Triết lý nhân sinh trong tập truyện ''Khi hoa cúc nở'' của Chu Bá Nam

Dược sĩ, nhà văn Chu Bá Nam là một người con của đất Kinh Bắc, nguyên là giảng viên Đại học Y Dược Hà Nội, hiện đang ở ẩn tại phố núi mù sương Đà Lạt. Văn của ông tinh, gọn, sắc như chính con người ông vậy. 'Khi hoa cúc nở' - cuốn sách thứ tư ông được ấn bản sau ngót mười năm thai nghén và vừa được tái bản năm vừa rồi đã đoạt Giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng lần thứ II. Điều dễ nhận thấy trong tập truyện này là: Triết lý nhân văn và những bài học nhân sinh sâu sắc được ông khéo léo cài đặt vào mỗi câu chuyện. Độc giả dù ở lứa tuổi nào cũng sẽ cảm thấy thích thú khi khám phá ra những bài học, ý thức luận về con người và triết lý sống giàu lòng nhân ái.

Bìa tập truyện “Khi hoa cúc nở” của Chu Bá Nam.

Bìa tập truyện “Khi hoa cúc nở” của Chu Bá Nam.

“Khi hoa cúc nở” với 23 câu chuyện, là 23 lát cắt nhanh, gọn, chính xác đến từng chân tơ kẽ tóc của các vấn đề gai góc trong cuộc sống thường nhật của kiếp nhân sinh. Ta có thể thấy muôn mặt cuộc đời được tái hiện hết sức sinh động dưới ngòi bút tả chân của ông: Từ đứa bé mồ côi ở thành thị do cha mẹ li dị, đến bà lão nghèo nơi vùng núi hẻo lánh. Từ anh bộ đội Cụ Hồ thời mưa bom bão đạn cho đến những gã giang hồ bặm trợn ở chợ giời. Từ bà giáo làng nghèo tơ tướp một đời lam lũ, cho đến cô sinh viên ra trường thất nghiệp bị lừa hết tiền khi xin việc, để rồi: Cuối cùng tiền mất tật mang, cô đành phải ở nhà ngày ngày ra chợ lượm rau thừa về nuôi nhím bán lấy tiền nuôi con sống lây lất qua ngày.

Không chỉ đa dạng về đề tài, truyện của ông còn chạm đến những vỉa tầng sâu thẳm của đời sống hiện đại. Không ít vấn đề nóng hổi của cuộc sống đương đại đã được ông khắc họa tinh tế. Đó là chuyện yêu đương ngoài chồng, ngoài vợ trong “Mưa tình nhân”: “Không! Tiếng thét thức tỉnh vừa rồi làm Giao giật nảy, rụt tay lại như phải bỏng…”. Hay là chuyện hàng nhái, hàng giả trong “Mùa Người”: “Người làm sao của bào hao làm vậy, người đã giả thì chịu…”. Ta thấy, ở đây thực sự ông đã đau cùng nỗi đau nhân thế khi chứng kiến hàng nhái, hàng giả tràn lan trên thị trường làm đảo lộn mọi giá trị chân chính của cuộc sống đương thời.

Đọc kỹ toàn bộ tuyển tập này, ta có thể thấy: Yêu và ghét là hai tông màu chủ đạo trong truyện ngắn của nhà văn đến từ vùng đất quan họ - đằm thắm nghĩa tình mà vẫn rạch ròi giận, thương.

Ở mặt yêu, ông dùng cảm hứng ngợi ca và lòng cảm thương sâu nặng cho những số phận, những kiếp người bé nhỏ bằng giọng văn trầm lắng, giản dị chân thành. Không ít độc giả sẽ rơm rớm nước mắt khi đọc “Hạnh phúc thì thầm” - kể về cuộc đời vì nghĩa quên thân của sơ Mậu - Người dành cả tuổi trẻ và cuộc đời của mình để cứu giúp những người bị bệnh phong cùi. Bà đã hi sinh hạnh phúc riêng tư để gây dựng nên hạnh phúc lớn lao của bao mảnh đời bất hạnh. Hay hình ảnh đầy xa xót của bà cụ già nơi xóm núi nghèo, ngày ngày lật đất nhặt cỏ để trồng những luống hoa bằng mồ hôi và nước mắt. Nhưng trồng ra thành quả rồi, bà lại phải phá đi vì bán không ai mua, không cạnh tranh nổi với thị trường thời công nghệ 4.0

Ở mặt ghét, ông dùng nghệ thuật đối nghịch nhằm lật ra vấn đề đầy thi vị: đó là hình ảnh một cô ca sỹ có tiền triệu trong tay nhưng nỡ lấy đi của một bà lão nghèo trồng hoa cả bó hoa tươi to đùng mà không trả đồng nào. Trong khi anh xe ôm nghèo rớt mồng tơi lại rộng lượng rút ra 100.000 đồng để đưa cho bà mà không hề suy nghĩ. Hay hình ảnh một đứa môn đồ ngỗ nghịch đòi giết thầy khi ông ở tuổi già sức yếu vì nghĩ rằng thầy chưa truyền hết võ nghệ cho mình. Nhưng bất ngờ hắn lĩnh một cú đòn trí mạng từ gốc cây mía của người thầy già yếu, đã từng lấy hết sức bình sinh để chịu đòn thay cho gã: “- Siêu nhân! Chẳng phải ngươi không đủ tài mà cái đức quá mỏng” (Trích “Đệ nhất thiên hạ”).

Mỗi câu chuyện, nhà văn dùng một cách kể khác nhau: Có câu chuyện đầy ám gợi và có tình tiết ly kỳ hấp dẫn như: Vua rắn, Vó ngựa cao nguyên; Phép mầu… Có câu chuyện lại mộc mạc chân thành như: Nghĩa thầy trò, Hoa nở trong giông bão; Bảy Thũng… Có câu chuyện nhuốm màu huyền ảo kỳ bí như: Cổ tích, Thiên đường của chiến tranh, Bức phù điêu tạc vội… Hầu hết ông dùng lối viết mộc mạc giản dị, nhưng đôi khi ông lại dùng lối viết hiện đại: phi không gian, phi thời gian.

Bối cảnh trong truyện ngắn Chu Bá Nam cũng được xây dựng có chiều sâu: từ cổ xưa đến hiện đại và gần như ông đã cố gắng chạm vào mọi ngóc ngách của cuộc sống; từ chủ đề ngoại tình, chiến tranh, nghĩa thầy trò, chuyện văn chương, chính trị... đến những suy ngẫm lắng sâu tìm về nhân bản của con người... Tuy vậy, vẫn có đôi chỗ ông sa đà vào hư cấu nên tình tiết khá bất hợp lý, phi thực tiễn. Ví như: việc chàng trai Nguyễn Thi Nhân trong “Thi Nhân” chỉ nhờ một bài thơ đăng báo với giải bình chọn của độc giả mà nổi tiếng cả nước ngay tức khắc chỉ sau 1 tháng…

Xuất thân từ vùng đất quan họ Kinh Bắc - một trong những cái nôi của văn hóa dân gian của dân tộc. Khi trưởng thành, Chu Bá Nam từng đi du học tại Hungary và sau đó là giảng viên tại Đại học Y Dược Hà Nội. Những năm tháng về già ông lại là một biên tập viên kỳ cựu về mảng văn xuôi cho Tạp chí Langbian. Vốn đời và vốn kiến văn sâu rộng ấy đã được bộc lộ qua mỗi tác phẩm bằng sự tinh tế và am tường các giá trị văn hóa truyền thống cũng như hiện đại của nhân loại. Ta có thể thấy điều đó qua một technique (kỹ thuật) viết truyện ngắn hiện ở tầm cao được nhà văn phố núi áp dụng trong các truyện ngắn của mình. Đó là sử dụng biện pháp nghệ thuật dùng tình huống trớ trêu (situational irony). Đây là thủ pháp mà các nhà văn Anh - Mỹ thường áp dụng. Ta có thể thấy trong “Độc thoại của đất” là sự trớ trêu của người nông dân trồng ra sản phẩm tươi, đẹp với chất lượng cao mong mang lại lợi ích tối đa cho người tiêu dùng. Nhưng cuối cùng họ lại “thua trên chính sân nhà mình” bởi các công ty lớn với sự quảng cáo rầm rộ trên mạng. Bà lão nông dân không đến nỗi bị chết đói dần như ông thợ giày trong truyện ngắn Quality (Chất lượng) của John Galsworthy (Nhà văn người Mỹ - giải Nobel văn học năm 1932). Nhưng sự thất bại của bà lão cũng là lời cảnh tỉnh cho những người nông dân hiện đại cần có cái nhìn mới về thói quen tiêu dùng của xã hội thời 4.0. Hay trong “Đệ nhất thiên hạ” là câu chuyện của một võ sư truyền võ cho trò với mong muốn nó giỏi giang, nhưng nào ngờ chính nó lại vong ân, nuôi thù hận và định giết thầy chỉ vì sự nghi ngờ vô căn cứ của mình. Tình huống trớ trêu này làm câu chuyện được đẩy lên kịch tính ở mức cao nhất, hấp dẫn và gây bất ngờ cho người đọc. Bên cạnh đó, bài học được rút ra rất thấm thía làm người đọc sửng sốt.

Với sự am tường về đất và người Tây Nguyên, dường như Chu Bá Nam đã làm sống dậy cả một vùng miền văn hóa rộng lớn ở tập sách này: Đó là văn hóa uống trà của Tây Nguyên trong “Bản hợp xướng trong đêm”. Hay văn hóa ẩm thực: làm dao, chặt gà, biện lễ của thời xa xưa trong “Mùa người”. Có thể nói: Mỗi câu chuyện ông kể ở đây đều là một kết tinh của trí tuệ, cảm xúc và sự am tường về cuộc sống đến tận gốc rễ.

Những cái kết trong truyện ngắn Chu Bá Nam cũng đầy ám ảnh, khiến ta phải giật mình suy ngẫm:

“Trồng rau, trồng hoa là đánh bạc, thị trường giá cả lên xuống thất thường như trở bàn tay. Trúng thì phất nhanh đến chóng mặt, ngược lại thì trắng tay, phá sản... Độc thoại của đất từ lòng thung hắt lên trời: Phập! Phập! Phập!” (trích “Độc thoại của đất”).

Hay “Tất cả đã thay đổi. Có thời người ta sống thế này, có những năm người ta sống thế kia. Người mỗi lứa mỗi khác, như cây có mùa, năm bội thu hoa tươi hạt mẩy, năm sâu bệnh lép hạt héo hoa…”(Trích “Mùa người”).

Ở câu chuyện này mang đến cho ta sự xúc động: “Thế gian này tình thương còn rất nhiều, tôi nhận được nó từ những người mới đây còn xa lạ” (Hoa nở trong giông bão). Ở câu chuyện khác lại gợi cho ta đến những tầng vỉa lắng sâu của niềm yêu đời và vui sống: “Hai tay ôm lấy ngực, bà cám ơn trái tim mình, và lần đầu tiên, nghe ra lời hạnh phúc thầm thì của sự hi sinh ngọt ngào” (Hạnh phúc thì thầm).

Cũng có khi nhà văn thể hiện rõ cái nhìn nhân ái, bao dung, vị tha, nâng đỡ và thấu hiểu như với chàng Thi Nhân - đang loay hoay trong cái bi kịch của “hậu hiện đại”, của “tân hình thức” và bi kịch của chính đời mình:

“- Phải cách tân, phải hậu hiện đại. Đem hiện thực xối trộn vào ảo thể, lấy ngụy làm chân, lấy chân làm hư, chữ đẻ ra chữ, câu đẻ ra câu, nàng cứ thế kéo Thi Nhân đi như “ma đưa lối, quỷ đưa đường” để rồi lạc vào rừng chữ. Đọc lên nghe trúc trắc, có khi vui tai, bảo thơ Tây không phải, thơ Ta cũng không... Những câu thơ tạc vào thế kỷ, lưu danh thành lưu kho, để đời nhưng lại trả hết cho người”. Để cuối cùng: “Câu thơ chạm vào ngõ cụt/ Mai táng hồn thi nhân” (Trích “Thi Nhân”).

Ở một góc độ khác, ông lại thể hiện cái nhìn trực diện thẳng thắn và độ lượng, đầy mới mẻ với những trang văn một thời bị cấm đoán nhưng nay soi lại dưới góc độ nhân sinh của thời đại, mới thấy rằng: thực ra cái sự tưởng là ghê gớm ấy để đến nỗi bị cấm, bị đẩy vào bi kịch ấy, hóa ra cũng chẳng có gì ghê gớm cả: “Cái ông nhà văn ghi chữ bên lề này này là bố của cái cậu cho giải bây giờ. Nó bảo viết thế này chưa “xi nhê”, chiếu cố cho ông già thôi, yêu đương gì chưa chạm ngõ” (Trích “Khi hoa cúc nở”).

Một điểm nhấn nữa trong tập truyện này là cách viết mới mẻ, có hơi hướng cách tân trong thể loại truyện ngắn. Kết cấu các câu chuyện không quá chặt chẽ: khi tác giả dùng lối viết phân cảnh nhằm phá vỡ mọi không gian và thời gian thành những mảng rời. Nhưng khi ghép lại vẫn là những mảnh ghép hoàn hảo, đầy tính logic và không kém phần kịch tính, hấp dẫn.

Phải nói Chu Bá Nam vốn là nhà khoa học nên giọng văn của ông cũng khoa học và trật tự đầy khuôn khổ. Văn của ông chỉn chu, kiệm lời nhưng trau chuốt, gọt giũa chính xác đến từng chi tiết nhỏ: không thừa, không thiếu một câu hay một chữ nào. Văn của ông gọn, sắc và giàu ý nghĩa nhân sinh như chính con người ông vậy. Nhà thơ Vương Tùng Cương từng viết về ông như thế này:

“Anh đúng và thiêng như tinh dầu chưng cất

nơi tin yêu níu vịn của bao người

ấm áp sẻ chia gió sương năm tháng

tự khuất mình vào góc thảnh thơi”

(Là anh - Rút từ tập “Lặng lẽ phố sương”)

TP. HCM, ngày 26/11/2021

LÊ HÒA

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/vhnt/202112/triet-ly-nhan-sinh-trong-tap-truyen-khi-hoa-cuc-no-cua-chu-ba-nam-3092073/