dục đối với người khuyết tật: giáo dục hòa nhập, giáo dục bán hòa nhập và giáo dục chuyên biệt, trong đó giáo dục hòa nhập là phương thức giáo dục đang được quan tâm ưu tiên nhất đối với người khuyết tật.

Phương thức giáo dục hòa nhập (inclusive education): Giáo dục hòa nhập là phương thức giáo dục chung người khuyết tật với người không khuyết tật trong cơ sở giáo dục, tức là người khuyết tật cùng học chung trong các lớp với người không khuyết tật tại trường phổ thông, thường là ngay tại nơi người khuyết tật sinh sống. Phương thức này thường được coi là phươg pháp được ưu tiên.

Các nước thường rất chú trọng đến phương thức giáo dục này đối với người khuyết tật, trong đó các nước có điều kiện kinh tế xã hội phát triển, chính sách an sinh tốt thì chủ yếu sử dụng và sử dụng hiệu quả phương thức giáo dục này (như các nước Bắc Âu).

Lý do: giáo dục hòa nhập thừa nhận mọi người là khác nhau, và sự khác nhau đó có thể đóng góp để tạo ra một môi trường nhà trường tốt hơn cho tất cả mọi người. Những sự khác biệt không đơn thuần là sự khoan dung mà là những vòng tay, tất cả người khuyết tật đều được chào đón bất chấp khả năng, tuổi tác, ngôn ngữ, tình trạng kinh tế và xã hội, giới tính và sức khỏe.

Phương thức giáo dục chuyên biệt (special education): Giáo dục chuyên biệt là phương thức giáo dục dành riêng cho người khuyết tật trong cơ sở giáo dục lập ra để dành cho người khuyết tật. Nói cách khác đối với phương thức giáo dục này, học sinh khuyết tật tham gia học trong các lớp chuyên biệt hoặc trong trường chuyện biệt. Hầu hết các trường, lớp chuyên biệt tập trung vào hỗ trợ sự phát triển các kĩ năng cá nhân và kĩ năng xã hội để học sinh có thể sống độc lập tới mức tối đa sau khi hoàn thành xong chương trình.

Phương thức giáo dục chuyên biệt là phương thức giáo dục đầu tiên và có lịch sử lâu dài trong giáo dục dành cho người khuyết tật. Các trường dành cho người điếc, trường dành cho người mù ở châu Âu đã có lịch sử rất lâu đời và đã góp phần giúp cho nhiều người khuyết tật được học hành và từ đó ghi lại được dấu ấn vì những đống góp của họ đối với nhân loại.

Phương thức giáo dục bán hòa nhập (semi-inclusive education): Giáo dục bán hòa nhập là phương thức giáo dục kết hợp giữa giáo dục hòa nhập và giáo dục chuyên biệt cho người khuyết tật trong cơ sở giáo dục. Những học sinh này tham gia vào một số hoạt động cùng học sinh không khuyết tật trong trường học.

Những hoạt động này có thể là những hoạt động ở một số môn học, hoạt động giáo dục. Thời gian còn lại, học sinh khuyết tật được học trong các lớp với nhau, theo kế hoạch giáo dục cá nhân phù hợp với khả năng và nhu cầu. Do địa hình hết sức rộng lớn, số trường chuyên biệt chỉ có rất ít hoặc không có, trong khi đó không phải học sinh khuyết tật nào cũng có thể học hòa nhập có hiệu quả trong điều kiện thưc tế hiện có, cho nên để bảo đảm quyền được học tập, phương thức này đóng vai trò hết sức quan trọng trong thực tế ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển.

Thực trạng về người khuyết tật và giáo dục đối với người khuyết tật

Theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính cứ 6 người sống trên trái đất có một người có những vấn đề liên quan đến khuyết tật, hay có đến 1,3 tỷ người trên trái đất, chiếm khoảng 16% có vấn đề liên quan đến khuyết tật. Trong báo cáo toàn cầu năm 2011 (World Report on Disability 2011, thông tin trên trang của WHO) thì có khoảng 2-4% dân số trên thế giới có vấn đề về khuyết tật chức năng ở dạng nặng. Báo cáo này cũng cho rằng số người được xác định khuyết tật trên thế giới có xu hướng tăng lên so với những năm 1970 của thế kỷ XX và hiện nay đã có thể chiếm đến 10% dân số toàn thế giới.

Ngày 11 tháng 01 năm 2019 – Tổng cục Thống kê và UNICEF công bố kết quả Điều tra Quốc gia trong hai năm 2016 và 2017 về Người Khuyết tật tại Việt Nam, theo đó, Việt Nam có hơn 7% dân số từ 2 tuổi trở lên – tức khoảng hơn 6,2 triệu người là người khuyết tật và 2,79% trẻ từ 2 đến 17 tuổi có khuyết tật[1].

Giai đoạn 2011 - 2015, tỷ lệ học sinh khuyết tật trong tổng số học sinh là 0,7% đối với cấp tiểu học, 0,28% đối với cấp trung học cơ sở (THCS) và khoảng dưới 1% đối với cấp trung học phổ thông (THPT)[2]. Đa số trẻ khuyết tật nặng mới chỉ tham gia học chương trình tiểu học. Số năm học trung bình mà trẻ khuyết tật được học trong trường phổ thông thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ chung của học sinh trong cùng độ tuổi.

Các cơ sở giáo dục dành cho người khuyết tật còn rất thiếu, cơ hội cho người khuyết tật tham gia giáo dục xóa mù chữ và giáo dục thường xuyên còn thấp. Hơn nữa, những hộ gia đình có thành viên là người khuyết tật thường có điều kiện kinh tế khó khăn hơn so với mặt bằng chung, trẻ em khuyết tật có nguy cơ ít được đi học hơn các bạn cùng trang lứa, cơ hội việc làm cho người khuyết tật cũng thấp hơn những người không khuyết tật.

Trên thế giới, giáo dục dành cho người khuyết tật cũng là vấn đề rất được quan tâm. Tuy vậy, theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, khoảng 1/3 trẻ em ngoài nhà trường (out of school children) là trẻ em khuyết tật, chỉ có dưới 5% người khuyết tật trên toàn thế giới đạt được mục tiêu là hoàn thành cấp học tiểu học trong Mục tiêu giáo dục cho mọi người-Education For All (EFA).

Cũng theo báo cáo của UNESCO qua nghiên cứu từ các nước khối OECD thì chỉ có khoảng 0,6 đến 4,6 % học sinh khuyết tật được nhận các hỗ trợ trong học tập liên quan đến học tập của mình khi tham gia giáo dục bắt buộc. Tuy vậy, cũng có một số điểm sáng về sự hỗ trợ cho học sinh khuyết tật khi tham gia giáo dục bắt buộc như ở Bỉ (tới 98% học sinh các trường chuyên biệt), ở Nhật (56% học sinh học bán hòa nhập, trong các lớp chuyên biệt ở các trường thông thường), và ở bang New Brunswick-Canada (100% học sinh học hòa nhập trong các lớp học thông thường).

Các phương thức giáo dục đối với học sinh khuyết tật cũng có sự khác biệt ở các nước, các vùng tển thế giới: nếu tính đối với 100 ngàn học sinh học giai đoạn giáo dục bắt buộc thì số lương học sinh học ở các trường chuyên biệt dao động từ 0 (bang New Brunswick-Canada) đến 82 (ở Mexico). Cũng theo báo cáo này thì số lượng học sinh khuyết tật trong một trường chuyên biệt có từ 12 đến 132 em.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, ở các nước có nền kinh tế, giáo dục phát triển như Nauy, Thụy Điển, Phần Lan đã triển khai giáo dục hòa nhập (GDHN) ở tất cả các cấp học. Trẻ khuyết tật được tham gia học tập tại các trường hòa nhập gần nhà, bên cạnh đó các em được nhận các dịch vụ giáo dục đặc biệt từ các chuyên gia và các cơ sở giáo dục chuyên biệt (GDCB) theo khả năng và nhu cầu.

Nhóm các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Anh, Úc, Pháp, Nga, và gần Việt Nam như Malaysia, Thái Lan,… từng bước thực hiện GDHN nhưng bên cạnh đó vẫn tiếp tục phát triển hệ thống các cơ sở GDCB. Tuy vậy, ở một số nước đặc biệt là các nước đnag phát triển nhưu Thái Lan, phương thức giáo dục bán chuyên biệt vẫn hết sức được coi trọng, để bảo đảm quyềnd dược học tập đối với học sinh khuyết tật.

Ảnh minh họa/ INT

Ảnh minh họa/ INT

Ở Việt Nam, học sinh khuyết tật có thể học tập theo phương thức giáo dục hòa nhập (tại các trường thông thường cùng các bạn không khuyết tật). Số liệu học sinh khuyết tật học hòa nhập tại các trường tiểu học dao động từ 55 ngàn đến 65 ngàn học sinh (số liệu năm học 2018-2019 và 2019-2022). Ngoài ra, học sinh khuyết tật học trong các trường chuyên biệt (có khoảng 100 cơ sở, thuộc cả quản lý của ngành giáo dục và ngành lao động-thương binh xã hội; chủ yếu học sinh khuyết tật mức độ nặng) và các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập. Giáo dục bán chuyên biệt hiện nay chỉ còn ở một số địa phương, tức là lớp học cho học sinh khuyết tật trong các trường phổ thông như Thừa Thiên Huế và Bến Tre.

Loại hình trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập là một loại hình cơ sở giáo dục mới xuất hiện ở Việt Nam dành cho học sinh khuyết tật. Lúc đầu, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập không có chức năng giáo dục học sinh khuyết tật. Chính vì vậy, với điều kiện thực tế tại Việt Nam chúng ta hiện nay việc phát triển một mạng lưới các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập rất khó khăn. Đến tháng 5 năm 2022, Việt Nam chỉ phát triển được 15 trung tâm hỗ trợ phát triển GDHN cấp tỉnh (bên cạnh 16 cơ sở GDCB cấp tỉnh công lập thuộc ngành giáo dục quản lý).

Các trung tâm hỗ trợ phát triển GDHN hầu hết đều mới được thành lập hoặc được chuyển đổi từ trường chuyên biệt. Do đó, các trung tâm hỗ trợ phát triển hò nhập hoạt động khó khăn (chủ yếu vẫn tổ chức giáo dục theo phương thức giáo dục chuyên biệt cho học sinh khuyết tật mặc dù không có chức năng này). Vai trò hỗ trợ GDHN của các trung tâm hỗ trợ phát triển hòa nhập còn mờ nhạt tại các địa phương.

Cuối năm 2022, Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư số 20/2022/TT-BGDĐT quy định về quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, trong đó bên cạnh các nhiệm vụ chủ yếu là can thiệp giáo dục sớm và hỗ trợ cho giáo dục hòa nhập, các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập có thể chức năng tổ chức giáo dục đối với học sinh khuyết tật để chuẩn bị tốt hơn cho các học sinh tham gia học hòa nhập hoặc giúp giáo dục chuyên biệt cho các học sinh chưa đủ điều kiện tham gia giáo dục hòa nhập được.

Vấn đề bảo đảm giáo dục bắt buộc đối với người khuyết tật

Trung Quốc ban hành riêng Luật về Giáo dục bắt buộc, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 9 năm 2006. Bên cạnh các vấn đề chung về giáo dục bắt buộc, Luật về Giáo dục bắt buộc của Trung Quốc đã dành Điều 19 đề cập đến vấn đề giáo dục bắt buộc đối với học sinh khuyết tật.

Cụ thể trong đó có quy định rõ ở Điều 19 ”Chính quyền nhân dân ở các cấp trên cơ sở nhu cầu thực tế thành lập các trường chuyên biệt (lớp chuyên biệt) để thực hiện giáo dục theo phương thức giáo dục chuyên biệt một cách phù hợp cho thanh, thiếu niên độ tuổi đi học có các dang khuyết tật khác nhau (khuyết tật nhìn, nghe nói hoặc thần kinh) để bảo đảm giáo dục bắt buộc.

Trường (lớp) trên phải có cơ sở vật chất, thiết bị phù hợp để học sinh khuyết tật được thuận lợi trong tiếp cận và học tập. Các trường phổ thông thông thường phải cho phép những học sinh khuyết tật trong độ tuổi tham gia các lớp học khi học sinh khuyết tật có thể thực hiện được (giáo dục hòa nhập)”.

Ảnh minh họa/ INT

Ảnh minh họa/ INT

Các nước châu Âu thường quy định về giáo dục bắt buộc từ khi bắt đầu cấp học tiểu học hoặc năm cuối của bậc mầm non. Giáo dục bắt buộc ở phần lớn các nước châu Âu quy định là hết cấp trung học cơ sở (junior secondary school). Một số quốc gia châu Âu quy định giáo dục bắt buộc thêm một hoặc hai năm của giáo dục trung học phổ thông (high school).

Một trong những đặc điểm nổi bật của các nước chấu Âu là quy định về giáo dục bắt buộc là quy định về lứa tuổi bắt buộc phải ngồi trong ghế nhà trường (thay cho cấp học như chúng ta). Đây là một điểm rất đáng chú ý, thể hiện rõ một quan điểm về giáo dục mà nhiều nước phát triển: giáo dục phù hợp với khả năng, nhu cầu để phát triển tiềm năng của cá nhân mỗi người, đặc biệt đối với người khuyết tật. Trên cơ sở này, chương trình giáo dục phổ thông của phần lớn các nước châu Âu đều có quy dịnh riêng một mục cho học sinh có nhu cầu giáo dục đặc biệt (SEN tức special educational needs hoặc SEND tức special educational needs and disabilities).

Một lưu ý hết sức quan trọng mà chúng ta cũng cần tính đến là đa số các nước trên thế giới đều đưa ra giáo duc bắt buộc cho học sinh đến tuổi 15. Một số nước đã nâng lên lứa tuổi 17 thậm chí là 18. Đây là một xu hướng rất quan trọng và đang diễn ra ở nhiều nước châu Âu: Đức tùy theo bang nhưng giáo dục bắt buộc thường là 11 năm, chỉ có một số ít bang là 9-10 năm; tại Ireland giáo dục bắt buộc từ 6-16 tuổi; Hà Lan và Hungary yêu cầu nếu chưa hoàn thành giáo dục cơ bản thì thanh thiếu niên phải tiếp tục học trong các nhà trường đến 18 tuổi trong khi trẻ em khác nếu hoàn thành giáo dục cơ bản thì có thể rời khỏi nhà trường ở tuổi 16 ; Pháp yêu cầu học sinh ở trong các nhà trường dài nhất châu Âu với 15 năm, từ 3 đến 18 tuổi; (xem [EUFACTS]).

Ở Việt Nam chúng ta ngay từ Hiến pháp đầu tiên (HIến pháp năm 1946) đã quy định rõ (Điều thứ 15)

“Nền sơ học cưỡng bách và không học phí. Ở các trường sơ học địa phương, quốc dân thiểu số có quyền học bằng tiếng của mình.

Học trò nghèo được Chính phủ giúp.

Trường tư được mở tự do và phải dạy theo chương trình Nhà nước.”

Như vậy, Hiến pháp 1946 đã quy định về giáo dục bắt buộc (cưỡng bức) là giá dục tiểu học (sơ học) đối với mọi công dân Việt Nam và khi đi học cấp học bắt buộc thì học sinh được miễn phí. Tiếp theo tinh thần này, Hiến pháp hiện nay của Việt Nam (Hiến pháp 2013) cũng quy định (Khoản 2 Điều 61):

“ Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; chăm lo giáo dục mầm non; bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí; từng bước phổ cập giáo dục trung học; phát triển giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; thực hiện chính sách học bổng, học phí hợp lý.”

Cụ thể hóa thêm quy định này của Hiến pháp 2013, Luật Giáo dục 2019 thể hiện rõ hơn tại Điều 14:

“1. Giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc.

Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 05 tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

2. Nhà nước chịu trách nhiệm thực hiện giáo dục bắt buộc trong cả nước; quyết định kế hoạch, bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục.

3. Mọi công dân trong độ tuổi quy định có nghĩa vụ học tập để thực hiện phổ cập giáo dục và hoàn thành giáo dục bắt buộc.

4. Gia đình, người giám hộ có trách nhiệm tạo điều kiện cho các thành viên của gia đình trong độ tuổi quy định được học tập để thực hiện phổ cập giáo dục và hoàn thành giáo dục bắt buộc.”

Như vậy, vấn đề giáo dục bắt buộc tại Việt Nam được quy định theo cấp học (tiểu học), trách nhiệm của Nhà nước bảo đảm các điều kiện để thực hiện giáo dục bắt buộc trong toàn quốc, gia đình có trách nhiệm tạo điều kiện để các thành viên trong gia đình hoàn thành giáo dục bắt buộc.

Qua nghiên cứu các quy định về giáo dục bắt buộc ở các nước khác và Việt Nam chúng ta có thể thấy rõ những vấn đề giống nhau: trách nhiệm của Nhà nước bảo đảm để thực hiện giáo dục bắt buộc, miễn phí; gia định tạo điều kiện (có trách nhiệm) để con em mình hoàn thành giáo dục bắt buộc. Tuy nhiên, cũng cần thấy trong khi nhiều nước phát triển lại quy định giáo dục bắt buộc là số năm bắt buộc hoặc độ tuổi nhất định mỗi công dẫn phải đi học (trong nhà trường) chứ không phải là cấp học học sinh phải hoàn thành.

Ảnh minh họa/ INT

Ảnh minh họa/ INT

Giải pháp để Việt Nam có thể bảo đảm thực hiện giáo dục bắt buộc đối với người khuyết tật

a) Giải pháp về lập Quy hoạch và triển khai thực hiện Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống tryng tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2050:

Luật Quy hoạch 2017 và Quyết định số 995/QĐ-TTg, ngày 09 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về giao nhiệm vụ cho các bộ tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, trong đó Bộ GDĐT được giao tổ chức lập Quy hoạch hệ thống cơ sở GDCB và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển GDHN dành cho người khuyết tật.

Quy hoạch hệ thống cơ sở GDCB và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển GDHN dành cho người khuyết tật phải đáp ứng yêu cầu tăng cường cơ hội tiếp cận giáo dục cho người khuyết tật và phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, giải quyết đồng bộ các vấn đề chồng chéo, mâu thuẫn có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh; phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của các cơ sở GDCB và trung tâm hỗ trợ phát triển GDHN dành cho người khuyết tật.

Đây là nhiệm vụ mang tính cấp thiết trong giai đoạn hiện nay đối với người khuyết tật. Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập là cơ bản xác định một mạng lưới các cơ sở giáo dục dành cho học sinh khuyết tật, tồn tại song song với hệ thống các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; để hỗ trợ việc thực hiện mục tiêu bảo đảm quyền được học tập và học tập có chất lượng của học sinh khuyết tật; đặc biệt là để bảo đảm các quy định trong Hiến pháp 2013 cũng như Luật Giáo dục 2019 về giáo dục bắt buộc (cấp tiểu học) và phổ cập giáo dục (mầm non 5 tuổi, Trung học cơ sở).

Để phù hợp với thực tiễn, hệ thống đó sẽ nên bao gồm một mạng lưới cơ sở giáo dục tối thiểu dành cho học sinh khuyết tật “phải có” và cơ bản phải do Nhà nước chịu trách nhiệm bên cạnh việc khuyến khích loại hình tư thục phát triển đáp ứng như cầu xã hội và chất lượng cao.

Như vậy, sau khi Quy hoạch được phê duyệt, các địa phương trong giai đoạn 2020-2030 và cho đến năm 2050 sẽ triển khai quy hoạch để chúng ta sẽ có một mạng lưới các cơ sở giáo dục dành cho học sinh khuyết tật. Mạng lưới đó sẽ bảo đảm các quy định trong Hiến pháp 2013 cũng như Luật Giáo dục 2019 về giáo dục bắt buộc (cấp tiểu học) và phổ cập giáo dục (mầm non 5 tuổi, Trung học cơ sở). Hay nói cách khác, mạng lưới đó sẽ góp phần quan trọng vào việc bảo đảm giáo dục bắt buộc đối với học sinh khuyết tật và từng bước để bảo đảm phổ cập giáo dục trung học cơ sở cho đối tượng này.

b) Giải pháp về xây dựng hành lang pháp lý cho các cơ sở giáo dục dành cho học sinh khuyết tật hoạt động hiệu quả.

Để chuẩn bị cho mạng lưới các cơ sở giáo dục dành cho học sinh khuyết tật được các địa phương xây dựng theo Quy hoạch sẽ được Thủ tướng phê duyệt, các địa phương sẽ triển khai và đi vào hoạt động có hiệu quả, một số văn bản sau cần được dần dần nghiên cứu ban hành:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập đã được ban hành kèm theo Thông tư số 20/2022/TT-BGDĐT. Với vai trò mới của Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, cụ thể Trung tâm là một cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và được phép tổ chức dạy và học cho học sinh khuyết tật bên cạnh việc hỗ trợ các học sinh học hòa nhập và bán hòa nhập ở các địa phương, các địa phương có cơ hội triển khai thành lập các cơ sở giáo dục loại hình này để phục vụ cho mục tiêu giáo dục cho học sinh khuyết tật.

Thứ hai, Quy chế tổ chức và hoạt động của trường, lớp dành cho học sinh khuyết tật, hay nói cácch khác các trường chuyên biệt và lớp chuyên biệt dành cho học sinh khuyết tật. Mặc dù chúng ta khuyến khích giáo dục hòa nhập, chúng ta phải thấy một điều rất rõ ràng rằng với điều kiện hiện nay vẫn cần phải tồn tại loại hình trường chuyên biệt cho học sinh khuyết tật. Luật Người khuyết tật 2010 cũng quy định phương thức giáo dục chuyên biệt, trong khi đó lại không có quy định thành lập loại hình này thế nào. Hiện nay, quy chế tổ chức và hoạt động của loại hình trường này cũng không có. Điều này dẫn đến việc hoạt động còn gặp nhiều khó khăn của loại hình này.

Tương tự như vậy cho loại hình lớp chuyên biệt cho học sinh khuyết tật trong các trường phổ thông/mầm non cho học sinh không khuyết tật. Để bảo đảm quyền được học tập cho học sinh khuyết tật thì loại hình lớp này cũng là một giải pháp quan trọng (từ kinh nghiệm của rất nhiều nước trên thế giới) cho việc bảo đảm quyền được hoàn thành giáo dục bắt buộc đối với học sinh khuyết tật.

Thứ ba, khi có mạng lười các cơ sở giáo dục dành cho học sinh khuyết tật (trường chuyên biệt/lớp chuyên biệt cho học sinh khuyết tật, Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập), cần phải có quy định về tiêu chuẩn cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục/đò chơi cho các loại hình trường lớp này. HIện nay, do chưa có nên phải áp dụng tiêu chuẩn đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và phù hợp với học sinh khuyết tật. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời khi chưa thể ban hành cụ thể các quy định cho các loại hình cơ sở giáo dục này.

Cuối cùng, chế độ làm việc, vị trí việc làm cho giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục dành cho học sinh khuyết tật. Tương tư như cơ sở vật chất, hiện nay chúng ta đang phải áp dụng thông qua khung vị trí việc làm, chế độ làm việc của giáo viên mầm non, phố thông. Tuy nhiên, lâu dài chúng ta cần những quy định riêng cho loại hình đặc thù này.

c) Giải pháp về quản lý, chỉ đạo việc tổ chức dạy và học đối với học sinh khuyết tật.

Trong những năm vừa qua, mặc dù Luật Người khuyết tật đã có những quy định về vấn đề ”được học tập phù hợp với nhu cầu và khả năng của người khuyết tật”được miễn, giảm một số môn học hoặc nội dung và hoạt động giáo dục mà khả năng của cá nhân không thể đáp ứng”. Tuy nhiên, vẫn còn một số cách hiểu chưa đúng đắn trong quản lý chỉ đạo việc tổ chức dạy và học, dẫn đến vấn đề học tập của học sinh khuyết tật gặp nhiều khó khăn trong thực tiễn các địa phương.

Thứ nhất, chúng ta cần thống nhất về quan điểm học sinh khuyết tật được học tập phù hợp với nhu cầu và khả năng. Do đó, học sinh khuyết tật khi tham gia học tập cần được đánh giá mức độ nhận thức, nhu cầu để xây dựng chương trình học tập cho chính học sinh khuyết tật đó; đó là kế hoạch giáo dục cá nhân của học sinh khuyết tật. Có thể nói một cách cụ thể rằng kế hoạch giáo dục cá nhân chính là chương trình giáo dục của học sinh khuyết tật. Chương trình giáo dục đó được dựa vào chương trình giáo dục chung, được miễn, giảm một số môn học hoặc nội dung và hoạt động giáo dục mà khả năng của cá nhân không thể đáp ứng trên cơ sở đánh giá khả năng và nhu cầu của học sinh.

Đặc biệt, Thông tư số 20/2022/TT-BGDĐT có quy định học sinh khuyết tật khi học theo phương thức giáo dục chuyên biệt (khi học tập tại các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập hoặc các cơ sở giáo dục chuyen biệt, các lớp chuyên biệt trong các trường phổ thông) được học tập ít nhất 5 tiết/tuần về các kỹ năng đặc thù. Đây là một điểm rất quan trọng trong quan điểm tổ chức dạy và học cho học sinh khuyết tật, bên cạnh những kiến thức phù hợp với học sinh khuyết tật, cần hình thành và phát triển cho học sinh khuyết tật các kỹ năng đặc thù nhằm vượt qua những khó khăn do dạng tật gây nên, giúp cho học sinh có thể hòa nhập cuộc sống với cộng đồng sau này.

Thứ hai, khi kế hoạch giáo dục cá nhân của học sinh đã được xây dựng thì việc kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục học sinh khuyết tật cần được xây dựng trên cơ sở kế hoạch giáo dục cá nhân đó (chương trình giáo dục của học sinh). Đây là vấn dề hết sức quan trọng cần làm rõ và quán triệt để việc triển khai dạy và học có hiệu quả.

Ví dụ, nếu chương trình giáo dục học sinh khuyết tật A (thể hiện trong kế hoạch giáo dục của học sinh A đó), nội dung môn Toán đề ra trong năm học đó là biết, đếm và hiểu được các số từ 1-100 (thay cho đầy đủ phải là nhiều nội dung nữa ví dụ như thực hiện được các phép tính,...), vậy, khi kiểm tra, đánh giá học sinh A này, giáo viên chỉ đánh giá trên cơ sở mục tiêu đặt ra trong kế hoạch giáo dục cá nhân đó (khi tổ chức học tập và đánh giá thường xuyên, kiểm tra định kỳ cho học sinh A đó), không lấy kiến thức môn Toán cùng lớp học sinh A của các học sinh khác, không khuyết tật hoặc kiến thức mà học sinh khuyết tật khác để kiểm tra đánh giá học sinh khuyết tật A.

Thứ ba, học sinh khuyết tật học theo kế hoạch giáo dục cá nhân hay chương trình giáo dục riêng của học sinh đó nên đồi hỏi giáo viên khi dạy lớp có học sinh khuyết tật thì sẽ phải phát huy tối đa phương pháp dạy học phân hóa, cá thể hóa để có thể hỗ trợ được học sinh khuyết tật học tập có hiệu quả. Giáo viên sẽ vất vả hơn, cần có nhiều sự hỗ trợ hơn trong quá trình thực thi nhiệm vụ chuyên môn. Khi đó các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và lâu dài là các trường chuyên biệt đối với học sinh khuyết tật sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc ”hỗ trợ” các giáo viên này, đặc biệt đối với các giáo viên dạy học sinh khuyết tật học hòa nhập và học sinh học bán hòa nhập.

Cuối cùng, học sinh khuyết tật cần được đối xử ”bình đẳng” như các học sinh không khuyết tật trên cơ sở kế hoạch giáo dục cá nhân của các em: các em được kiểm tra đánh giá theo quy định, được xác nhận kết quả học tập, rèn luyện theo các nội dung trong kế hoạch giáo dục cá nhân và xác nhận hoàn thành chương trình lớp học (theo kế hoạch giáo dục cá nhân) trong học bạ, được xét khen thưởng nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập đã được đặt ra của mình. Đây là vấn đề hết sức quan trọng để bảo đảm giáo dục bắt buộc cho học sinh khuyết tật, phải coi học sinh khuyết tật là học sinh trong hệ thống, các khối lớp các em học là các khối lớp theo chương trình giáo dục của riêng học sinh đó (trên cơ sở nhưng thay cho chương trình giáo dục chung mà các học sinh không khuyết tật thực hiện). Điều này có nghĩa là, việc bảo đảm giáo dục bắt buộc (giáo dục tiểu học) đối với học sinh khuyết tật là việc nhà nước bảo đảm cho học sinh khuyết tật được tham gia ít nhất 5 năm học ở cấp tiểu học như các học sinh không khuyết tật khác.

Ảnh minh họa/ INT

Ảnh minh họa/ INT

d) Giải pháp về tuyên truyền, vận động tất cả các tầng lớp nhân dân trong xã hội chung tay quan tâm và có các hành động cụ thể trong việc phát triển giáo dục cho người khuyết tật.

Trước hết cần có những giải pháp về tuyên truyền một cách rộng rãi để mọi người thấy cơ hội cho người khuyết tật khi tham gia giáo dục, thấy rằng người khuyết tật có quyền và có thể tham gia, hòa nhập với đời sống cộng đồng nhờ con đường thông qua giáo dục. Hiện nay, cha mẹ hay người thân của người khuyết tật còn có tâm lý không muốn ”thừa nhận” con em mình là người khuyết tật. Điều này gây khó khăn trong việc cấp giấp xác nhận mức độ khuyết tật, đặc biệt là các dạng khuyết tật về trí tuệ hoặc các dạng khuyết tật khác liên quan đến rối loạn phổ tự kỷ. Khi phát hiện ra con em mình khuyết tật thì nhiều bậc cha mẹ lại có tâm lý chán nản, cho ràng thế là hết và không muốn cho con em mình khi bị khuyết tật tham gia giáo dục.

Tất cả các tâm lý trên không chỉ xảy ra đối với cha mẹ và người thân của người khuyết tật mà còn là tâm lý của nhiều người trong xã hội, kể cả giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Chúng ta cần có những tuyên truyền, đặc biệt về các tấm gương người khuyết tật đã vươn lên và thành công để tạo niềm tin cho mọi người liên quan. Các dịp ngày người khuyết tật Việt Nam (18/4) hay ngày người khuyết tật thế giới (3/12) cần đươc tổ chức một cách thiết thực hơn, không chỉ là những hoạt động bề nổi mà còn là các hoạt động đi vào chiều sâu hơn để giúp cộng đồng thấy được cơ hội và quyền của người khuyết tật được tham gia giáo dục để bảo đảm cuộc sống riêng của người khuyết tậ và có cơ hội đóng góp cho sự phát triển của xã hội.

Thay cho lời kết

Người khuyết tật cũng như các công dân Việt Nam khác được Hiến pháp 2013 và Luật Giáo dục 2019 quy định phải được hoàn thành giáo dục cấp tiểu học, tức nhà nước sẽ bảo đảm các điều kiện để quy định này được thực thi. Tuy rằng, Việt Nam chúng ta đã có nhiều tiến bộ, song chúng ta còn phải cố gắng nhiều hơn nữa để các quy định tốt đẹp và nhân văn này có thể được thực thi một cách đầy đủ. Nhiều giải pháp cụ thể đã được đưa ra từ nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về vấn đề giáo dục đối với người khuyết tật, đến những giải pháp về việc xây dựng các hành lang về mặt chính sách để bảo đảm một cách toàn diện việc nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục đối với nhóm học sinh khuyết tật.

Với việc vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đặc biệt với chủ trương sẽ triển khai hệ thống các cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập ở các địa phương, chúng ta có quyền tin tưởng và hy vọng vào một triển vọng tốt đẹp trong thời gian sắp tới đây đối với công tác này. Từ đó, không những chúng ta có thể thực thi được quy định hiện nay về giáo dục bắt buộc mà còn có thể nghĩ đến việc dần dần thay được quy định về phổ cập giáo dục trung học cơ sở hiện nay trở thành quy định giáo dục bắt buộc (hoặc quy định về giáo dục bắt buộc sẽ mở rộng ra đến lứa tuổi 15 hoặc tiến tới 17-18) trong thời gian sắp tới như xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới.

TS. Tạ Ngọc Trí - Phó Trưởng ban TT BCĐ giáo dục trẻ KT, TECHCKK

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/trien-vong-tot-dep-giao-duc-voi-nguoi-khuyet-tat-post639464.html