Triển vọng từ sản phẩm OCOP

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại tỉnh Sóc Trăng được triển khai thực hiện từ năm 2019, với mục tiêu là nâng cấp, phát triển sản phẩm hàng hóa đảm bảo chất lượng, mang tính đặc trưng, lợi thế của địa phương, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đồng thời phát triển sản phẩm và các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hướng gia tăng lợi ích cho cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị.

Đến thời điểm hiện tại, ngành chức năng có liên quan của tỉnh đã cấp chứng nhận cho 156 sản phẩm đạt các sao OCOP, đạt và vượt các chỉ tiêu về công nhận các sản phẩm đạt các sao OCOP cấp tỉnh. Việc công nhận này tạo động lực để các chủ thể OCOP phát triển đa dạng các sản phẩm cung ứng trên thị trường, quảng bá hình ảnh sản phẩm đặc trưng tiêu biểu đi kèm chất lượng tốt tại các địa phương, tăng thêm thu nhập cho chủ thể cũng như tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Hàng năm, UBND tỉnh Sóc Trăng đều tổ chức hội thi đánh giá xếp hạng để cấp chứng nhận các sản phẩm OCOP cho các chủ thể sản xuất tại các địa phương. Ảnh: TL

Hàng năm, UBND tỉnh Sóc Trăng đều tổ chức hội thi đánh giá xếp hạng để cấp chứng nhận các sản phẩm OCOP cho các chủ thể sản xuất tại các địa phương. Ảnh: TL

Đề án Chương trình OCOP được phê duyệt tại Quyết định số 1397/QĐ-UBND, ngày 20-5-2019 của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng. Sau khi đề án được phê duyệt, UBND tỉnh đã thành lập hội đồng và tổ giúp việc hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Sóc Trăng. Để tìm hiểu về sự phát triển của các chủ thể OCOP sau khi có những sản phẩm đạt sao OCOP được đánh giá xếp hạng từ năm 2019, chúng tôi đến cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại mắm, khô đặc sản Thiên Hương, xã Thạnh Thới Thuận, huyện Trần Đề (Sóc Trăng).

Nhiệt tình đón tiếp khách ngay tại cơ sở, anh Lý Thanh Bình - chủ cơ sở mắm khô Thiên Hương chia sẻ: “Tôi làm mắm xuất phát từ niềm đam mê, đặc biệt là muốn đem sản phẩm “quà quê” được mẹ làm cho ăn từ thuở ấu thơ đem đến cho mọi người cùng thưởng thức, bởi tôi nghĩ món ăn ngon nhất trong trí nhớ của hầu hết mọi người luôn được chính tay mẹ tạo nên. Do đó, món mắm cua gạch của tôi sản xuất cũng do từ bé xíu được ăn mắm mẹ làm và khi lớn lên tôi đã “cải tiến” món mắm cua gạch lên theo từng công đoạn, đạt tiêu chuẩn tốt nhất cung ứng đến người tiêu dùng. Chỉ trong thời gian ngắn sản xuất sản phẩm và tham gia hội thi đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP, món mắm cua gạch đạt chứng nhận 3 sao OCOP năm 2019. Tiếp nối thành công của món mắm trên, tôi tiếp tục sản xuất thêm các loại mắm độc đáo tận dụng từ nguồn thủy, hải sản có trong tự nhiên như: mắm tôm sú, mắm sú cồ, mắm sò huyết, mắm bào ngư, mắm tôm hùm, mắm tôm gạch, mắm chưng chiên, mắm lươn...”.

“Để giới thiệu rộng rãi đến khách hàng trong và ngoài tỉnh sản phẩm mắm do cơ sở sản xuất, năm 2021, cơ sở tiếp tục tham gia hội thi đánh giá xếp hạng OCOP tỉnh và 2 sản phẩm của cơ sở là mắm tôm gạch và mắm sò huyết đạt 3 sao OCOP cũng trong năm 2021, 3 sản phẩm đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh là mắm cua gạch, mắm sò huyết, mắm tôm gạch được UBND tỉnh chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Dự định trong năm 2022, cơ sở sẽ nâng cấp các sản phẩm đạt OCOP 3 sao lên 4 sao và đưa thêm một số sản phẩm tại cơ sở sản xuất tham gia hội thi đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh” - anh Lý Thanh Bình thông tin thêm.

Nếu như anh Bình sản xuất ra các loại mắm, khô cung ứng thị trường thì tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại bánh kẹo Ba Xuyên (Công ty Bánh kẹo Ba Xuyên), đường Đoàn Thị Điểm, TP. Sóc Trăng (Sóc Trăng) do anh Hà Minh Tuấn làm chủ đã tận dụng nguồn sữa bò tươi có tại tỉnh nhà sản xuất bánh sữa Ba Xuyên và sữa tươi thanh trùng Ba Xuyên cung cấp cho hầu hết các siêu thị, cửa hàng tiện dụng trên toàn tỉnh. Anh Tuấn tâm tình: “Niềm vui của người sản xuất ra sản phẩm là đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng với chất lượng tốt nhất nên sản phẩm bánh sữa, sữa tươi của công ty sản xuất ra được tiêu thụ tại nhiều điểm kinh doanh trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt là khi 2 sản phẩm trên đạt 3 sao OCOP năm 2019 đã tạo thêm uy tín và nâng cao giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, 2 sản phẩm bánh sữa, sữa tươi cũng đã được UBND tỉnh chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2021. Trong năm 2022, công ty sẽ sản xuất thêm kẹo sữa và sau khi được ngành chuyên môn hỗ trợ máy đóng gói sẽ tăng cường sản xuất sản phẩm sữa chua đóng gói, cung cấp trên thị trường”.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Thuấn - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Sóc Trăng cho biết, sau khi tham gia Chương trình OCOP, sản lượng tiêu thụ các sản phẩm OCOP của các chủ thể OCOP được tăng lên từ 10 - 40%, có sản phẩm tăng lên đến 400% (điển hình như các sản phẩm mắm cua gạch; sữa tươi thanh trùng, bánh sữa Ba Xuyên, trà mãng cầu Cẩm Thiều...). Từ đó, doanh số bán hàng, lợi nhuận của các chủ thể được tăng lên đáng kể. Đồng thời, sản phẩm OCOP đã tham gia thị trường với vị thế của sản phẩm đặc sản. Bên cạnh đó, sản phẩm OCOP dần trở thành một dấu hiệu nhận diện trên cả khía cạnh chính sách và khía cạnh sản phẩm đối với người tiêu dùng và nhiều kênh phân phối như: Vinmart, Saigon Co.op, cùng với hệ thống các sàn thương mại điện tử như: PostMart, Lazada... đã được các chủ thể OCOP tiếp cận và chủ động tham gia đưa sản phẩm vào các kênh trên để tiêu thụ.

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/soc-trang-tiem-nang-va-phat-trien/trien-vong-tu-san-pham-ocop-55120.html