Triển vọng từ thâm canh cây vù hương
Nhóm tác giả Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đang nghiên cứu xây dựng mô hình trồng thâm canh vù hương tại xã Tân Lập (Lục Ngạn - Bắc Giang). Mục đích nhằm chuyển giao nguồn giống tốt, các tiến bộ kỹ thuật, nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng.
Vù hương là loài cây quý hiếm, gỗ và tinh dầu cho giá trị kinh tế cao. Hiện nay, số lượng loài không còn nhiều, phát triển tự nhiên ở Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử (Sơn Động) là chủ yếu.
Thời gian qua, cây vù hương đã được đưa vào trồng thử nghiệm tại hai huyện Lục Nam và Yên Dũng nhưng quy mô nhỏ. Tỉnh cũng chưa có quy trình nhân giống, quy trình kỹ thuật hướng dẫn trồng thâm canh cho người dân. Xuất phát từ thực tiễn đó, nhóm tác giả Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng mô hình rừng trồng thâm canh vù hương tại tỉnh Bắc Giang.
Thạc sĩ Lê Văn Quang, Chủ nhiệm nhiệm vụ cho biết, các nội dung của hoạt động nghiên cứu gồm: Đánh giá thực trạng phân bố, sinh thái và gây trồng vù hương trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật nhân giống; xây dựng 5 ha rừng trồng thâm canh loại cây này... Thời gian thực hiện từ tháng 5/2021 đến 5/2024.
Để tạo nguồn cây giống tốt về chất lượng, nhiều về số lượng, nhóm tác giả thực hiện nghiên cứu biện pháp kỹ thuật nhân giống vù hương bằng hạt và bằng hom. Kết quả đến nay, tỷ lệ sống của cây trồng bằng hạt khoảng 90%; tỷ lệ hom sống khoảng 70-75%.
Tiếp đó, nhóm tác giả trồng 0,5 ha vườn sưu tập giống vù hương tại thôn Đồng Con 1, xã Tân Lập. Khoảnh rừng thường xuyên được dọn thực bì, xới đất, bón thúc, tỉa cành. Đánh giá đến nay, tỷ lệ sống đạt hơn 90%, cây sinh trưởng tốt, chiều cao trung bình từ 2-3 m. Cũng từ nguồn giống tuyển chọn, nhóm tác giả tiếp tục trồng 5 ha vù hương thâm canh tại cùng địa điểm nêu trên.
Kết quả, cây đạt tỷ lệ sống hơn 90%; đường kính đo tại vị trí cao 1,3 m dao động từ 4,4-5,6 cm; chiều cao vút ngọn khoảng 3,1-3,8 m. Điểm mới của nhiệm vụ nghiên cứu là tạo ra quy mô cây giống lớn, sinh trưởng đồng đều; xây dựng quy trình trồng, chăm sóc hợp lý, hiệu quả để phổ biến rộng rãi. Cây vù hương trồng được khoảng 10-15 năm thì cho thu hoạch, thời gian trồng dài giúp chống xói mòn đất, đem lại giá trị kinh tế cao. Đặc biệt góp phần bảo tồn loài cây quý hiếm, đang có nguy cơ sụt giảm về số lượng.
Được biết, quy trình kỹ thuật nhân giống và trồng rừng thâm canh vù hương sẽ được đơn vị thực hiện đề tài chuyển giao cho các chủ rừng, đơn vị khuyến nông, cơ quan quản lý của tỉnh Bắc Giang.
Mạc Yến