Triệt giảm nguồn phát thải từ phương tiện giao thông: Xây dựng lộ trình cụ thể
Khí thải gây ô nhiễm từ hoạt động giao thông đã được cảnh báo từ lâu, nhất là tại các đô thị lớn, có mật độ xe cộ đông đúc như TP Hà Nội, việc kiểm soát nguồn phát thải này càng trở nên cấp bách.
Tuy nhiên, để chính sách áp dụng đạt hiệu quả mong muốn, cần phải làm rõ lộ trình, thích ứng từng giai đoạn.
Giảm đến 40% tổng lượng phát thải
Vừa qua, chương trình đo kiểm khí thải xe mô tô, xe máy cũ đang lưu hành trên địa bàn TP Hà Nội đã được thực hiện làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cải thiện chất lượng không khí và xây dựng giải pháp giao thông bền vững. Trong đó gồm 5 hoạt động chính: Đo kiểm khí thải và hỗ trợ bảo dưỡng đối với mô tô, xe máy; thí điểm tiếp nhận xe máy cũ thải bỏ và hỗ trợ chuyển đổi xe mới; tham vấn ý kiến người dân và chuyên gia, các cơ quan ban, ngành liên quan về kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy; đánh giá tác động kinh tế - xã hội và môi trường của việc kiểm soát khí thải xe máy; đề xuất các giải pháp kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy.
Chương trình do Sở TN&MT phối hợp với Sở GTVT, Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), Viện Khoa học và Công nghệ GTVT (ITST) – Bộ GTVT và Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) thực hiện đã nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận.
Theo báo cáo của Sở TN&MT, kết quả kiểm tra ngẫu nhiên của 5.240 xe có tuổi đời trên 5 năm cho thấy, xu hướng phát thải vượt giới hạn tiêu chuẩn Việt Nam cho phép hiện nay. Đồng thời công tác bảo dưỡng cũng có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát khí thải xe máy khi tỷ lệ xe không đạt giảm xuống chỉ còn 9,54%, lượng nhiên liệu tiêu thụ cũng có thể giảm đến 7%.
Theo tính toán của Viện Khoa học và Công nghệ GTVT, khi không kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy, lượng phát thải là 469.963 tấn CO, 37.956 tấn HC mỗi năm. Trong khi đó, ước tính theo lượng xe mới, hàng năm các loại khí này tăng từ 24,8 – 43,3%. Do đó, việc kiểm soát khí thải phát sinh do mô tô, xe gắn máy đóng góp rất lớn trong bảo vệ môi trường không khí của TP.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, chuyên gia đô thị, TS Phan Lê Bình nhận định, chính sách kiểm soát khí thải đối với phương tiện giao thông là rất đúng đắn, phù hợp với thực tế số lượng phương tiện lớn như Hà Nội.
Theo đó, nếu coi mỗi chiếc xe là một nguồn phát thải, thì thời gian qua, hàng triệu mô tô, xe máy vẫn lưu hành trên TP nhưng hoàn toàn không được kiểm soát về tác hại với môi trường là điều bất cập. Trên các đường phố, không khó để gặp những loại xe kém chất lượng, chỉ vài năm sử dụng đã xả ra khói đen nghi ngút. Chính vì vậy, khi có quy định, chế tài rõ ràng, phương tiện gây hại với môi trường sẽ bị buộc phải thu hồi.
Theo thống kê của Ban ATGT Hà Nội, tính đến đầu năm 2022, tổng số phương tiện đang được quản lý trên địa bàn TP là hơn 7,5 triệu. Trong đó, mô tô, xe gắn máy là gần 6,4 triệu phương tiện, gấp 6 lần so với xe ô tô. Đây là nguồn phát thải rất lớn nhưng vẫn bị thả nổi trong công tác kiểm soát, đo lường độc hại đối với môi trường, không khí.
Người dân ủng hộ
Dù cho rằng chính sách kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy là đúng đắn, cần sớm được thực hiện, tuy nhiên chuyên gia Phan Lê Bình cũng nhấn mạnh, các cơ quan có trách nhiệm cần căn cứ trên nhiều khía cạnh để khi đưa vào thực thi vẫn đảm bảo các yếu tố về kinh tế - xã hội, mức độ ảnh hưởng đến đời sống nhằm đạt được tính hiệu quả, lâu dài. Do đó, chúng ta cần phải xây dựng một lộ trình rõ ràng, theo từng giai đoạn.
Đồng quan điểm trên, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), TS Hoàng Dương Tùng cho rằng, trong quá trình thực hiện thí điểm, các cơ quan quản lý cũng phải đồng bộ, hoàn thiện thêm chính sách, quy định để bắt buộc xe máy phải kiểm định khí thải giống như đang thực hiện với ô tô. Việc này phải dựa trên lộ trình cụ thể, trong đó bao gồm các vấn đề như phí kiểm định, thời hạn, tuổi đời xe phải bảo dưỡng...
Mặt khác, việc triển khai hệ thống kiểm định cũng phải thuận tiện đối với người dân, thực hiện bằng cơ sở áp dụng quản lý bằng công nghệ số hóa. Quá trình thực hiện, người dân phải được tuyên truyền để đồng thuận, tự nguyện thực hiện để bảo vệ chính môi trường sống của mình.
Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, không ít ý kiến của người dân dù đồng tình nhưng vẫn bày tỏ sự lo lắng trước chính sách mới về kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy. Anh Nguyễn Anh Trường, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm cho biết, chiếc xe máy hiện tại đã cũ nhưng vẫn đang là công cụ hành nghề xe ôm nuôi sống gia đình. Khi TP áp dụng tiêu chuẩn khí thải, chiếc xe của anh có thể sẽ không được phép lưu hành. Điều này sẽ khiến gia đình anh phải đau đầu cho khoản chi đầu tư xe máy mới.
Còn theo chị Trần Thị Hằng, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, do làm việc tại nhà nên hàng ngày chị chỉ sử dụng xe máy đi chợ. Tới đây, khi áp dụng kiểm định khí thải đồng nghĩa với việc phải mất thời gian đến trung tâm, hay sẽ phát sinh thêm chi phí kiểm định, bảo dưỡng theo yêu cầu.
Trước nhu cầu cấp bách cần thực hiện công tác kiểm soát khí thải xe gắn máy, Sở TN&MT đã xây dựng lộ trình thực hiện gồm 3 giai đoạn. Trong đó năm 2023 sẽ chuẩn bị khung pháp lý, kế hoạch kiểm soát khí thải xe máy, ban hành tiêu chuẩn, quy định liên quan đến quản lý khí thải xe máy bao gồm cả đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và công tác tuyên truyền trên địa bàn toàn TP.
Tới năm 2024 – 2025, TP sẽ thực hiện thí điểm với các xe thuộc đối tượng quản lý đang lưu hành trên địa bàn TP, áp dụng phân vùng các khu vực theo tiêu chuẩn. Năm 2026 trở đi là giai đoạn thực thi toàn phần, đồng thời từng bước nâng mức tiêu chuẩn khí thải, xem xét rút ngắn thời gian kiểm định cho xe đang lưu hành.
Giải đáp những ý kiến lo lắng của người dân về chi phí, thời gian kiểm định, Sở TN&MT cho biết đã khảo sát trực tiếp 3.867 chủ phương tiện xe máy ở Hà Nội, qua đó nhận được kết quả 86% ủng hộ chính sách kiểm soát khí thải xe máy. Mức phí kiểm tra khí thải được chấp thuận ở mức 30.000 – 50.000 đồng/lần với tần suất mỗi năm một lần. Giai đoạn 2024 – 2025, các xe từ 5 năm sử dụng trở lên phải được kiểm định khí thải định kỳ.
Cùng đó, để tránh tác động lớn đến xã hội do khả năng số lượng xe không đạt tiêu chuẩn khí thải lớn, Sở TN&MT cho rằng cần có sự hỗ trợ từ các nguồn ngân sách, xã hội hóa, hỗ trợ của DN đối với các đối tượng yếu thế (hộ nghèo) hoặc tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi phương tiện vận chuyển, phương thức, hình thức kinh doanh, sản xuất. Đồng thời chính các nhà sản xuất cũng có trách nhiệm đối với việc thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ.
"Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định về vấn đề bảo vệ môi trường trong hoạt động GTVT, Chính phủ sẽ ban hành các chính sách, lộ trình chuyển đổi, loại bỏ phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường. Việc kiểm soát khí thải đối với xe máy đã được đề ra nhiều năm nhưng đến nay chưa thực hiện được. Đã đến lúc cần kiểm soát khí thải đối với xe máy để hạn chế nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí tại các đô thị, bảo vệ môi trường." - Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), TS Hoàng Dương Tùng
"Ở những quốc gia đã đẩy mạnh được ngành công nghiệp ô tô, kéo giảm số lượng mô tô, xe gắn máy lưu hành trên TP, sự khác biệt về môi trường không khí là khá rõ rệt. Với thói quen sử dụng xe máy của Việt Nam nói chung, TP Hà Nội nói riêng, lộ trình triển khai kiểm định khí thải có thể sẽ mất tới 3 năm, 5 năm hay thậm chí là 10 năm nhưng chúng ta vẫn phải làm vì đó là nhiệm vụ bắt buộc." - Chuyên gia đô thị, TS Phan Lê Bình