Triệt phá đường dây sản xuất 573 loại sữa bột giả
Trong khoảng 4 năm, các đối tượng đã tiêu thụ sữa giả các loại ra thị trường, mang lại doanh thu khoảng 500 tỉ đồng
Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 8 người để điều tra 2 tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng". Trong số các bị can, công an xác định 2 người cầm đầu là Hoàng Mạnh Hà và Vũ Mạnh Cường.
Sữa giả, doanh thu thật
Trong quá trình điều tra, bước đầu Cơ quan CSĐT xác định từ tháng 8-2021, nắm bắt được nhu cầu gia tăng của các sản phẩm dinh dưỡng, sản phẩm thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng dạng bột (sữa bột) tại thị trường trong nước, nhóm do Vũ Mạnh Cường và Hoàng Mạnh Hà chủ mưu, cầm đầu thành lập Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma (địa chỉ tại phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, TP Hà Nội) và Công ty CP Dược Dinh dưỡng Hacofood Group (địa chỉ tại phường Phú Lương, quận Hà Đông, TP Hà Nội) để trực tiếp tổ chức sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ các sản phẩm sữa bột giả.
Hà và Cường trực tiếp liên kết, góp vốn, huy động cổ đông sáng lập hệ sinh thái 2 doanh nghiệp nêu trên và cũng là cổ đông góp vốn chính. Hai bị can này cũng được xác định là chủ mưu, cầm đầu trong điều hành hoạt động từ sản xuất, kinh doanh đến phân phối, tiêu thụ các sản phẩm sữa bột.

Hàng ngàn hộp sữa bột giả các loại bị lực lượng chức năng thu giữ để phục vụ điều tra. Ảnh: PHƯƠNG TÂM
Bộ Công an xác định đến nay, đường dây này đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại. Các loại sữa dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai, với các thành phần công bố trên sản phẩm như: chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó... song thực tế, hoàn toàn không có những chất này.
Các bị can đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung thêm một số chất phụ gia. Cơ quan công an xác định sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố, đủ điều kiện để xác định là hàng giả.
Ngoài 2 công ty nói trên được lập để tổ chức sản xuất các sản phẩm sữa bột giả, các đối tượng còn liên doanh, liên kết bằng hình thức góp cổ phần với nhiều đối tượng khác thành lập 9 công ty với mục đích để đứng tên hồ sơ công bố các dòng sản phẩm (nhãn thương hiệu sản phẩm) và trực tiếp kinh doanh, phân phối, tiêu thụ các sản phẩm được sản xuất tại nhà máy của Công ty Hacofood và Công ty Rance Pharma. Trong khoảng 4 năm, các đối tượng đã tiêu thụ sữa các loại ra thị trường, mang lại doanh thu khoảng 500 tỉ đồng.
Đe dọa sức khỏe nghiêm trọng
Liên quan vụ việc này, PGS-TS Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, cảnh báo các rủi ro nghiêm trọng khi người tiêu dùng, đặc biệt là người bệnh và trẻ nhỏ, sử dụng các sản phẩm kém chất lượng. Theo ông Trung, người mắc bệnh tiểu đường nếu sử dụng sữa giả có thể khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng, do lượng đường, đạm, vi chất không đạt chuẩn. "Chất lượng chỉ đạt dưới 70% so với mức công bố, hay còn gọi là sản phẩm giả, chắc chắn không mang lại lợi ích cho người sử dụng, thậm chí có thể gây hại đến sức khỏe, đặc biệt với người có bệnh nền" - ông Trung nói.
Cũng theo ông Trung, đường dây này sản xuất nhiều sản phẩm dành cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, thực phẩm chế độ ăn đặc biệt và các sản phẩm dinh dưỡng công thức bổ sung cho trẻ em. Đây là những đối tượng rất nhạy cảm. Nếu dùng phải sữa giả, trẻ có thể bị suy dinh dưỡng, chậm tăng cân, thiếu vi chất, ảnh hưởng đến phát triển não bộ, khả năng học hỏi, ngôn ngữ và vận động. Với phụ nữ mang thai, việc sử dụng sữa giả có thể dẫn đến thiếu hụt các dưỡng chất thiết yếu cho thai nhi như sắt, canxi, DHA..., dễ gây suy dinh dưỡng bào thai, sinh non hoặc trẻ sinh ra nhẹ cân, thấp còi.
Trước vụ việc nghiêm trọng này, Chủ tịch Hiệp hội Sữa cho biết hiệp hội sẽ gửi văn bản kiến nghị đến các cơ quan chức năng như Bộ Y tế, Cục Quản lý thị trường để tăng cường kiểm tra và giám sát hoạt động cấp phép, quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng, tránh để người tiêu dùng bị dẫn dắt bởi thông tin sai lệch.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng hóa không đúng với giới thiệu, quảng cáo vẫn là vấn đề nhức nhối. Đặc biệt, hàng giả, hàng kém chất lượng xuất hiện nhiều ở các ngành hàng thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, sữa... có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, việc lực lượng chức năng triệt phá các đường dây vi phạm nêu trên là vô cùng quan trọng, góp phần củng cố niềm tin của người dân vào công tác quản lý nhà nước.
Theo ông Hòa, cần thiết phải có cơ chế, chính sách cụ thể hơn nhằm hoàn thiện đội ngũ quản lý thị trường, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra. Không chỉ riêng mặt hàng sữa, các lực lượng chức năng cần chủ động vào cuộc một cách quyết liệt đối với tất cả các lĩnh vực có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.
Hiện các trang web và mạng xã hội liên quan đến Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược Dinh dưỡng Hacofood Group đều không truy cập được. Tuy nhiên, một số video quảng cáo hiển thị tên Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma thuộc Tập đoàn Dược quốc tế đã hoạt động hơn 15 năm trong lĩnh vực dược phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và các sản phẩm dành cho mẹ, bé và gia đình. Theo quảng cáo, công ty này cung cấp cho thị trường hàng chục triệu sản phẩm, bao gồm sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ em, thực phẩm chế độ ăn đặc biệt, dinh dưỡng hỗ trợ điều trị...
Trong khi đó, Công ty CP Dược Dinh dưỡng Hacofood Group (thuộc Tập đoàn Dược quốc tế) được quảng bá là đơn vị sản xuất thực phẩm dinh dưỡng cao cấp, uy tín hàng đầu, như Talacmum, Cegold, The Empire, Ikidmi, Kawai, Superce, Hacomax... Một số sản phẩm sữa bột này được quảng cáo bởi người nổi tiếng.