Triển vọng từ 'siêu vùng' sầu riêng của cả nước
Sau sáp nhập, 'bản đồ sầu riêng' của cả nước đã có sự biến động. Từ vị trí thứ 2 sau Đắk Lắk, Lâm Đồng đã trở thành 'thủ phủ' mới của cây sầu riêng.

Lâm Đồng hiện là thủ phủ sầu riêng của cả nước.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường thông tin, diện tích sầu riêng của tỉnh Lâm Đồng khoảng trên 42.000 ha, là “siêu vùng” sầu riêng chiếm 28% diện tích sầu riêng cả nước. Toàn tỉnh hiện có 334 mã số vùng trồng xuất khẩu sầu riêng với 12.966,7 ha và 57 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng.
Với lợi thế “siêu vùng” sầu riêng như hiện nay, Lâm Đồng có nhiều cơ hội trong việc quy hoạch đồng bộ và xây dựng thương hiệu cho loại cây trồng giá trị này. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, nông sản nói chung và nông sản của tỉnh Lâm Đồng đang đứng trước thách thức to lớn về việc đảm bảo, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường toàn cầu. “Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc - thị trường xuất khẩu sầu riêng chính của Lâm Đồng đang siết chặt quản lý dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng và chất cấm Vàng O (Auramine O) trong sản phẩm sầu riêng; nếu không kiểm soát tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành hàng này, nguy cơ bị tạm dừng, thu hồi mã số là rất cao; hệ lụy này không chỉ làm ảnh hưởng đến xuất khẩu sầu riêng mà còn làm giản uy tín và thương hiệu nông sản”, ông Nguyễn Hoàng Phúc nhận định.
Để khẳng định vị thế “thủ phủ” sầu riêng cả về số lượng và chất lượng, tỉnh Lâm Đồng đang thực hiện chặt chẽ việc giám sát vùng trồng và kiểm soát chất lượng sản phẩm. Cụ thể, đối với vấn đề giám sát vùng trồng, từ ngày 16/4 đến nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã tiến hành giám sát 76 vùng trồng. Nội dung giám sát theo các yêu cầu của Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng như quy định của nước nhập khẩu (chủ yếu từ Trung Quốc) như: kiểm tra nhật ký canh tác để giám sát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, các đối tượng kiểm dịch thực vật… Kết quả, các vùng trồng đã đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, đủ điều kiện để duy trì mã số xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc. Hiện Sở này đang tiếp tục giám sát 38 vùng trồng đã được cấp mã số và 10 cơ sở đóng gói.
Đối với việc kiểm soát chất lượng sản phẩm, từ đầu tháng 6/2025 đến nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã lấy 234 mẫu quả sầu riêng tại các vùng trồng để phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng cadimi và chì, đồng thời giám định sinh vật gây hại. Thời gian tới, tiếp tục lấy 108 mẫu quả sầu riêng để gửi phân tích, giám định.
Tỉnh Lâm Đồng khuyến cáo, các nông hộ cần tuân thủ quy trình canh tác sầu riêng an toàn, thu hoạch đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Các vùng trồng cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, theo dõi, giám sát và xử lý các loại sâu bệnh hại theo đúng quy trình. Thường xuyên chủ động phân tích để kiểm soát chặt chẽ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng cadimi và chì… nhằm đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Các cơ sở đóng gói cần xây dựng và thực hiện nghiêm quy trình đóng gói theo nguyên tắc một chiều, truy xuất nguồn gốc, đầu tư trang bị để thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm đáp ứng quy định của nước nhập khẩu, không sử dụng chất Vàng O trong sơ chế, bảo quản sản phẩm sầu riêng.
Cùng với đó, doanh nghiệp xuất khẩu cần tổ chức liên kết theo chuỗi sản xuất, tiêu thụ sầu riêng theo đúng quy trình như: Thông tin công khai tình trạng phê duyệt mã số, kế hoạch thu mua và xuất khẩu cho nông hộ liên kết. Người dân phải đồng hành với doanh nghiệp nhằm tạo tính ổn định, bền vững, lâu dài theo chuỗi giá trị, không vì lợi trước mắt mà phá vỡ liên kết với các doanh nghiệp.
Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/trien-vong-tu-sieu-vung-sau-rieng-cua-ca-nuoc-382995.html